Với tên gọi “Hà Nội trong tôi”, triển lãm 16 bức tranh sơn mài của đôi vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân – Công Kim Hoa đang diễn ra tại gallery Eight (số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) là một triển lãm rất đáng xem theo lời của họa sĩ Nguyễn Lâm, một “cây đại thụ” sơn mài của đất Sài Gòn.
Đây là lần đầu tiên tranh sơn mài của Trịnh Tuân và Công Kim Hoa được giới thiệu với công chúng phương Nam dù họ đã là những tên tuổi quen thuộc của sơn mài thủ đô. Chính vì vậy phòng tranh đã thu hút khá nhiều họa sĩ sơn mài Sài Gòn. Dễ nhận thấy những nét dị biệt của ngôn ngữ sơn mài trong tranh Trịnh Tuân và Công Kim Hoa so với các đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.
Sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1985, Trịnh Tuân dù học ngành thiết kế design nhưng đã sớm đến với hội họa qua nhiều loại chất liệu tạo hình khác nhau và đến năm 1995 thì gắn bó với sơn mài. Ông được coi là người đã có đóng góp đặc biệt vào chủ đề Hà Nội trong hội họa Việt Nam đương đại. Năm 2007, trong triển lãm “Giấc mơ Hà Nội” (cùng với hai họa sĩ Malaysia và Philippines), Trịnh Tuân đã giới thiệu loạt tranh 11 bức vẽ về Hà Nội gây được sự chú ý đặc biệt đối với giới phê bình cũng như công chúng yêu tranh.
Mặt khác, Trịnh Tuân cũng thừa nhận những tác động của bậc thầy Gustav Klimt đối với ngôn ngữ tạo hình sơn mài của ông: “Tôi có nhiều đồng cảm với Gustav Klimt. Tranh của Klimt có không gian và tinh thần của hòa sắc sơn mài truyền thống Việt Nam. Có thể tinh thần của Klimt ngấm dần vào tranh của tôi”. Theo Trịnh Tuân, chính ngành học thiết kế – design đã giúp họa sĩ có được những khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình và tìm thấy những đồng cảm với tranh Klimt: “Tranh của Klimt sử dụng rất nhiều chi tiết décor – trang trí. Chính vì điều ấy mà tôi nhận thấy có sự gần gũi giữa tác phẩm của Klimt với nghệ thuật phương Đông và đặc biệt với tranh sơn mài Việt”. Trong cảm nhận của Trịnh Tuân, “hòa sắc trong tranh của Klimt rất gần với hòa sắc và bảng màu của tranh sơn mài, màu vàng của Klimt giống như màu vàng lá trong khi màu đỏ gợi nhiều đến màu đỏ của son trai trong tranh sơn mài”. Với các tác phẩm sơn mài mang âm hưởng của tác giả của bức Nụ hôn bất tử cùng những chi tiết décor và ngôn ngữ tạo hình hiện đại, có thể nói Trịnh Tuân đem lại sự tươi mới cho tranh sơn mài truyền thống.
Tranh Trịnh Tuân đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, có trong sưu tập của nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân trong cũng như ngoài nước. Song song với sáng tác, ông còn giảng dạy ở khoa Thiết kế tại chính ngôi trường ngày xưa mình đã học. Trịnh Tuân còn là Chủ tịch của Asia Art Link, cộng đồng nghệ thuật do ông và họa sĩ Malaysia Ng Bee thành lập năm 2005, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ 12 nước châu Á hoạt động theo mô hình mở, nhằm giao lưu, trao đổi qua các trại sáng tác, các triển lãm chung. Năm 2014, Asia Art Link đã tổ chức triển lãm ủng hộ cho nạn nhân siêu bão Haiyan.
Có phần lặng lẽ hơn người bạn đời, họa sĩ Công Kim Hoa cũng là một gương mặt có dấu ấn mạnh mẽ và độc đáo của làng sơn mài Hà Nội. Sinh năm 1962, tốt nghiệp chuyên ngành gốm tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1985 nhưng Công Kim Hoa cũng sớm đến với hội họa và cũng gắn bó với chất liệu sơn mài từ năm 1993. Năm 2006, với triển lãm “Điểm chuyển” trưng bày trên 30 tranh sơn mài bằng ngôn ngữ trừu tượng, Công Kim Hoa cho thấy tài năng và bản lĩnh nghệ thuật của mình. Nhà nghiên cứu – phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định: “Khi nghiên cứu về hội họa của Công Kim Hoa, có những thời điểm thốt nhiên ta cảm thấy như bị bao bọc bởi một thế giới hội họa rất riêng của họa sĩ. Đó là khi nội dung tác phẩm hội họa đã truyền tới được người xem nhờ sự trình diễn những ánh xạ của quá khứ hay hướng đến những giấc mơ về tương lai… Trong tranh sơn mài của Công Kim Hoa là những khám phá mới mẻ, vừa tự do vừa chặt chẽ và đầy nữ tính. Nghệ thuật là kết quả của sự trải nghiệm trong cuộc sống cộng với khả năng truyền tả, nếu thiếu một trong hai mặt này giá trị của nó không nhiều lắm… Họa sĩ là người có vẻ vừa độ, không phô diễn hình thức, không cầu kỳ, nhưng cũng không cẩu thả, trái lại cẩn thận tìm tòi những hình thức tinh tế để thể hiện mình và nuôi dưỡng một phương án hội họa có thể là đi được rất xa, rất xa trên con đường nghệ thuật”.
Xưởng vẽ của đôi vợ chồng họa sĩ ở số 17 Lý Quốc Sư (Hà Nội) còn là nơi họ sẵn lòng trao truyền những kinh nghiệm và kỹ thuật cho những họa sĩ trẻ trong và ngoài nước yêu thích sơn mài.
- Phạm Đán Bình