Mùng Hai tết năm đó thím Út bị gãy chân. Cái chân giờ đã lành. Chỉ là trở trời hơi lâm râm đau nhức.
Thím là người hiền lành, chu đáo, biết vun vén, quan tâm gia đình và cả anh chị em hai bên. Có người bạn gói bánh tét rất ngon, thím đặt vài chục đòn biếu mọi người ăn tết. Theo giao kèo, trưa mùng Hai, người bán chở bánh đến tận nhà.
Không biết có chuyện gì đột xuất, người ta điện đến xin lỗi là không giao bánh được, nhờ thím đến lấy về giùm. Thím là người dễ chịu nên không xem chuyện đó là điều khó khăn, bực tức gì. Nhưng mà thím bận ở nhà xem có khách khứa, dòng họ nào về mà tiếp đón. Nhà thờ họ nên ba ngày tết con cháu về rất đông.
Thằng con thì đã về thăm bên vợ. Thím đành nhờ chú. Dĩ nhiên là chú không đi, vì chú đã từng cằn nhằn khi thím bỏ ra bạc triệu đặt mấy chục đòn bánh tét: “Quý giá gì ba thứ đó, bày đặt cho tốn tiền”. Hơn nữa, chú đã có cuộc hẹn vào buổi trưa.
Nào giờ đi đâu thím thường ngồi sau lưng chú. Từ ngày chú ít đi chung với thím thì con thím chở. Thím chạy xe rất yếu. Nên đoạn đường đang thi công dang dở dài gần 12 cây số cả đi và về đối với thím là đoạn đường nguy hiểm.
Thím đến nơi thì bà bạn đang vớt bánh ra khỏi nồi. Bà bạn áy náy: “Ông sui của tôi mới mất hồi hôm, chồng tôi và tụi nhỏ chạy qua bển hết rồi”. Thím chờ bánh nguội bớt và phụ bà bạn dỡ vài nồi bánh khác nữa mới ra về.
Thím đang chạy từ từ bên phần đường mình thì có ông say rượu ngược chiều đâm về phía thím. Thím lách nhanh lên lề, nơi đặt cái bảng có ghi dòng chữ “Nhà nghỉ Mi Mi”.
Xém bị xe tông, thím muốn đứng tim, mặt cắt không còn một giọt máu. Chưa kịp hoàn hồn thì thím thấy chú trờ tới, chở theo một cô gái trẻ ăn mặc hở hang.
Mặc dù chú đeo kính đen, khẩu trang kín mít nhưng chiếc xe tay ga màu đỏ này thím đã bán cả bầy heo mới đủ mua cho chú, thím còn cẩn thận dán trước đầu xe tấm hình Phật Bà để mong bình an cho chú nữa, thím không thể nào lầm.
Và hơn nữa, cái tướng người thím đã từng thương, từng ôm mấy chục năm trời, thím không thể nào lầm cho được. Thím bỏ chiếc xe cũ mèm và bao bánh tét ngã nhào xuống đất, chạy lại nắm đuôi xe chú.
“Ông Cu, ông đi đâu đây, ông chở ai vô đây làm chi vậy?”. Chú quay đầu xe, quát lớn: “Mày buông ra coi, mới đầu năm đầu tháng mày định bôi tro trét trấu vô mặt tao à, buông ra coi”.
Thím cứ ghị đuôi xe chú, chú bực mình quá, và chắc cũng xấu hổ vì người đi đường dừng lại nhìn, chú bỏ mặc chiếc xe với cô gái, bước xuống tát thím mấy bạt tai. Hai người giằng kéo làm sao mà chú vô tình đẩy thím lọt xuống hố công trình…
Thím và chú cùng tuổi. Những năm tháng ngược xuôi vun vén cho chồng cho con đã vắt kiệt tuổi xuân của thím. Chú lại là người có máu trăng hoa, thím biết chú có bồ nhí từ lâu nhưng nghĩ chú lén lút ở đâu thì kệ.
Chồng vẫn là chồng của thím, cha vẫn là cha của thằng con thím, hết tình thì còn nghĩa, có mất đi đâu mà lo. Nhưng sau đợt bị thím bắt gặp, chú công khai luôn. Hẹn hò hết cô này cô nọ.
Người đàng hoàng, thấy kiểu cư xử của chú, ai cũng ghét. Còn mấy ông có máu như chú không tiếc lời ca tụng “Anh Út đại gia có bồ đẹp bồ ngon không hen”. Càng được khen chú càng hăng, khoe hình hết em này đến em nọ.
“Mà sao anh quen được mấy đứa này hay vậy?”. Chú quơ quơ điện thoại trước mặt mấy “thằng đệ”: “Thì nhờ cái này nè chứ gì nữa. Tụi bây chỉ cần có cái như vầy, rồi đăng ký mạng, vô trang này, trang này, trang này, cái gì cũng có”. Chú cười khà khà trước sự ngơ ngác của những ông bạn vốn là nông dân gặp thời sốt đất như chú.
Chân thím đi đứng bình thường không được bao lâu, chú nằm liệt giường liệt chiếu. Người ta theo số trong điện thoại của chú mà gọi về nhà. Cô bồ đẹp bồ ngon của chú chuồn mất, bỏ mình chú không một mảnh vải che thân, nằm thoi thóp trong một phòng nghỉ cách nhà vài cây số.
Chú nằm một chỗ gần hai năm thì mất. Thím luôn cận kề chăm nom cẩn thận. Chú không nói được, chỉ có đôi mắt đảo qua đảo lại liên tục mỗi bận thím đút chú ăn, lau mình, trở mình cho chú.
“Ba thằng Tân cứ ăn và ngủ cho khỏe đi, đừng nghĩ ngợi gì hết, ông cứ khỏe đi cho thằng Tân nó vui, cho ấm nhà ấm cửa”. Ngày chú mất, lưng vẫn liền bâng, không một vết lở loét nào.
Bàn thờ nghi ngút khói. Cạnh di ảnh chú và ba chén cơm, ba ly nước, bốn chiếc đũa là cái điện thoại. Thấy đứa cháu có vẻ hiếu kỳ, thím cười cười: “Ba thằng Tân rất mê cái máy này, hồi chưa bán đất, ổng bán cả con bò cái tơ, đắp vô vài triệu nữa mới mua đủ đó”.
Đứa cháu ra về, nhưng tâm trí cứ để lại nơi nhà thờ của nội, nơi có bà thím với nụ cười nhân từ quá đỗi, nơi bàn thờ nghi ngút khói và chiếc điện thoại màu vàng có hình quả táo trên lưng…