Điều đáng nói là cũng trong năm này, ngân khoản ODA (viện trợ phát triển chính thức) rót cho các nước đang phát triển chỉ có 88 tỉ USD, như vậy bình quân cứ 1 tỉ USD do chương trình ODA rót cho họ thì họ làm thất thoát gần 10 tỉ USD! Tính chung trong 10 năm, từ năm 2001 đến năm 2010, tổng số tiền thất thoát của khu vực đang phát triển lên đến ít nhất 3.000 tỉ USD. Đó là không kể những giao dịch bất hợp pháp bằng tiền mặt, không có điều kiện cụ thể để kiểm chứng.
Bản báo cáo của GFI có nhan đề “Lưu thông tài chánh bất hợp pháp từ các nước đang phát triển: 2001-2010”, dày 80 trang, cho thấy Trung Quốc là nước bị thất thoát nhiều nhất, trung bình mỗi năm 274 tỉ USD, hay 2.740 tỉ USD trong 10 năm đầu thế kỷ XXI. Riêng năm 2010, khoản thất thoát của nước này đã lên đến 420,36 tỉ USD. Tiếp sau Trung Quốc là Mexico, Malaysia, Ả Rập Saudi và Nga. Mức thất thoát bình quân mỗi năm của Mexico là 47,6 tỉ USD (năm 2010: 51,2 tỉ USD); của Malaysia là 28,5 tỉ USD (năm 2010: 64,38 tỉ USD), của Ả Rập Saudi là 21 tỉ USD (năm 2010: 38,2 tỉ USD) và của Nga là 15,2 tỉ USD (năm 2010: 43,6 tỉ USD). Trong top 10 những nước bị thất thoát nhiều nhất năm 2010, ngoài năm nước kể trên còn có Iraq (22,2 tỉ USD), Nigeria (19,66 tỉ USD), Costa Rica (17,51 tỉ USD), Philippines (16,62 tỉ USD) và Thái Lan (12,37 tỉ USD). Theo Giám đốc GFI, ông Raymond Baker, “những khoản tiền bẩn khổng lồ tiếp tục chảy ra khỏi thế giới đang phát triển, vào các cơ quan thuế khóa hải ngoại và ngân hàng các nước phát triển”. Báo cáo của GFI cũng nhận định là trong 10 năm qua, cố ý định giá sai trong giao dịch thương mại là hành vi phổ biến nhất gây thất thoát tài chính cho các nước đang phát triển. Một nhà xuất khẩu bán ra nước ngoài một lô sản phẩm trị giá 2 tỉ USD, nhưng thỏa hiệp với đối tác nước ngoài chỉ ghi vào hợp đồng trị giá lô hàng 1,5 tỉ USD, khoản chênh lệch 500 triệu USD được bỏ vào tài khoản của nhà xuất khẩu ở nước ngoài. Về mặt nhập khẩu thì ngược lại, nhà nhập khẩu thổi phồng trị giá lô hàng nhập về, khoản tiền chênh lệch được bỏ vào tài khoản của họở ngoài nước. Bên cạnh hình thức tham nhũng phổ biến trên, còn có một nền “công nghiệp” làm giả tiền và hàng hóa sử dụng hay bán ra trên thị trường quốc tế, với tổng trị giá khoảng 250 tỉ USD/năm.
Để đối phó với những hành vi bất hợp pháp gây thất thoát ngân sách của nhiều nước đang phát triển, GFI kêu gọi cộng đồng quốc tế chấp thuận các thỏa ước và luật lệ mới đòi hỏi phải có sự nhận dạng người thụ hưởng các tài khoản trong ngân hàng hay các quỹ bảo hiểm, cùng người thực sự làm chủ các tập đoàn, tổ chức thương mại đang hoạt động trên thế giới. Tổ chức này cũng kêu gọi cải tiến các thủ tục thuế khóa và thương mại hầu dễ dàng phát hiện các hành vi cố ý định giá sai để trốn thuế hay tẩu tán tài sản, riêng các tập đoàn đa quốc gia cần công khai hóa mọi giao dịch thương mại, lợi nhuận và thuế trên tất cả những địa bàn hoạt động của họ. Các thông tin về thuế của cá nhân hay doanh nghiệp cần được tự động trao đổi giữa các quốc gia có quyền lợi liên quan đến hoạt động của những đối tượng này. Thực hiện tốt những khuyến cáo trên, sự thất thoát tại các nước đang phát triển mới có hy vọng giảm thiểu trong tương lai.
Lê Cẩn tổng hợp