Một hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: nhìn từ góc độ Luật Quốc tế” vừa diễn ra tuần qua tại Brussels (Bỉ) với sự tham dự của nhiều quan chức từ EU, NATO và học giả về Biển Đông.
Trong bốn phiên thảo luận, các vấn đề sau đây đã được phân tích cho thấy chính sách xâm lược của Trung Quốc. Đó là về “Đánh bắt hải sản” trong phiên thứ nhất, phiên thứ hai về “Hàng hải”, phiên thứ ba về “Quy chế đảo” và phiên thứ tư về “Giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Trong khi những vấn đề trên được các nhà nghiên cứu phân tích dưới góc độ pháp lý thì tình hình Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông được xem là nóng bỏng nhất, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế do thái độ ngang ngược và những tuyên bố xem thường luật pháp quốc tế của nước này.
Quy mô lớn, tốc độ nhanh
Chuyên san quốc phòng Jane’s Defence Weekly ngày 15-2-2015 đã tung ra một loạt ảnh vệ tinh – mà bức mới nhất chụp vào hạ tuần tháng 1-2015 – cho thấy quy mô to lớn và tốc độ nhanh chóng của công việc bồi đắp các bãi ngầm hay rạn san hô mà Trung Quốc đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa.
Yếu tố mới nhất được chuyên san Jane’s Defence nêu bật để minh họa cho cơn sốt xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông, là công trình bồi đắp và xây dựng trên đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) của Việt Nam từ năm 1988, biến bãi ngầm chỉ rộng 380 mét vuông này thành một đảo lớn rộng 75.000 mét vuông!
Nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh mới chụp vào tháng 1-2015, và so sánh với các bức chụp trước đó, các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đang rốt ráo thay đổi hiện trạng Biển Đông, xây dựng cơ sở nhằm làm bàn đạp khống chế toàn bộ Biển Đông, đặt các nước khác trước “sự đã rồi”.
Hành động lấn lướt trên hiện trường này đã đi ngược lại tất cả những tuyên bố hòa dịu mà giới lãnh đạo Trung Quốc không ngừng đưa ra, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, trong đó có thông điệp được nhắc đi nhắc lại là cần phải thực thi nghiêm túc Bản Tuyên bốỨng xử về Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 20-2, Trung Quốc đang dồn uy lực đáng kể xuống Biển Đông, còn báo MỹWall Street Journal ngày 18-2 cũng ghi nhận “Trung Quốc mở rộng công việc xây cất tại vùng Biển Đông đang tranh chấp… Việc bồi đắp đảo nhân tạo cho thấy Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng lãnh thổ”.
Nhắm vào mục tiêu quân sự
Căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp được, trận đồ mà Trung Quốc đang bố trí tại Biển Đông được thấy rất rõ, liên kết quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn của Việt Nam và bồi đắp từ năm 1974, với một hệ thống bảy bãi đá, rạn san hô tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã lấy từ tay Việt Nam và Philippines. Hiện nay Trung Quốc đang cấp tốc cải tạo: Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Gaven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef) và Đá Vành khăn (Mischief Reef).
Tại Hoàng Sa, Bắc Kinh đã cải tạo bồi đắp đảo chính Phú Lâm (Woody Island), và từ lâu rồi, đã cho xây trên đó một phi đạo dài 2,7 cây số. Còn tại vùng Trường Sa, theo ảnh vệ tinh vừa chụp được, thì Bắc Kinh đang xây trên Đá Chữ Thập một đường băng dài 3km và có thể sắp hoàn thành một phi đạo có độ dài tương tự trên Đá Gạc Ma, chiếm của Việt Nam vào năm 1988.
So sánh với các phi đạo của Trung Quốc, thì rõ ràng các đường băng hiện hữu – 1,2km trên đảo Ba Bình (Itu Aba) ở Trường Sa do Đài Loan kiểm soát, khoảng 0,7km của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn, hay 1,3km của Philippines trên đảo Thị Tứ (Thitu Island) – chẳng thấm vào đâu.
Bên cạnh các phi đạo, ảnh vệ tinh chụp các đảo nhân tạo đang hình thành của Trung Quốc đều cho thấy các công trình rộng lớn có thể dùng làm nhà kho, trại lính, bệ đặt radar, hệ thống phòng không, bãi đáp trực thăng…, đủ loại cơ sở được dùng vào mục tiêu quân sự.
Các giả thuyết đầu tiên đều coi các đảo nhân tạo mới này sẽ được dùng vào mục tiêu quân sự hoặc hậu cần của Trung Quốc. Về mặt quân sự, hàng hải, vị trí của các điểm đang xây mang tính chiến lược rất cao, đặc biệt khi vị trí xây dựng của Trung Quốc nằm ngay trung tâm của Biển Đông.
Theo Peter Dutton – Giám đốc Viện nghiên cứu biển Trung Quốc ở ĐH Chiến tranh hàng hải Mỹ, một trong những biện pháp đầu tiên Trung Quốc có thể tiến hành sau khi xây các đảo là triển khai khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự ADIZ từng được áp dụng ở biển Hoa Đông quanh vùng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Việc áp đặt ADIZ sẽ là bước leo thang nữa trong việc chiếm dần từng bước, áp đặt dần từng bước quyền kiểm soát Biển Đông của Bắc Kinh.
Việc đó đồng nghĩa với việc hỗ trợ các tàu đánh cá, các hoạt động thăm dò dầu khí, các hoạt động áp đặt luật, tuần tra biển, bên cạnh các hoạt động quân sự mà theo ông Peter Dutton các đảo đang được xây dựng ở Biển Đông thật sự là vấn đề nghiêm trọng cho các nước có liên quan trong vùng, vì đơn giản là Trung Quốc vượt trội hơn họ về mọi mặt sức mạnh để áp đặt các tuyên bố chủ quyền.
Tham vọng vẽ lại ranh giới địa lý
Giáo sư Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề tranh chấp Biển Đông, bày tỏ sự bất ngờ trước tốc độ và cường độ của các công trình do Trung Quốc tiến hành, như chuyên san quốc phòng Jane’s Defence tiết lộ.
Theo ông, các hoạt động bồi đắp đảo, đá của Trung Quốc để tạo ra các hòn đảo nhân tạo rất bạo về quan niệm chiến lược. Chúng củng cố các nỗ lực của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên toàn bộ các đảo, đá và các thực thể khác ở Biển Đông và “vùng biển tiếp giáp” được gộp trong yêu sách đường chín đoạn không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc.
Việc tạo ra các hòn đảo nhân tạo sẽ thiết lập sự hiện diện của Trung Quốc ở ngay vùng trung tâm của Biển Đông, qua đó vẽ lại ranh giới địa lý của khu vực Đông Nam Á.
Năm 1995, khi thông qua Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), ASEAN đã xác định phạm vi địa lý của Đông Nam Á là “khu vực bao gồm các vùng lãnh thổ của tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á, cụ thể là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, và các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia này. Hiệp ước cũng nói rõ “lãnh thổ” là lãnh thổ trên bộ, nội thủy, lãnh hải, vùng nước quần đảo, đáy biển và phần đất dưới đáy biển đó và vùng trời bên trên các phần nêu trên.
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát trên khu vực Biển Đông, sử dụng tàu chấp pháp để sáp nhập bãi Scarborough Shoal, phong tỏa – hiểu theo nghĩa quân sự – Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), và đưa đội tàu đánh cá của họ xa xuống phía nam, đến tận các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Indonesia.
Theo Giáo sư Thayer, Việt Nam cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng trên các rạn san hô mà mình kiểm soát. Tuy nhiên, điều Việt Nam đã làm không vi phạm DOC vì Việt Nam đã bắt đầu xây dựng trên đảo Trường Sa Lớn và các thực thể khác mà họ kiểm soát, từ trước khi Bản Tuyên bố năm 2002 về DOC được thông qua. Phi đạo trên Trường Sa Lớn dài 700 mét. Việt Nam cũng đã xây dựng một số công trình phòng thủ nhỏ trên một vài thực thể địa lý dưới quyền kiểm soát của mình.
DOC không cấm các hoạt động như vậy.
Các nhà phân tích cho rằng diện tích một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ vượt quá hòn đảo lớn nhất, Itu Aba hay Ba Bình/Thái Bình, đang do Đài Loan chiếm đóng.
Áp đặt chủ quyền bằng đe dọa quân sự và né tránh Luật Quốc tế
Mục tiêu chiến lược tối hậu của Trung Quốc là áp đặt chủ quyền và qua đó là quyền kiểm soát quân sự các tuyến đường giao thông trên biển và làm tăng nguy cơ đối với các lực lượng hải quân các nước.
Ở mức tối thiểu, các hòn đảo nhân tạo sẽ trở thành cơ sở tiền phương phục vụ các lợi ích thương mại của Trung Quốc, chẳng hạn như đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí, cũng như cho các cơ quan thực thi luật hàng hải của Trung Quốc. Các cơ quan này sẽ tiến được gần hơn đến các điểm nóng tiềm tàng, đồng thời có vị trí tốt để hù dọa và thúc ép cảnh sát biển của các nước khác trong khu vực.
Những hòn đảo nhân tạo sẽ cung cấp một hàng rào chống lại bất kỳ kết quả bất lợi nào của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA)hiện đang xem xét đơn kiện của Philippines chống lại Trung Quốc bởi đảo nhân tạo không nằm trong phạm vi thủ tục pháp lý đang tiến hành.
Việc Trung Quốc đột ngột tăng tốc tốc độ chiếm đất trong hơn một năm qua được nhiều chuyên gia cho là có liên quan tới vụ kiện, theo ông Jay Batongbacal – Giám đốc Viện nghiên cứu về luật biển của ĐH Philippines, trong một bài viết trên AMTI.
Để ra phán quyết, tòa PCA sẽ cần xem lại chi tiết tám điểm mà Trung Quốc chiếm. Bằng việc đột ngột biến các điểm này thành đảo, Trung Quốc sẽ khiến việc thăm dò, đánh giá này cực kỳ khó khăn mà theo lời ông chính là “phá hoại chứng cứ” làm thay đổi hiện trạng ban đầu của các đảo.
Thông thường, những việc xác định đảo như thế này không phải là khó khăn cho tòa. Tuy vậy, “các nghiên cứu chính xác trên Biển Đông đang cực thiếu và việc đánh giá chính xác các điểm bị Trung Quốc thay đổi là hoàn toàn không thể.
Việc xây dựng sẽ khiến sự thống nhất về đặc điểm của các đảo này trong tương lai để phân định sẽ rất khó khăn, trong thực tế sẽ cản trở quá trình ra phán quyết của tòa trọng tài.
Nhiều ý kiến tỏ ra bi quan trước tình hình này khi ông cho rằng cả Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế đều khó có thể làm gì để ngăn không cho Trung Quốc tiếp tục công việc bồi đắp và xây dựng các hòn đảo nhân tạo.
Tuy nhiên Việt Nam có thể cố gắng tác động đến ý định của Trung Quốc thông qua các hoạt động ngoại giao mạnh mẽở cấp độ song phương và đa phương. Cần thẳng thắn nêu bật vấn đề này với đối tác Trung Quốc, đồng thời huy động sự trợ giúp từ khối ASEAN và từ cộng đồng hàng hải quốc tế. Điều tốt nhất mà các nỗ lực này có thể đạt được là thuyết phục được Trung Quốc hành động với sự tự kiềm chế và minh bạch về ý định của mình.
Việt Nam cũng có thể làm việc chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải khác để áp dụng một loạt “chiến lược áp đặt cái giá phải trả” (Cost-imposition strategy) lên Trung Quốc, nhằm chứng minh rằng các hành động của họ sẽ tạo ra phản ứng ngược lại từ phía các quốc gia khác, khiến cho Trung Quốc khó mà tiếp tục con đường hiện tại, phải cân nhắc hơn thiệt về các hành động của họ.