Đến bây giờ, Hảo mới đủ dũng cảm để xác định rằng mình đang thực sự ngồi trên chuyến xe nầy. Cô biết rõ là mình đang trở về, đang là “người chạy lại”. Hành trình ra đi và trở về không khác nhau. Có khác chăng là trạng thái tiếp nhận của lòng mình.
Đối với Hảo bây giờ, đi hay về đã không còn quan trọng nữa, dẫu là hai khái niệm đối lập, nhưng cũng như nhau thôi. Đi hay về vẫn là hành trình của sự đơn côi, của đợi chờ thăm thẳm.
Chuyến xe chở hơn năm mươi hành khách đang lao nhanh về một phía. Phía đó, Hảo biết rằng mình đã phải đợi chờ rất lâu, rất lâu, để về. Phía đó, mặc dầu đối với Hảo có thể sẽ là một phía chênh vênh.
Nắng trưa bỏng rát, hắt vào thỏi sắt rỗng ruột hình chữ nhựt đang di chuyển trên mặt đường. Cả mui xe, thành xe, cửa sổ, ghế ngồi đều nóng khô.
Xe chạy bon bon nhưng Hảo lại thấy nó sao mà trầy trật, cũng như cô đang nặng nhọc lướt qua quá khứ của mình. Trên xe, có người ngủ gật gà, người căng mắt nhìn đường, người mơ màng nghĩ mông lung…
Hảo không thuộc những tốp người đó. Cô không biết nên làm gì lúc nầy, không có gì để suy nghĩ, muốn nhìn cảnh vật xung quanh cũng không có tâm trí nào.
Đơn giản là cô muốn tìm cách nào đó để quên đi những lo lắng đang chờn vờn bên cạnh mình. Nhưng Hảo lại cứ như thừa thải ra, bất lực.
Cô ước gì mình có thể ngủ được như những hành khách kia, bù lại một đêm gầy guộc thức trắng. Nhưng không được, có cái gì đó kéo chùng cô lại.
Hảo nhớ trước đây có khi cô từng nghĩ rằng mình giống y như sợi dây đàn, chùng lại sẽ không thể phát ra âm thanh, nhưng nếu quá căng thì sẽ đứt cái bựt.
- Xem thêm: Phía của tình yêu
Không phải bỗng dưng Hảo lại quyết định làm một chuyến về. Đời người đâu phải chuyện gì cũng tự nhiên, có nhiều thứ phải đắn đo lắm.
Nơi đó, đã nhiều năm Hảo không về lại, chừng như quên bẵng đi (Mà có lẽ thật ra là muốn quên). Mấy hôm trước, tình cờ xem một đoạn thời sự đưa tin cù lao An Lương đã thông xe chiếc cầu nối liền quốc lộ.
Vừa mới nghe loáng thoáng, Hảo vội liếc mắt về màn hình, xem qua được một tý thì đoạn tin đã hết, chuyển sang tin khác. Cô tắt bếp, bỏ dở bữa ăn chiều đang nấu, lật đật mở laptop.
Phải mất một vài phút thừ người trước những gì hiện ra trên Internet. Cây cầu rất lớn, dài gần nửa cây số, có thể ví như kỳ công và kỳ quan của xứ miệt vườn vốn nghèo khó ngày nào.
Cầu nằm ngay chỗ bến đò xưa, nơi trước kia Hảo từng sang sông mỗi ngày để đến nhà người yêu. Con sông vốn quen thuộc với cô, giờ đây sao lại thấy xa lạ.
Hình như khi có cầu lớn bắc ngang, nó bỗng dài và rộng ra hơn hẳn, khoác lên mình sắc màu phố thị đậm hơn.
Hảo mường tượng An Lương ngày nay có lẽ cũng như con sông kia, đã thay đổi nhiều. Dáng dấp thôn dã dần phai nhạt, xứ quê mùa đột ngột trở nên lạ lẫm trong mắt kẻ đi xa.
Mà cũng phải thôi, cái gì rồi cũng sẽ thay đổi, quá khứ đâu thể là thứ trường cửu để con người ôm khư khư mãi… như Hảo!
Ký ức đâu đó lại gõ đều đều vào lồng ngực. Hảo nghe rõ ràng lắm. Cô ngồi thẩn thờ trước màn hình laptop, nhìn thật kỹ những hình ảnh trước mắt mình. Nghe những thứ mang tên “ngày xưa” quét ngang đôi mắt.
Đến lúc đó, Hảo mới nhớ rằng mình đã rất nhiều năm không về nơi ấy. Nhưng chính xác là bao nhiêu năm, ngay cả cô cũng không nhớ rõ, đúng hơn là không muốn nhớ đến.
Bỗng dưng lúc nầy Hảo lại nảy ra ý định làm một chuyến về. Mà, về để làm gì chứ? Câu hỏi thấy dễ, mà đâu dễ trả lời dứt khoát được.
Không một mục đích rõ ràng. Không một nơi để tìm lại. Không một người thân quen. Nếu nói về để nhìn cây cầu lớn và dài ngoằn ấy có lẽ chỉ là bịa.
Hình ảnh trên báo, truyền hình, Internet đầy dẫy, khắp nơi cũng có biết bao cây cầu hoành tráng hơn thế, cần gì Hảo phải lặn lội hàng trăm cây số để về xem?
Vậy mà cuối cùng, người đã trốn tránh nơi ấy bao nhiêu năm nay quyết định sẽ về. Về, đơn giản chỉ là… để về.
Giờ đây, khi đã ngồi trên xe, Hảo lại cảm thấy bất an.
Sự bất an vốn đã có từ ngày ra đi chứ không phải đợi đến lúc trở về. Thành phố lạ mở ra cho Hảo những ngày tháng mới, nhưng dường như lại tràn ngập những bất an.
Chưa biết có thể tìm được hạnh phúc hay không, nhưng ít ra, lao đầu vào công việc bộn bề có thể làm cô ít nhớ nghĩ tới chuyện cũ. Có lẽ như vậy thì sẽ ít đau hơn.
Vậy mà cô lại phải thường xuyên đối mặt với cô đơn. Hảo sợ đêm, vì khi ấy cô phải rời công việc, đối diện với bốn bức tường phòng trọ. Chỉ một mình cô.
Nhiều lần, Hảo vừa nghe nhạc vừa xem hình người yêu cũ, và khóc. Không phải là muốn khóc, mà khi nghe lại bài hát cũ, xem lại hình ảnh cũ, cô không thể nào ngăn được dòng nước âm thầm tràn ra từ khóe mắt.
Mấy giọt nước nhỏ xíu, lăn ra hiền khô, vậy mà cũng đủ để phải mang đầy nặng nhọc rồi. Hảo cố lừa dối mình, rằng mình muốn quên, mình sẽ quên. Nhưng cô lại đặt khung hình của người yêu trên đầu giường, để mỗi ngày được nhìn thấy gương mặt ấy.
- Xem thêm: Có lẽ anh chẳng yêu em
Người yêu của Hảo – giờ đã gắn thêm từ “cũ” phía sau, không phải là con trai như những cặp tình nhân khác. Thùy cũng là con gái, con gái xứ cù lao An Lương chính hiệu.
Thùy thường tự hào rằng ở mảnh đất của mình sống, mỗi con người đều bình dị và chân thành, trọng nghĩa nhân.
Hảo nghĩ không biết có phải vì thế mà Thùy cũng mang trong mình nét đẹp mộc mạc của những con người đó? Thùy duyên dáng, sắc sảo nhưng lại đầy mạnh mẽ và có cá tính, điểm nầy Hảo rất thích.
Hảo nói, con gái dịu dàng thường không mạnh mẽ, ngược lại nếu con gái quá có cá tính thì không được dịu dàng, nhưng Thùy lại có cả hai.
Dạo ấy, là những chiều rất trẻ, Hảo thường có mặt ở bến đò quen thuộc. Nó sẽ đưa Hảo sang cù lao An Lương để đến với Thùy.
Cô đứng trên con đò lắc lư giữa minh mông sóng, lòng nôn nao muốn nhanh chân sang bờ bên kia.
Trên con đò nhỏ ấy, Hảo biết rằng mỗi phút giây chờ đợi để được sang bờ là những phút giây cảm thấy mình bình yên nhứt, hạnh phúc nhứt. Đơn giản là Hảo chỉ muốn gặp Thùy, chở Thùy đi đâu đó, hay chỉ là nhìn nụ cười của Thùy, cũng đủ thấy ấm lòng.
Nhưng những điều ấy giờ đây đã là ký ức quá xa xăm rồi, kể từ ngày Hảo không qua sông nữa. Ngày ấy, cô đã không nghĩ rằng sẽ có ngày mình không xuống đò sang sông, vậy mà cũng có lúc cù lao An Lương làm mặt lạ với cô, con đò không còn niềm nở với cô nữa.
Tất cả như xua đuổi Hảo, biểu phải tập quên nơi đây đi, tập quên bến đò nầy đi, chúng không thuộc về cô. Đó là khi Hảo thấy mờ mờ một màng nước mỏng trong vắt sắp vỡ ra từ trong mắt Thùy. Đó là khi Thùy kìm tiếng nấc quay đi không nhìn cô nữa.
“Hảo về đi! Và cũng… đừng đến nhà Thùy nữa. Thùy không thể… Thùy xin lỗi!”.
Hảo giựt mình, ngó Thùy trân trối. Chuyện gì sắp xảy ra với cả hai đây? Hảo còn chưa kịp hỏi rõ ràng thì ba của Thùy từ trong nhà tất tả bước ra, quăng cái nhìn bén ngót vào mắt cô. Ông bắt đầu nói, mỗi lời cất lên như sắp sửa nuốt chửng cô gái mảnh mai đứng trước mặt mình.
“Gia đình tôi đã biết chuyện của cô và con Thùy. Tôi nói cho cô biết, tôi và má nó không thể nào chấp nhận chuyện hai đứa con gái yêu đương nhau. Đó là trái với đạo lý, làm nhục mặt cái nhà nầy. Cô có nghĩ cho con Thùy không? Nó còn phải lấy chồng, sanh con đẻ cái. Làm ba cái trò yêu đương bịnh hoạn nầy rồi làm sao sao dám nhìn mặt bà con làng xóm?”.
Đôi mắt ông đỏ ngầu, tưởng như sắp sôi sùng sục. Hảo sựng lại rất lâu trước cặp mắt ấy! Cô nói sắp không thành tiếng, cổ họng nghẹn ứ, khô khốc. Đôi môi cắn chặt lại, như muốn tứa máu. Da thịt nghe râm ran đau nhói, rát buốt.
Hảo cảm thấy mình sợ hãi và bất lực. Cô cất lên những lời nói yếu xìu, ngập ngừng, như đoán trước được trong chuyện nầy trước sau mình gì cũng sẽ là người thất bại.
“Bác ơi! Tình yêu của hai người cùng giới tính… thì có sao đâu bác? Chúng con yêu nhau thật lòng và hạnh phúc. Chúng cần có nhau… để yêu thương và san sẻ cho nhau…”.
“Thôi đi, khỏi nói nữa gì hết. Cái gì mà hạnh phúc, tụi bây là nhục nhã cả dòng cả họ kìa”.
“Sao bác cứ dùng những luân lý nữ lấy nam, sinh con đẻ cái? Con gái yêu con gái thì là quái vật hay sao? Chúng con có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ai đâu, sao bác lại cấm chúng con…”.
“Không là quái vật chớ còn là gì? Con gái không lấy chồng sanh đẻ, đi theo cái thứ như mầy hả? Đồ điên rồ, bịnh hoạn! Làm ơn đừng dụ dỗ con tao. Mày đi ra khỏi cái nhà nầy!”.
“Con… thật lòng với Thùy. Bác làm ơn… đừng bắt con rời khỏi Thùy, bác đừng bắt con đi”.
Ba của Thùy cắt ngang lời Hảo, mấy câu nói của ông càng lúc càng dồn dập nuốt chửng cô. Ông còn nói nhiều nữa, nhiều nữa, nhưng lỗ tai Hảo như lùng bùng ra, như không còn có thể tiếp nhận thêm lời nào.
Cô muốn thét lên thật lớn, muốn nhào đến giành lại người con gái của mình, muốn ôm chặt lấy Thùy, muốn cùng người mình yêu rời khỏi nơi đau khổ nầy…
Thậm chí, Hảo muốn được chết đi ngay bây giờ, kết thúc một kiếp người. Nhưng cô không thể làm gì hơn được.
- Xem thêm: Yêu đương trên sàn
Hảo ước gì mình sinh ra là con trai, như thế sẽ có thể yêu Thùy mà không ai ngăn cấm. Tình yêu của cô và Thùy, mặc dù không giống như tình yêu bình thường của những người khác, nhưng nó không phải là trò chơi, không phải là giả dối.
Hảo biết làm thế nào bây giờ, Thùy ơi? Cô nhìn Thùy, gương mặt người Hảo yêu cũng đã ngập ngụa nước từ lúc nào. Thùy đến bên cô, chỉ nói được một câu ngập ngừng, đôi môi sắp vỡ của Thùy phát ra những tiếng nặng nề:
“Hảo à! Thùy xin Hảo đó, Hảo về đi mà… về đi…”.
Ba lôi Thùy vào nhà, tiếng cửa đóng sầm như nhát chém đau đứt ruột. Hảo im bặt, chết đứng. Mọi thứ đổ sầm trước mặt cô. Vậy là hết!
Hảo trở về vẫn trên chuyến đò quen thuộc. Nhưng sông giờ đây đã thành kẻ lạ. Nó quá rộng, quá sâu, mà sao con đò lại bé nhỏ, chơi vơi.
Giống như Hảo, một mình bơ vơ giữa thế giới rộng thênh, thế giới tràn ngập những thứ gọi là luân lý, đạo đức, định kiến.
Ở nơi đó, bao giờ con người ta mới có thể tìm lại được bản thể của chính mình và bước đi trên con đường đã chọn. Biết bao giờ Hảo mới tìm được một hạnh phúc chân thật và bình yên? Những gì vun vén bấy lâu, đêm ấy, Hảo đã gửi lại hết cho sông nầy.
Đám cưới Thùy, Hảo đứng bên nầy sông nhìn sang bên kia, úp mặt vào mộng mơ vừa vỡ, và khóc. Không biết bên bờ kia, Thùy có khóc như Hảo?
Cô muốn bước xuống chuyến đò quen thuộc để sang sông, muốn đứng trước căn nhà đã từng có nhiều kỷ niệm. Hảo không đủ mạnh mẽ, nhưng cũng không vô tình như người khác nghĩ.
Cô nhớ lắm, đau lắm! Bao nhiêu ký ức về Thùy chảy tràn ngay trong lúc ấy, như một dòng thác đổ ầm vào Hảo. Dòng thác âm thầm, nhẹ nhàng mà sao nghe lạnh ngắt, buốc đến tận bên trong lồng ngực.
Bên kia sông là cổng cưới hoành tráng, đỏ rực – màu đỏ của tình yêu, của hạnh phúc, của may mắn. Tiếng nhạc phát ra từ đám cưới cứ vang vang đến tận bên nầy sông nơi Hảo đang đứng, với những ca từ lặp đi lặp lại: cưới, cô dâu, chú rể, hạnh phúc, gia đình…
Tự dưng Hảo cảm thấy thèm, thèm lắm chứ. Cũng muốn có cô dâu chú rể như ai, cũng muốn có gia đình hạnh phúc như ai.
Gia đình đó sẽ có một đứa con nhỏ, đứa con không có cha, nhưng thay vào đó nó sẽ có hai người mẹ chăm sóc, thương yêu. Vậy mà, làm sao có được?
Vậy là Hảo ra đi. Mái tóc dài nhanh chóng được bỏ xuống không thương tiếc. Cô đi với mái tóc ngắn chỉ còn đến chấm vai.
Đi, tưởng là sẽ không trở lại.
Nhưng hôm nay, Hảo lại về.
Đơn giản là muốn về lại một chốn xưa. Chốn ấy chứa đủ những vui buồn của một thời trẻ dại. Cô vẫn mong nhìn lại, nhìn lại có thể để rồi quên, có thể sẽ lưu luyến thêm, cũng có thể sẽ đau hơn.
Có thể ngôi nhà đó không còn, có thể Thùy đã chồng con nheo nhóc. Hảo chưa biết mình sẽ lâm vào tình huống nào, sẽ phải ứng phó ra sao khi về xứ ấy và nhứt là có thể sẽ gặp lại những con người cũ.
Nhưng mà, dầu tình huống nào xảy đến, Hảo cũng sẽ đón chờ và đối diện. Vì, cô đã sẵn sàng nhận một chuyến về. Vì, cô không đủ dũng cảm để phủi bỏ một cái sạch trơn quá khứ của mình.
Khi ấy, trong giờ phút Hảo từ trên xe xuống và bước chân đầu tiên lên mảnh đất An Lương để đánh dấu ngày trở lại, cô sẽ nhìn nó một lần thật lâu, thật kỹ. Cô sẽ đi qua cây cầu nối hai bờ yêu thương ấy, nó sẽ đưa cô về với chốn cũ của cô.
Chuyến xe hơn năm mươi hành khách đang lao nhanh về một phía. Phía đó, Hảo biết là không còn xa…