Trong tác phẩm Quân vương nổi tiếng của mình, Noccolò Machiavelli dành ra một chương để giải quyết vấn đề mà một ông vua thì cần sáng tỏ: “Về sự tàn bạo và nhân từ, và liệu được dân yêu có tốt hơn bị dân ghét?”. Noccolò Machiavelli có cách kiến giải riêng, nhưng chương sách ấy lại gợi một câu hỏi dội lên trong một vở kịch kinh điển: “Trái tim của đức vua thì làm bằng gì?”
Trái tim của đức vua, nếu không biết rung động trước nỗi đau của con người, thì vương quốc sẽ lâm vào chiến tranh, bạo lực và con dân sẽ mất tự do, mất nhân quyền.
Trái tim của đức vua, nếu vô cảm trước chính nỗi đau bản thân, của người thân, thì lấy đâu ra sự rung động dành cho thần dân được. Vương quốc sẽ rơi vào hỗn loạn vì sự đui mù lương tâm của kẻ nắm quyền hành.
Vậy, trái tim đức vua tương lai cần làm bằng gì?
Triết gia Pháp Frédéric Lenoir gián tiếp tìm câu trả lời cho một nan vấn bằng câu chuyện dễ đọc và dễ hiểu, như thể chuyện hằng đêm cho trẻ con. Có lẽ ông muốn rằng, điều nan vấn đó phải được đặt vào đầu của những đứa trẻ như một câu hỏi thường thức. Bởi, chúng rồi đây sẽ làm chủ thế giới, và không chừng, sẽ làm lãnh đạo một quốc gia, một sự nghiệp kinh tế, hay chí ít, là làm chủ chính cuộc đời của chúng, trong tương lai.
Vị hoàng tử trong một vương quốc xa xôi đã bị một lời nguyền kỳ quái: cậu có trái tim, nhưng trái tim ấy được bọc trong một lớp thủy tinh. Chỉ cần rung động, đau đớn, vui mừng hay thương yêu, thì lập tức lớp vỏ thủy tinh sẽ vỡ, làm cho trái tim tan nát, cậu sẽ chết. Định mệnh trao cho cậu một tương lai quyền lực, nhưng cũng đồng thời ném cho cậu một thách đố: trở thành vị vua không biết (dám) rung động và yêu thương.
Cuốn sách này là hành trình mà cậu chống lại số mệnh. Cậu bỏ cung đình đi tìm phương thuốc để hóa giải, làm tan chảy lớp thủy tinh bao bọc trái tim mình. Cậu đồng hành với con bọ hung để biết dặm xa của một cuộc du hành có tình bạn, cậu gặp bà cụ nghèo trong túp lều để hiểu ra vì sao người nghèo lại hào phóng hơn kẻ giàu có và cũng từ đó, cậu nhận diện khuôn mặt yêu thương,…
Quyền lực ngăn cách con người với chính tha nhân. Thứ bậc thượng lưu đã giữ con người trong tháp ngà và trở nên xa lạ với mùi, màu của đời sống. Cửa ngõ trân quý những gì làm nên bản chất thiện hảo bị khép lại bởi chính địa vị mà con người huyễn tưởng đặt mình vào.
Vậy trái tim nhà vua cần làm bằng gì để vương quốc tương lai không sa vào binh đao, bạo tàn, hận thù và bất công?
Frédéric Lenoir không nói rõ trong cuốn sách. Nhưng chuyến du hành tự chữa lành của cậu bé hoàng tử lại đưa ra những khả năng hướng tới chiều kích nhân bản. Triết gia cũng gợi mở điều này: một trái tim biết rung động, yêu thương, đó chính là sự chuẩn bị cần thiết khi người ta bước vào nắm lấy vương quyền một quốc gia, vương quyền cuộc đời mình.
Chọn một giọng văn tiếng Việt giản dị, hồn hậu để chuyển ngữ, dịch giả Võ Thị Xuân Sương và người hiệu đính Nguyễn Văn Khoa đã làm cho tác phẩm Con tim thủy tinh giàu triết lý này có một gam màu tươi tắn, dễ chịu, hấp dẫn. Có thể xem đây là sách nghệ thuật sống dành cho con trẻ, tuổi thiếu niên trong bối cảnh trẻ con hiện đại đang bị “lời nguyền” của xã hội vật chất, tiêu thụ và quyền lực ảo chi phối, khống chế những trái tim biết rung động và yêu thương. Một nguồn dưỡng chất để đẩy lùi vô cảm. Cuốn sách cũng gợi ra những suy ngẫm về các hệ lụy của một thực tại được điều khiển bởi những “ông vua”, “ông hoàng con” không tim đang tác oai tác quái trong đời sống chúng ta.
Làm sao để những điều đó không còn lặp lại trong tương lai?
Cùng một thời điểm, bên cạnh Con tim thủy tinh, tác phẩm Đi tìm hạnh phúc (Phạm Danh Việt dịch, Phanbook & NXB Lao động, 2020) của Frédéric Lenoir được ấn hành, mở ra một hướng tiếp cận triết học đại chúng đầy thú vị.
(Đọc Con tim thủy tinh, Frédéric Lenoir, Võ Thị Xuân Sương dịch, Nguyễn Văn Khoa hiệu đính, Phanbook & NXB Văn hóa Văn nghệ, 2020)