Trong trường hợp phải từ bỏ vai trò mảng kinh doanh MCN, Yeah1 sẽ gặp khó khăn lớn do nhiều mảng kinh doanh truyền thống đang vấp phải sức cạnh tranh lớn
Việc YouTube thông báo chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung với Tập đoàn Yeah1 (Yeah1) từ ngày 31-3-2019 nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực khi tập đoàn này đến nay vẫn chưa công bố kết quả đàm phán với YouTube.
Dù Yeah1 cho biết, mảng này chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD lợi nhuận cho công ty trong năm 2018, tuy nhiên sau thông tin này, cổ phiếu YEG đã giảm sàn 11 phiên liên tiếp, khiến vốn hóa của công ty bốc hơi hàng ngàn tỉ đồng.
Rõ ràng, nhà đầu tư đánh giá Yeah1 chịu ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với con số 1 triệu USD. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, trong trường hợp phải từ bỏ vai trò MCN, Yeah1 sẽ gặp khó khăn lớn do nhiều mảng kinh doanh truyền thống đang vấp phải sức cạnh tranh lớn.
Mảng kinh doanh YouTube
Đây là hoạt động kinh doanh dựa vào quảng cáo trên nền tảng YouTube, đóng góp 28% doanh thu và 51% lợi nhuận sau thuế cho Yeah1 trong năm 2018, gồm ba nguồn thu: Doanh thu từ phát các nội dung quảng cáo được nhận từ YouTube trên kênh của các đối tác; Doanh thu từ phát các nội dung quảng cáo được nhận từ YouTube trên kênh của Yeah1 và; Doanh thu quảng cáo trên kênh của Yeah1 từ các hợp đồng trực tiếp với các nhãn hàng.
Không còn giấy phép Mạng đa kênh từ YouTube đồng nghĩa với việc công ty sẽ không thể chia sẻ doanh thu quảng cáo từ kênh YouTube của đối tác. Năm 2018, khoảng 1.100 kênh của đối tác tạo ra 16,7% doanh thu và 12,9% lợi nhuận sau thuế (tương đương 1 triệu USD) cho Yeah1.
Trong khi đó, khoảng 75 kênh thuộc sở hữu của công ty (trong đó có 11 kênh nội địa), tạo ra 600.000 USD lợi nhuận sau thuế cho công ty. Yeah1 cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao này.
Mảng kinh doanh kỹ thuật số ngoài YouTube
Mảng này bao gồm hai hoạt động là Netlink và WebFace. Trong đó, Netlink hoạt động như một nhà quản lý xuất bản đại diện cho Google. Netlink hiện quản lý 1.300 đối tác là các nhà xuất bản (website, ứng dụng di động) với 80% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài.
Để tiến ra thị trường nước ngoài, công ty đang chấp nhận biên lợi nhuận thấp để có thể thu hút các đối tác xuất bản. Do đó, tuy tạo ra 20% doanh thu nhưng Netlink chỉ mang lại 5% lợi nhuận gộp trong năm 2018.
WebFace là mảng đóng góp 8% doanh thu và 14% lợi nhuận gộp cho công ty. WebFace kiếm tiền từ các website/facebook fanpage được quản lý và vận hành bởi Yeah1 cũng như các website của đối tác xuất bản khác. Hiện tại, mảng này quản lý 69 facebook fanpage với 63 triệu người theo dõi và trên 60 website với 450 triệu lượt xem mỗi tháng.
Đối với các đối tác xuất bản, WebFace không chỉ đóng vai trò quản lý xuất bản mà còn tối ưu hóa nội dung kiếm tiền. Nhờ đó, WebFace có biên lợi nhuận cao hơn hẳn so với Netlink.
Về facebook fanpage, doanh thu tới từ: (1) Cổng kết nối người dùng đến các website, nơi công ty có thể tạo ra doanh thu quảng cáo từ Google và (2) Tạo ra doanh thu quảng cáo trực tiếp bằng công cụ Ad Break của Facebook
Mảng kinh doanh truyền thống
Tuy vẫn đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Yeah1 nhưng lợi nhuận của mảng truyền thống không ổn định trong quá khứ.
Các kênh truyền hình cáp thuộc sở hữu của Yeah1 Entertainment đóng góp nhiều nhất cho doanh thu mảng truyền thống của công ty, có nguồn thu chủ yếu đến từ quảng cáo. Chi phí cho sản xuất nội dung cao khiến hoạt động này có biên lợi nhuận rất thấp (3,2%).
Chiến lược phát triển cho các năm tới sẽ là tăng thời lượng quảng cáo cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, các nội dung ca nhạc bản quyền mua từ Universal Music Group được kỳ vọng sẽ giúp làm giàu mảng truyền hình bằng các nội dung chất lượng cao, qua đó gia tăng xếp hạng (rating), lượt người xem và doanh thu quảng cáo.
Hoạt động kinh doanh phim chiếu rạp thông qua công ty con Yeah1 CMG, đóng góp không đáng kể vào kết quả kinh doanh của Yeah1. Mức độ tham gia của công ty vào các bộ phim chủ yếu chỉ dừng lại ở quảng cáo và tiếp thị. Yeah1 CMG đóng nhiều vai trò trong việc quảng bá thương hiệu Yeah1 hơn là một bộ phận tạo ra lợi nhuận.
Đại lý mua bán quảng cáo (TNT Media) là công ty con được mua lại từ năm 2016 trong chiến lược mở rộng mảng truyền thống. TNT Media hoạt động như một kênh trung gian giữa nhãn hàng và các đài truyền hình, có chức năng mua/bán quảng cáo và bản quyền phim. Doanh thu tăng mạnh trong năm 2018 nhờ công ty giành được quyền phân phối quảng cáo cho một số kênh truyền hình trung ương. Tuy vậy, do chỉ là kênh trung gian, cùng với cạnh tranh trong ngành cao khiến biên lợi nhuận ngày càng mỏng.
Nhìn chung, mảng truyền thống có mức độ cạnh tranh rất cao và biên lợi nhuận mỏng. Cùng với xu hướng người dùng dần chuyển từ kênh truyền hình sang kỹ thuật số (YouTube, Facebook, Instagram, Zalo…), vì vậy dư địa tăng trưởng của Yeah1 trong mảng này là không nhiều.