Khu vực đang phát triển cũng chịu ảnh hưởng bởi tình hình chung, trong đó nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh ở các nước công nghiệp hóa khiến nhiều nước xuất khẩu phải quay về thị trường nội địa. Kinh tế thế giới năm 2013 tiếp tục đối diện với nhiều bất ổn và có nguy cơ đi xuống.
Năm 2013, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 2,4%
Tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ so với năm 2012 (2,2%), một phần do khu vực đồng euro (eurozone) vẫn còn nhiều bất ổn. Dự kiến năm 2013, khu vực này chỉ tăng 0,3%. Những nước mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng bịảnh hưởng, trong đó Cộng hòa Czech, Hungary và Slovania sẽ có mức tăng trưởng 2%, nhưng có thể tệ hơn nếu khu vực đồng euro tiếp tục suy thoái. Kinh tế Mỹ hồi phục chậm trong năm 2012 và triển vọng năm 2013 vẫn bấp bênh. Tuy trong khu vực nhà ở đã xuất hiện những dấu hiệu hồi phục đầu tiên, nhưng chính sách thuế khóa có thể kìm hãm các dự án đầu tư tài chính. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2013 sẽở mức 1,7%, thấp hơn so với năm 2012 (2,1%). Hai trong nhiều yếu tố tạo ra nguy cơ là cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro và sự suy yếu của một số nền kinh tế đang lên, trong đó có Trung Quốc. Kinh tế Nhật năm 2012 tăng trưởng khá hơn năm trước, đạt 1,5%, chủ yếu nhờ các công trình tái thiết và phục hồi sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Năm 2013, mức tăng dự kiến chỉ 0,6% do các biện pháp tăng thuế tiêu thụ, tiết giảm tiền hưu bổng và cắt giảm chi tiêu công.
Ở châu Phi, tăng trưởng năm 2013 sẽ đạt 4,8% (năm 2012 là 5%), nhờ vào thu nhập của các nước có xuất khẩu dầu lửa, tiếp tục chi tiêu cho các dự án hạ tầng và mở rộng quan hệ kinh tế sang các nước châu Á. Tuy nhiên, châu Phi vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có xung đột quân sự tại nhiều nơi và tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở để có thể thu hút đầu tư từ bên ngoài. Tại châu Á, khu vực Đông Á sẽ tăng nhẹ từ 5,8% của năm 2012 lên 6,2%; khu vực Nam Á sẽ từ 4,4% năm 2012 lên 5%, nhưng vẫn còn dưới tiềm năng phát triển của khu vực. Còn tại Tây Á, đa số nước xuất khẩu dầu lửa sẽ tăng trưởng vững chắc nhờ khoản thu nhập cao từ nguồn tài nguyên này và các chi tiêu của chính phủ. Riêng khu vực Mỹ La tinh, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng đạt 3,9%, tăng so với 3,2% của năm 2012.
Khủng hoảng việc làm vẫn tiếp diễn trên quy mô toàn cầu
Tại nhiều nước phát triển, tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2013, trong đó, thách thức lớn nhất vẫn dành cho châu Âu. Hiện tượng suy thoái kép tại nhiều nền kinh tế của châu lục này đã tạo một gánh nặng lên thị trường lao động. Năm 2012, tỷ lệ người thất nghiệp tại khu vực đồng euro lên đến mức kỷ lục là 11,6%, riêng Hy Lạp và Tây Ban Nha hơn 25%. Mỹ đã nỗ lực kìm giữ mức thất nghiệp ở tỷ lệ hơn 8%, nhưng thời gian kéo dài tình trạng thất nghiệp của các đối tượng này lại đạt mức cao kỷ lục: 40,6% phải chờ việc trên sáu tháng và 31,4% trên một năm. Năm 2013, nạn thất nghiệp không có dấu hiệu giảm đi trên quy mô toàn cầu, nên tạo ra công việc phù hợp cho thành phần này là chính sách ưu tiên ở các nước phát triển. Nếu mức độ tăng trưởng ở những nước này vẫn thấp như hiện nay thì phải sau năm 2016 mới có hy vọng quay trở lại mức nhân dụng của thời kỳ tiền khủng hoảng. Ở các nước đang phát triển, tuy mức độ thất nghiệp có khác nhau, nhưng thách thức chung là chất lượng lao động thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ, và sự phân biệt giới tính trong sử dụng lao động. Ở khu vực Đông Á và châu Mỹ La tinh, số người thất nghiệp được hạn chế dưới mức của thời kỳ tiền khủng hoảng. Chất lượng lao động và sự phân biệt giới tính khiến cho ở một số nước châu Phi và cả Nam Á, số công nhân nữ thất nghiệp chiếm hơn gấp đôi số nam công nhân cùng hoàn cảnh. Bên cạnh những yếu tố trên, nhiều bất ổn xã hội ở Bắc Phi, Tây Á cũng góp phần đẩy số người thất nghiệp lên cao.
Người thất nghiệp ở Mỹ xếp hàng tại phòng tìm việc
Lạm phát giảm nhưng vẫn đáng lo ở một số nước đang phát triển
Ở Mỹ, tỷ lệ lạm phát năm 2012 chỉ khoảng 2% (so với 3,1% của năm 2011). Năm 2013, lạm phát sẽ giảm nhẹ trên quy mô toàn cầu, nhưng ở khu vực đồng euro, tỷ lệ này vẫn vượt quá ngưỡng cho phép của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) là 2%. Nhật tiếp tục tình trạng giảm phát cho dù ngân hàng trung ương của nước này đã cho phép nâng mức lạm phát lên. Tại châu Phi, nỗ lực kìm hãm đà lạm phát đạt được hiệu quả đáng kể, dù còn một số nước lạm phát trên 10% như Angola, Nigeria… Về châu Á, trong lúc hầu hết các nền kinh tế Đông Á không còn nặng áp lực lạm phát thì nhiều nước Nam Á lại đối mặt với thách thức này, từ mức lạm phát hơn 11% vào năm 2012 và dự kiến khoảng 10% trong năm 2013. Mức lạm phát ở châu Mỹ La tinh và vùng biển Caribê dự kiến khoảng 6%.