Có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ hiện diện tại vùng Vịnh nếu đó không phải là tham vọng tăng trưởng như vũ bão của ba hãng hàng không khu vực này, gồm Emirates Airlines, Etihad Airways và Qatar Airways. Nhiều năm qua, du khách đến Trung Đông chỉ có thể quá cảnh tại London, Paris hay Amsterdam, nhưng giờ đây, bị thôi thúc bởi đội bay mới hào nhoáng cùng chế độ dịch vụ nhiệt tình của ba hãng hàng không nói trên, họ đang có khuynh hướng đổi sang điểm dừng ở Dubai, Doha hay Abu Dhabi, vô hình trung biến khu vực nhỏ bé này trở thành một ngã tư mới của ngành du lịch lữ hành thế giới.
Sân bay vùng Vịnh luôn nhộn nhịp ngày đêm
Sự chuyển đổi ấy được thúc đẩy mạnh bởi cả phía các nhà quản lý phi trường, hãng bay và còn được hậu thuẫn của các chính phủ thuộc vùng Vịnh vì họ xem ngành hàng không là cách khiến các nước này trở thành “tay chơi” có tầm cỡ hơn trên diễn đàn kinh tế thế giới. Yếu tố địa lý cũng đóng vai trò không nhỏ cho sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên ấy. Chẳng hạn, đến Qatar hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chỉ mất khoảng tám giờ bay nếu khách du lịch đến từ Ấn Độ, Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á. Mặt khác, thời tiết vùng này nóng, ấm áp, đường băng không bao giờ bị đóng cửa vì bão tuyết, máy bay không phải chờ đến lượt hạ cánh và chuyến bay cũng không bị hủy vì công nhân đình công như ở châu Âu.
Nhưng điều khiến các hãng bay Mỹ hay châu Âu quan ngại về tương lai chính là các hãng hàng không vùng Vịnh đang dần lấy đi thị phần kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất nhờ ở các chuyến bay quốc tế dài. Trong năm qua, khu vực vịnh Ba Tư đã đặt mua đến một phần ba trong tổng số Boeing 777 và Airbus A380 được bán ra trên toàn thế giới. Sở hữu một lượng lớn hai loại phi cơ nhanh nhất và có khả năng bay xa nhất, ba hãng Emirates Airlines, Etihad Airways và Qatar Airways có thể vận chuyển được khoảng 70 ngàn hành khách vào bất kỳ thời điểm nào. Chỉ trong vòng năm năm qua, số lượng hành khách thường niên du hành thông qua Dubai đã tăng 77% (từ 28,8 triệu lượt người lên 51 triệu), tức là mật độ hành khách còn đông hơn cả phi trường John F. Kennedy của New York (Mỹ). Do đó, hơn bao giờ hết, các hãng hàng không và chính phủ Bắc Mỹ cũng như châu Âu đang ra sức chống lại xu thế ấy. Ví dụ Chính phủ Canada đã hạn chế số máy bay Etihad, Emirates và Qatar được phép hạ cánh xuống các phi trường thuộc nước này nhằm hỗ trợ Air Canada giữ được nhịp độ lưu chuyển hành khách trên chặng bay từ Canada đến Ấn Độ, châu Phi và châu Á. Tương tự, Lufthansa cố gắng ngăn chặn các hãng hàng không của vùng Vịnh thâm nhập vào sân bay nước Đức. Tuy nhiên, tỏ ra nhanh nhạy và “biết người biết ta”, các hãng bay Trung Đông đã đi theo hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi. Trường hợp điển hình là Etihad đã mua lại 29% cổ phần của Air Berlin, thêm 40% của Air Seychelles và còn hợp tác với Air France-KLM. Hãng Emirates thì ký hợp đồng hợp tác mười năm cùng Qantas của Úc, trong khi Qatar đang bắt tay với American Airlines và British Airways. Chưa hết, các chính phủ vùng Vịnh còn sẽ đầu tư nhiều hơn vào các phi trường hấp dẫn và hứa hẹn hiệu quả khai thác cao. Qatar đang xây dựng sân bay trị giá 15 tỉ USD tại Doha, có khả năng đón tiếp 24 triệu lượt khách mỗi năm. Tại Abu Dhabi (thủ đô của UAE), chính phủ đang xúc tiến xây dựng một sân ga to gấp đôi diện tích trung tâm thương mại The Mall of America ở thành phố Bloomington, bang Minnesota, Mỹ.
Lâm Kiên theo AP