Xét trên quy mô, tính chất, sự va chạm lẫn nhau về lợi ích kinh tế, lẫn lợi ích chiến lược, hai bức tranh dù mới trong giai đoạn phôi thai, đã hứa hẹn nhiều nét chấm phá với những gam màu khác biệt.
Xét trên góc nhìn giao thương, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) mang trong mình một hoài bão to lớn. Kết nối mười nền kinh tế tại khu vực vòng đai Thái Bình Dương gồm Chile, New Zealand, Singapore, Brunei (các thành viên sáng lập) và các nước đang trong quá trình đàm phán gia nhập là Hoa Kỳ, Malaysia, Australia, Nhật Bản, Peru và Việt Nam, TPP nổi lên như một biểu mẫu điển hình của xu thế tự do thương mại, đặc biệt trong bối cảnh những kết quả thất vọng của vòng đàm phán Doha (diễn ra trong khuôn khổ tiến trình tự do thương mại của WTO). Sau 12 năm thương thuyết (bắt đầu từ năm 2001), trước sự cách biệt lợi ích và thang giá trị quá chênh lệch giữa hai khối các nước phát triển và những quốc gia đang phát triển, vòng đàm phánDohabế tắc và gần như thất bại. Thêm vào đó, mô hình thương mại tự do đa phương càng trở nên kém hấp dẫn khi xu hướng bảo hộ mậu dịch của nhiều quốc gia – trước sức ép của khủng hoảng tài chính 2008 – quay trở lại. Một số nước nhận ra rằng con đường song phương hay chỉ giới hạn ở tầm khu vực sẽ hiệu quả hơn và đạt lợi ích sát sườn một cách nhanh nhất. Trong vòng hơn một thập niên, tổng số hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực giữa các nước thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã tăng gần 10 lần (từ bốn hiệp định năm 2000, lên 39 năm 2012). Đó là chưa kể những vòng đàm phán đang vẫn còn tiếp tục.
Tại Đông Á, Trung Quốc đã đi đầu bằng nỗ lực thiết lập khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA, ASEAN China Free Trade Agreement). ACFTA được chú ý đặc biệt, vì trong nó đang lưu chuyển một xung lực mạnh mẽ của kinh tế thế giới với Trung Quốc, cùng các con rồng, con hổ mới nổi trong vùng Á châu. Chậm hơn một chân, Nhật Bản rảo bước theo sau bằng con đường song phương “một kèm một”. Không kể người bạn hàng xóm Hàn Quốc, chính phủ Tokyo đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với bảy nước trong khối ASEAN bao gồm Brunei, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam. Những chỉ dấu về thương mại song hành với những thay đổi về trật tự quyền lực vùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quyết định không phá giá đồng nội tệ sau khủng hoảng châu Á năm 1997, chuyển biến trong cách tiếp cận của lãnh đạo Bắc Kinh trước sáng kiến Chiang-Mai (nhằm thiết lập một mạng lưới hỗ trợ tài chính thông qua các hợp đồng giao dịch hối đoái – “currency swap” giữa các nước ASEAN và nhóm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Bắc Kinh đánh dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng vai trò người “đảm bảo ổn định”, khiến cho nhiều tiên đoán rộ lên về vai trò mới của nước này. Siêu cường hay đại cường, lãnh đạo hay bá quyền là những câu hỏi đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết.
Nếu một khu vực tự do thương mại theo mô thức “châu Á của người Á” hình thành theo xu thế phát triển hội nhập khu vực trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, nó có thể xem là một niềm tự hào cho châu lục đông dân nhất thế giới. Nhưng tại thời điểm hiện nay, ý tưởng đó đụng phải hai vấn đề chính. Một là thực tế châu Á từ lâu không chỉ (và không được phép) riêng là của người châu Á. Đây là nơi giao thoa lợi ích của nhiều nước, nhiều vùng và nhiều quyền lực bên ngoài khác nhau. Cụm từ “việc chia đôi khu vực Thái Bình Dương” như lời của cựu ngoại trưởng Mỹ James Baker năm 1989 là một viễn cảnh màu xám, mà ít quốc gia nào trong khu vực mong muốn. Nó đánh dấu điểm khác biệt lớn nhất giữa thời kỳ chiến tranh lạnh và thời đại ngày nay: toàn cầu hóa và xu thế hợp tác cần “nhập lại” chứ không cần chia ra. Và TPP chính là chiếc cầu nối giúp gắn kết hai bên bờ. Khó ai có thể hình dung rằng Hoa Kỳ, siêu cường có mặt liên tục tại châu lục này từ 1945 đến nay với những lợi ích về thương mại, kinh tế và chiến lược chồng chéo lại bị chặn đứng bên lề bởi những hàng rào mậu dịch do các nước Á châu tự tạo dựng với nhau. Và cũng sẽ là sai lầm khi nhận định rằng một TPP – không bao gồm Trung Quốc – sẽ là một cách thức của Mỹ và các nước đồng minh cân bằng quyền lực đang lên này. Trong tương quan Mỹ – Trung, Nhật – Trung hay ASEAN – Trung Quốc hiện nay, quyền lực hiếm khi xuất hiện ở dạng cân bằng với các liên minh nước này chống nước kia hay hướng tới một mục tiêu rõ rệt. Và đó là chìa khóa đi vào vấn đề thứ hai.