Chẳng mấy chốc mà tháng Chạp gõ cửa. Tết cũng men theo gió xuân mà về. Với những người xa quê, hơn lúc nào hết, vào những dịp cuối năm, Tết đến xuân về lại háo hức trở về quê hương, về với mẹ cha, anh em, xóm làng thân thích.
Guồng quay thời gian là bất tận, không có điểm dừng, từ ngày này sang tháng khác. Con người luôn luôn chuyển động theo vòng quay ấy. Tết đến, con người mới hay thời gian trôi nhanh quá chừng, vết thời gian sẽ đếm bằng những sợi tóc hoa râm, những vết chân chim trên khóe mắt chằng chịt… Thời gian cũng khiến con người ta nuối tiếc nhiều nhất. Một năm có chừng bấy nhiêu ngày, đâu phải chừng ấy ngày chúng ta đều hạnh phúc, trọn vẹn? Và Tết về để mỗi chúng ta soi mình lại, ước vọng thêm một mùa xuân tươi mới…
Bao hân hoan, rạo rực ấy nói sao cho đủ nỗi lòng của những người con xa quê móng ngong mỗi dịp Tết đến xuân về? Dẫu có trăm ngàn nỗi nặng trĩu lo âu, bộn bề chất chứa ở xứ lạ nhưng khi nghĩ tới quê lòng ta an yên đến lạ. Xách va-li bước ra ga tàu, đôi chân thôi thúc, tim đập rộn ràng. Gặp muôn vàn gương mặt xa lạ nhưng ta ngỡ thân quen tự khi nào.
Là chú bảo vệ vẫn đang mặc trên người bộ đồng phục của nghề, tay ôm chậu mai vàng lên xe lỉnh kỉnh đồ đạc, ai nhìn vào chú đều “thanh minh”: “Mấy đứa nhỏ nhà tui mê mai lắm, mà xứ Bắc không có mai, nên mua về cho chúng nó vui”. Hay cô giúp việc, môi nở nụ cười tươi rói, tay ôm khư khư túi đồ trước ngực thì thầm rằng “chỗ này chắc cũng đủ đóng học phí cho tụi nhỏ một kỳ”.
Chạm gặp người cha, người mẹ như chú bảo vệ, cô giúp việc khiến ai nấy đều rưng rưng ghĩ về đấng sinh thành của mình. Cô chú là mẫu số chung về lòng yêu thương, tình phụ, mẫu tử. Tết rồi, ta về với cha mẹ thôi!
Bao năm ta sống ở phố với những bộn bề, ồn ào và đông đúc, chỉ mong mỗi dịp Tết đến xuân về để được về nhà, để được nghe tiếng chim reo ca mỗi sớm mai, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa inh ỏi… và được sống lại những ngày xưa xa. Quên làm sao được không khí Tết quê quây quần, nghèo nhưng mà đầm ấm.
- Xem thêm: Màu tết, mùi tết
Những ngày giáp Tết, theo mẹ đi chợ ngắm thỏa thuê cho đã con mắt rồi sà vào hàng bánh đúc nóng hôi hổi. Đó là món quà của tuổi thơ, của chợ quê ngày Tết mà bất kể đứa con nít nào cũng thích. Thèm được bố sai đi cắt lá dong, chẻ dăm ba chiếc lạt để gói giò, gói bánh… Mấy chị em quây quần bên nồi bánh chưng chơi bài tá lả, cãi nhau ỏm tỏi, nô đùa cho đến đêm muộn…
Nồi nước tắm của mẹ vào mỗi chiều cuối năm cho dù đi xa bao nhiêu năm ta cũng chẳng thể nào quên được. Nồi nước lá yêu thương có mùi hương của sả, hương nhu, lá tre và mùi của lá mùi già. Nồi nước lá khiến những đứa con của mẹ thơm tho hơn trong ngày Tết, và theo đó là ước vọng, gửi gắm trong năm mới của mẹ mong con cái của mình được bình an. Ngẫm lại, bàn tay mẹ sần sùi, thô ráp, tắm cho ta không biết bao nhiêu lần nhưng nào được lần nào ta tắm cho mẹ? Hay giản đơn là rửa tay, rửa chân cho người?
Theo guồng quay, Tết ở quê hay ở phố bây giờ cũng đôi chút khác nhiều so với xưa kia. Mọi thứ đều hiện đại và đủ đầy hơn rất nhiều. Từ việc mua sắm nhu yếu phẩm cho tới ăn chơi dịp Tết. Siêu thị, chợ cóc mọc lên như nấm với muôn vàn đủ dạng, bánh mứt, trái cây, nhang đèn… nhưng với lòng quê, gia đình mãi luôn không thay đổi. Quê hương, gia đình vẫn ở đó, chào đón, bao dung những đứa con nơi xa trở về, đoàn tụ…
Những cánh đào, cánh mai đang rung rinh với phố xuân, hé mở ra bao ước vọng… Tết rồi, về thôi! Cố gắng sắp xếp để về sớm một chút, thưởng thức chút khói vờn cay mắt cuối năm.
***
Càng về những ngày cuối năm xứ Bắc càng lạnh. Ngồi nói chuyện với nhau thôi mà khói từ miệng phả ra phà phà. Người xuýt xoa kêu trời vì lạnh quá! Người lại thích thú vì lần đầu tiên được trải nghiệm mùa lạnh ở xứ Bắc. Tan làm. Bạn kéo rủ ra quán nước bà cụ trước công ty, uống chén trà cho ấm bụng. Đúng ngay sở thích của mình, tôi gật đầu đồng ý.
Quán nước của bà cụ mọc lên tự phát cạnh gốc đa, khi tôi vào công ty đã thấy bà ngồi ở đó rồi. Nghe đâu, bà bán nước đã có thâm niên trên 30 năm có lẻ. Người xứ Bắc thường lê la những quán vỉa hè, ngồi bên nhau uống chén nước, dăm ba điếu thuốc hàn huyên chuyện trò. Phần đông là dân lao động bình dân, người làm ít tiền, học sinh, sinh viên, cũng có một số người vì sở thích mà đến. Mùa đông, quán nước của bà có thêm một bếp lửa tự chế.
- Xem thêm: Nhớ tết quê
Củi nhóm là những thanh gỗ bà lượm lặt công trình cạnh bên, những cành cây khô xung quanh phố rớt xuống. Lâu lâu, bà còn phục vụ khách bằng những bắp ngô, khoai nướng tại chỗ. Khi nhìn những lọn khói từ bếp lửa của bà bay lên chờn vờn trắng xóa, tôi nói với bạn nhớ khói quá. Bạn vội mỉm cười, nhớ chi lạ lùng, nhớ gì không nhớ lại nhớ khói.
Tôi luôn có cảm giác nhớ rất nhớ những gì thuộc về ấu thơ, gia đình và về mảnh đất miền Trung thân thương quê mình. Mỗi bận mùa đông về, tiết trời lạnh không kém xứ Bắc là bao nhiêu. Những cơn bấc gợi tôi nhớ tới mùa đốt đồng ở quê. Rơm, rạ, thân cây ngô, cỏ dại, được người dân vun lại thành từng đống đốt lấy tro.
Bố nói nhờ số tro tàn ấy mà cây lúa vụ kế tươi tốt hơn không ngờ. Thật lạ, giữa bao la là khói, tôi lại không thấy ngột ngạt mà cứ hít hà mãi không thôi. Cái mùi khói đồng lạ lắm. Thơm thơm của rơm rạ, của thân cây ngô quyện mùi ngai ngái của đất. Tôi cũng không thể định hình được đó là mùi gì nữa. Cứ biết rằng rất thích. Vậy nên, mùa đốt đồng nào tôi cũng phải theo mẹ ra đồng cho bằng được.
Khi đến tuổi chăn trâu, tôi được tự do trên cánh đồng làng, tự do băng qua những mùa khói cùng đám bạn. Ấu thơ tôi đẹp như một câu chuyện cổ tích có hậu. Chúng tôi làm xiếc trên những đống lửa be bé sắp tàn, nhảy huỳnh huỵch từ vuông ruộng này sang vuông ruộng khác. Sức tưởng tượng của tuổi ấu thơ phong phú, đứa nào cũng nghĩ rằng mình là siêu nhân, đang tung hoành giữa bầu trời lộng gió và những ngọn khói đốt đồng.
- Xem thêm: Những mùa xuân trên bến sông
Tiện sẵn lửa giữa đồng, cả bọn kéo nhau xuống bãi mót khoai, mót ngô nướng ăn. Chờ mãi, chờ đến khi nước dãi thèm thuồng rớt xuống, cũng tới lúc khoai, ngô chín. Bữa tiệc giữa đồng được bầy ra. Chao ôi, ngon hết sẩy! Ăn tới mẩu cuối cùng vẫn còn thèm thuồng. Cả bọn hẹn nhau ngày mai, mùa đốt đồng lại tiếp tục.
Những ngày cuối năm, dù bận rộn cỡ nào mẹ cũng vun vén ngõ vườn sạch sẽ. Bắt đầu từ khu vườn rộng thênh thanh với hàng trăm loại cây trái. Vườn rộng, mình mẹ làm mãi cỏ vẫn không hết. Xong đám đất chỗ này, chỗ khác cỏ lại mọc lên. Đám cỏ dại nhiều khi làm cho cái đầu của tôi phát điên lên được. Thương mẹ sớm hôm, mồ hôi rịn ướt cả tấm áo sòng. Tôi vẫn thường phụ mẹ gom cỏ lại thành đống, lá khô rồi châm lửa đốt.
Nếu như khói đồng có cái mênh mang diệu vợi của mùi rơm, rạ, mùi thóc lép cháy khét thả vào không gian đồng quê thơm mùi bùn ngấu thì mùi cỏ, lá vườn lại có một hương thơm đặc biệt. Trong giữa hương thơm của mùi còn có tí tách lá khô cháy đượm. Con ngõ nhỏ sau khi dọn dẹp thì dường như thênh thang hơn bội phần.
Và sau cùng là khói Tết. Khói Tết bập bùng từ chiều hăm tám cho tới cuối ngày ba mươi. Bố nhóm bếp, bắc nồi bánh chưng. Vì là nồi bánh quá to nên không thể bắp trong bếp, bố chọn một góc vườn nơi rộng rãi nhất, không có cây để bắc bếp. Ụn trấu mẹ đi xát gạo về để dành ún quanh bếp, rồi củi gộc được chất vào.
Lửa bén dần, những lọn khói đặc quánh bay lên trời rồi tan vào hư không khi ngọn lửa bùng cháy mạnh mẽ. Khói Tết lẫn trong mùi Tết, mùi của thực mà ảo, thực mà mộng, mùi của cơn đói cồn cào, của cỗ Tết ngày mai, của khoanh bánh đang đợi bố cắt vào mâm cơm chiều ba mươi. Khói Tết hòa quyện cùng hơi khói nồi bánh chưng khi bố vớt, chêm thêm nước.
Chái bếp nhỏ bên hông nhà, mẹ tỉ mẩn xên mứt, rang hạt dưa, hạt bí, đóng gói, cho vào lọ chuẩn bị cho ngày mai Tết đến sao mà thân thương đến lạ. Cái mùi khói của ngày ba mươi theo tôi suốt cuộc đời như một niềm hạnh phúc hư ảo mà có thực trong đời.