Mỗi lần gió chướng thổi về, ngoài vườn hàng mai vàng lác đác những nụ biếc là lòng tôi lại bâng khuâng nhớ tết. Nhớ da diết những mùa xuân rộn rã, tưng bừng ở một miền quê xa lắc xa lơ ngày tôi còn nhỏ.
Trong ký ức lờ mờ của tuổi thơ, tết đến với tôi rất sớm. Mới qua nửa đầu tháng Chạp, nhà nhà đã đua nhau quét dọn, giặt giũ mền gối, trang hoàng đón tết, người người tất bật chuẩn bị những gì ngon nhất đẹp nhất cho tết. Mấy chị gái trong xóm xúm nhau dùng ruột cây khoai mì để tạo nên nhành hoa mai đủ màu sắc vàng tím đỏ cam chưng trang trọng trên bàn thờ. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng đỏ lửa tráng bánh, làm mứt, ép chuối phơi khô. Các dì các mợ thi nhau khoe khéo qua mâm mứt gừng, mứt bí phơi trước hiên nhà. Các cậu, các anh ra đồng tát đìa, dỡ chà bắt tôm cá, trẻ con xúm xít lặt lá mai, tưới thúc cho hàng vạn thọ kịp đơm bông… Sau ngày đưa ông Táo về trời, cả xóm vang lên tiếng quết bánh phồng thình thịch. Tới 25 tháng Chạp – ngày quét mộ là tết đã đến sát thềm nhà.
Tết chính thức đến vào ngày 30. Năm nào cũng vậy, cả xóm tôi nhà nào cũng cúng tất niên, rước ông bà, rồi cúng một mâm bên ngoài, gọi là thí thực cho những cô hồn vất vưởng, không con cháu lo chuyện giỗ chạp, không được rước về trong năm mới thì cũng được… ăn tết. Tinh thần nhân văn ấy khiến tết là dịp để người sống hoài niệm cả người tha phương không còn trên cõi đời. Sau bữa cơm trưa sum họp cuối năm, cả nhà tôi sẽ quây quần cùng gói bánh tét để kịp có bánh cúng Giao thừa. Mùi nhang trầm lẫn trong không khí se se của chiều cuối năm, với tôi, đó là mùi tết.
- Xem thêm: Ăn tết Huế
Khoảnh khắc in đậm nhất trong tâm tưởng tôi từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ là đêm Giao thừa, khi ba tôi trang trọng bày mâm cúng chúa Xuân, dù chỉ đơn sơ với phong bánh in, gói thèo lèo, bánh tét… nhưng tôi nhớ đó là một thời khắc thiêng liêng. Ba tôi giải thích rằng bà chúa Xuân đang du hành qua hạ giới và sẽ phù hộ cho nhà nào có lòng thành. Vì vậy, lũ trẻ chúng tôi rất trang nghiêm kính cẩn thắp nhang với mong ước chúa Xuân sẽ nhìn thấy lòng thành của mình, giúp mình may mắn, học giỏi trong năm mới. Sau tràng pháo báo hiệu Giao thừa, không khí tết tưng bừng, lộng lẫy ngập tràn từ trong nhà ra đầu ngõ. Trẻ con xúng xính trong bộ đồ mới, tíu tít mừng tuổi ông bà, cha mẹ để nhận “lì xì” lấy lộc đầu năm. Các bà các cô rủ nhau lên chùa thắp nhang, hái lộc đầu năm.
Tết quê ít phân biệt giàu nghèo. Nhà ai dường như cũng có các thứ bánh mứt tự làm cùng trà thơm rượu quý để dâng cúng ông bà và đón mừng người thân với tấm lòng hướng về nguồn cội. Tết còn là dịp để cho con cháu trả ơn trả hiếu, cho mọi người thăm hỏi và biếu tết lẫn nhau vì theo quan niệm của ông cha ta “Có đi có lại mới toại lòng nhau”; “Bán anh em xa mua làng giềng gần”. Tết là dịp mọi người mở lòng, bỏ qua những hờn giận năm cũ. Dành cho nhau những lời chúc an lành, thịnh vượng, hanh thông vào mỗi mùa xuân về cũng chính là dành tặng nhau món quà hoan hỷ, mở lòng ra bắt đầu từ mong muốn ai ai cũng thành đạt, hạnh phúc, không còn hơn thua, tỵ hiềm nữa. Tết như thể là dịp thanh lọc tâm hồn.
Thời gian cứ vô tình trôi mãi, chẳng mấy chốc mà những gì gọi là tết xưa, tết cũ đã mất dần theo năm tháng. Ngày nay, điều kiện kinh tế đủ đầy hơn xưa nhưng không khí chuẩn bị tết không còn rôm rả như trước. Tết bây giờ, ra đường cái gì cũng khác, ngày xuân ngày tết khó mà tìm được hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng trong chiếc áo bà ba ngồi tỉ mỉ tách vỏ me hay dần chùm ruột, xăm gừng làm mứt hoặc gọt củ kiệu làm dưa. Ngay cả hình ảnh cụ già ngồi chùi lư cũng vắng bóng vì đã có máy móc làm thay. Tất cả hình như đã lùi về quá khứ, nhiều cái cũ đã mất đi. Đã hơn ba mươi mùa xuân qua, không còn cảnh tát đìa bắt tôm bắt cá, cũng không nghe được tiếng quết bánh phồng, một thứ âm vang quen thuộc, gần gũi tự bao đời đã đi vào hồn, vào ký ức của con người miền Tây. Có lẽ do thời đại công nghiệp, mọi thứ bây giờ đều có sẵn ở chợ, siêu thị nên mọi người không cần phải tự làm như ngày xưa nữa. Tết quê bây giờ người ta chủ yếu nghĩ đến chuyện chơi tết hơn là ăn tết. Con người hiện đại cũng trở nên quan tâm đến tự do cá nhân, có nhu cầu hưởng thụ cá nhân hơn là chuyện sum vầy vui tết bên đại gia đình. Bây giờ có nhiều gia đình trẻ chọn ngày tết là dịp để du lịch xa.
- Xem thêm: Mùa chim én bay
Mỗi lần tết chạm đến nhà, tôi lại nhớ miên man nào mùi áo mới, mùi hoa vạn thọ, hoa cúc chưng trên bàn thờ, nào mùi dưa kiệu, dưa cải… nhớ cả “mùi tết” ngày xưa! Con người chỉ nhớ, chỉ tiếc nuối những gì đã mất, đã qua và chính những cái đó mới là hồn quê, hồn tết. Và còn bao nỗi nhớ, nhớ da diết nồi bánh tét trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ những chộn rộn nôn nao của trẻ con chờ tết. Chỉ có thế thôi mà sao trong tôi lại khắc khoải nhớ mãi, nhớ hoài những cái tết xưa êm đềm, gần gũi và quá đỗi yêu thương.
Tết là “đặc sản” tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, trải qua bao biến đổi thăng trầm, thời gian sàng lọc nên nhiều phong tục đã dần lùi vào quá khứ. Thật buồn khi có nhiều người lớn tiếng đề nghị xóa bỏ Tết Âm lịch vì không còn hợp với thời đại, với tác phong công nghiệp, nên học tập người Nhật chỉ đón Tết Dương lịch mà thôi! Xem ra, việc này cũng không thực sự cần thiết. Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa như hiện nay, cuộc sống của chúng ta sẽ ngày càng giản dị và đơn điệu hơn. Thay vì tốn thời gian làm mứt gừng, mứt me, nổi lửa nấu bánh tét đêm 30…, người ta chỉ cần ra chợ hay vào siêu thị vài tiếng đồng hồ là có đủ các thứ cho việc “ăn tết”. Và chỉ vài ba chục năm nữa, các mỹ tục ngày tết sẽ dần mai một.
Đến lúc đó, chẳng cần chính thức bỏ Tết Âm lịch như người Nhật, thì không khí đón xuân, ăn tết… cũng đã nhạt phai đi nhiều, nhất là ở các vùng quê. Chỉ thương cho thế hệ con cháu của chúng ta sau này sẽ không còn những kỷ niệm về tết, để hồi tưởng, háo hức mong chờ. Như tôi, đang hồi tưởng và mong chờ đến mùa gió chướng ngày xưa…
- Xem thêm: Những mùa xuân trên bến sông