Từ những hạt gạo nhỏ bé với màu đơn sắc, đội ngũ nghệ nhân của Tranh gạo Quỳnh Vy đã cho ra đời những bức tranh thể hiện những danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, tranh nghệ thuật và tĩnh vật, tranh chữ thư pháp
Và đặc biệt là mảng tranh chân dung được chăm chút rất khéo léo, công phu và tỉ mỉ, đến nỗi nhiều người phải thốt lên: “Tuyệt vời!”.
Tranh gạo Quỳnh Vy là một phòng tranh khá nhỏ nhắn và yên tĩnh, nằm đầu một con hẻm nhỏ trên đường Nguyển Đình Chiểu, Q.3, TP. Hồ Chí Minh. Chủ nhân của phòng tranh là hai chị em Nguyễn Ngọc Quỳnh và Nguyễn Thúy Vy, những cô gái còn rất trẻ có niềm đam mê nghệ thuật, đặc biệt với dòng tranh gạo. Ước muốn được đưa những bức tranh mang hồn quê không chỉ đến với người yêu nghệ thuật trong nước mà cả ở nhiều nước trên thế giới khiến hai cô gái bắt đầu tìm hiểu nghề làm tranh gạo và chọn con đường kinh doanh.
Sáng tạo không ngừng để có tranh gạo hôm nay
Không ít người ngạc nhiên lẫn thích thú khi đến chiêm ngưỡng những bức tranh gạo đủ mọi kích cỡ tại phòng tranh Quỳnh Vy. Qua bàn tay của nghệ nhân, hạt gạo xếp trên nền của bức tranh tạo nên những đường nét sinh động và quyến rũ. Xem một bức tranh gạo, chúng ta chắc hẳn có thể tưởng tượng ra được nghệ nhân phải làm việc miệt mài và tỉ mỉ ra sao để xếp từng hạt gạo nhỏ lên tranh, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô cùng tinh xảo.
Tranh gạo được yêu thích vì có được những màu sắc độc đáo, tự nhiên. Các công đoạn từ khâu chọn từng loại gạo, xử lý nhiệt để tạo màu, đến việc đính từng hạt gạo lên khung rồi phủ keo đặc biệt để bảo quản tranh đều được thực hiện thủ công. Khách nước ngoài chuộng tranh gạo vì vẻ đẹp độc đáo và thường đặt hàng tranh gạo để làm quà tặng vào những dịp đặc biệt. Đông đảo Việt kiều về thăm quê hương khi trở về thường mang theo một vài bức tranh gạo để khoe về một chất liệu tranh chỉ có ở Việt Nam. Tranh gạo không chỉ gợi nhớ quê hương, đất nước qua những chủ đề phong cảnh đồng quê, tre trúc, hoa sen, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… mà còn bởi trong hạt gạo đã chứa cả hồn quê – “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi hôm nay…”.
Trong khi những tác phẩm tranh gạo với chủ đề phong cảnh, danh thắng… mang vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi thì thể loại tranh chân dung được đầu tư nhiều hơn. Theo Ngọc Quỳnh, để có một tác phẩm tranh chân dung bằng gạo vừa có hồn, vừa mang vẻ tự nhiên thì khâu chọn gạo, xử lý màu rất công phu, các chi tiết trên tranh rất cần sự khéo léo, tinh tế của người nghệ nhân.
Để có những bức tranh gạo đầy sống động với hơn 20 màu tự nhiên, đủ các tông sáng, tối, đậm, nhạt như hôm nay, chị em Quỳnh, Vy đã phải trải qua một quá trình tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Nhuộm thì làm mất màu tự nhiên của gạo, còn rang, sấy không khéo sẽ làm vỡ, nổ hạt gạo. Đến khi đã biết cách “nhuộm” màu gạo bằng nhiệt, hai chị em lại tiếp tục gặp khó khăn khi đưa tranh ra thị trường, bởi phải làm sao để du khách hiểu qua quá trình tạo nên tranh, cảm nhận sâu sắc giá trị cũng như sự kỳ công khi làm tranh. Hai chị em cũng mất một thời gian để thuyết phục những khách hàng khó tính bằng cách chứng minh độ bền của sản phẩm trong điều kiện được bảo quản tốt.Đến nay, có thể nói tranh gạo đã có được chỗ đứng trong lòng người yêu nghệ thuật cũng như trên thị trường.
Cả gia đình cùng mê tranh
Tranh gạo tuy mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng trở thành dòng tranh tượng trưng cho văn hóa Việt Nam. Vì vậy, dòng tranh này của Quỳnh Vy đã nhận được lời mời tham dự nhiều sự kiện trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh và văn hóa của quốc gia như cuộc thi Duyên dáng Truyền hình ASEAN 2011, Giọng ca vàng Truyền hình ASEAN 2011, Giao lưu thanh niên ASEAN – Ấn Độ 2012… Trong các sự kiện Gặp gỡ Việt – Nhật 2012, Ngày Hội Doanh nhân 2012, và gần đây nhất là Triển lãm Thanh niên ASEAN 2013… gian hàng của tranh Quỳnh Vy đã được nhiều lời khen ngợi của khách tham quan quốc tế. Vui mừng hơn, tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới 2011, một tác phẩm của Tranh gạo Quỳnh Vy đã được chọn làm sản phẩm đấu giá để gây quỹ từ thiện. Chủ nhân của bức tranh gạo trị giá 2.500 đôla Mỹ chia sẻ: “Tôi vô cùng khâm phục tài năng của những nghệ nhân Việt Nam, khi họ biết sử dụng một cách khéo léo những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và vô cùng đặc sắc. Tranh gạo sẽ giúp bạn bè thế giới thêm yêu đất nước và con người Việt Nam”. Với chất liệu độc đáo, thiết kế đẹp mắt, tranh gạo cũng đã nhiều lần được chọn là quà tặng quốc gia để các hoa hậu, hoa khôi đại diện Việt Nam mang đến các cuộc thi sắc đẹp quốc tế như: Hoa hậu Trái đất 2012, Hoa hậu Thế giới 2012 và 2013, Hoa hậu Hoàn vũ 2012, Hoa hậu Siêu Quốc gia 2012…
Ban đầu chỉ có chị em Quỳnh Vy tìm hiểu nghề tranh gạo và làm cùng nghệ nhân. Chỉ một thời gian ngắn sau, mẹ của Quỳnh Vy và anh Nguyễn Khoa Đăng (chồng của Ngọc Quỳnh) cũng mê mẩn với tranh gạo từ lúc nào không hay. Anh Khoa Đăng cho biết: “Cả nhà cùng mê nghệ thuật và cùng tập trung phát triển sự nghiệp tranh gạo là một cơ duyên thật sự. Từ đó, mọi người dễ dàng có tiếng nói chung trong công việc lẫn trong cuộc sống”. Còn nhớ, trong đêm đấu giá cho chương trình từ thiện “Vết sẹo cuộc đời – Scar of Life”, tất cả thành viên trong gia đình Quỳnh Vy cùng đến tham dự và hồi hộp chờ đợi bức tranh của mình được xướng tên. Đến khi bức tranh được mua với giá 7.000 đôla Mỹ, cả nhà cũng vỡ òa vì vui mừng.Suốt quãng đường về và cả những ngày sau đó, niềm hạnh phúc vẫn đong đầy mỗi khi cả nhà cùng nhắc đến sự kiện vừa qua.
Những nghệ nhân làm tranh cũng sống và làm việc với gia đình Quỳnh Vy như một đại gia đình.Từ một người làm nghề, họ kéo cả gia đình, họ hàng cùng làm tranh gạo. Có những hoàn cảnh khó khăn mà gia đình Quỳnh Vy phải mở lòng giúp đỡ, sẻ chia.Nhưng bù lại, có những tấm chân tình và cả những sự nhiệt tình của nghệ nhân khiến gia đình cô chủ cảm động đến rơi nước mắt. Mấy ngày qua, trong khi Thúy Vy đang mang tranh gạo, tranh cát và tranh đá quý sang Nhật để tham dự Festival Vietnam 2013 thì ở nhà, cả gia đình cũng đang gấp rút chuẩn bị gần 300 bức tranh gạo cho Diễn đàn Gạo Quốc tế 2013 tổ chức tại Ấn Độ. Để có thể hoàn thành số lượng tranh lớn trong chỉ hơn tám ngày, đội ngũ nghệ nhân đã làm việc không quản ngày đêm.“Đây là những tấm lòng và nỗ lực đáng quý mà chỉ có những người làm việc với nhau lâu năm như một gia đình mới có được”, Ngọc Quỳnh cảm động nói.
Nếu ngày trước Quỳnh Vy chỉ chú trọng đến sản phẩm tranh gạo thì nay phòng tranh của chị em cô đã có thêm cả tranh cát, tranh đá quý và tranh đá trắng.Mỗi sản phẩm, Quỳnh Vy đều làm đến nơi đến chốn để tạo ra những tác phẩm hoàn hảo nhất.Mới hôm qua, bức tranh chân dung bằng cát của Quỳnh Vy đã là một món quà tặng ý nghĩa để hai vợ chồng người con tặng cho cha mình nhân dịp mừng thọ. Người cha lặng đi vì vui sướng bởi chân dung trên bức tranh cát là tấm hình ông rất yêu thích, dù đã hoen mờtheo thời gian. Hơn nữa, món quà của con gợi nhớ về miền quê Nha Trang cát trắng mà ông đã xa từ nhiều năm nay. Lời cảm ơn của đôi vợ chồng mua tranh cát cũng như những lời cảm kích thường xuyên qua email, điện thoại của những người mua tranh là động lực lớn để gia đình Quỳnh Vy tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật và kinh doanh của mình.
- Trọng Đức