Lê Quân là chủ tịch hội đồng quản trị 14 công ty hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau. Làm sơn (nhãn hiệu Joton, từng đánh bại tám công ty nước ngoài trong vụ đấu thầu sơn hầm đèo Hải Vân), làm cao su, vận tải biển, làm phim, tổ chức sự kiện, đầu tư một kênh truyền hình chuyên về âm nhạc…
Từ bốn năm nay, anh còn “ôm” thêm tờ Sóng nhạc của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh và Âm nhạc Việt Nam thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam. Cộng tác viên đa phần là bạn bè, viết bài hưởng nhuận bút tượng trưng, thậm chí một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Hà Nội còn không nhận nhuận ảnh. Bạn bè yêu Quân và ngược lại, như thơ anh viết: Bạn ư bạn và rượu/Rượu chưa say, bạn say/Chén này xin uống cạn/Thương bạn đầy hai tay.
Ở phòng làm việc của anh, rượu lúc nào cũng sẵn. Dường như bất kỳ lúc nào anh cũng sẵn sàng chờ bạn ghé qua. Nhưng kéo được Lê Quân ra nhà hàng thì cực khó. Đơn giản vì anh không thích. Với anh, uống rượu thực ra là uống tình người. Thế nên, rượu không cần sang, vài chục ngàn đồng một chai là ổn. Hình thức cũng vậy. Mặc đồ hàng thùng, điện thoại bèo, chạy xe Honda 67 và CD 90. Món đồ xem ra đáng giá nhất “treo” trên người đàn ông trung niên này là chiếc đồng hồ, quà tặng của một người bạn. Không phải Lê Quân lập dị. Tạng anh như vậy. Đồ xa xỉ, đôi khi, lại làm người khác để ý. Còn anh thì, hình như, luôn muốn mình nhòe đi, lẫn vào đám đông.
Lê Quân thường nói đùa rằng mình là “thợ tiện bậc bảy”, tức là tiện đâu làm đấy. Nhạc khí bày sẵn trong phòng làm việc. Trên lầu là phòng thu, phòng vẽ và cả phòng thí nghiệm. Tất cả luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sáng tạo của chủ nhân.
Lê Quân đa tài. Làm thơ, làm nhạc. Mê hội họa từ khi còn là một cậu bé nhưng Lê Quân chưa từng kinh qua bất kỳ trường lớp nào về hội họa. Tất cả là nhờ tự học. Những năm du học ở Bungari, anh kiếm thêm thu nhập bằng cách vẽ tranh ở hè phố vào những ngày Chủ nhật. Thế nhưng mãi đến năm 2007, Lê Quân mới chính thức trình làng. Kể từ đó, mỗi năm anh có thêm khoảng 100.000 USD từ tiền bán tranh.
Cuối tháng 7-2010, Lê Quân có triển lãm trong nước đầu tiên, Giai điệu màu, ở Hà Nội. Mười chín trong tổng số 49 bức tranh bày tại triển lãm đã có người mua, phần lớn là khách trong nước. Khi ông khách vãng lai người Nhật Bản “rinh” bức tranh giá 6.000 USD, một số họa sĩ có mặt tại phòng tranh đã buột miệng thốt lên: “Không chứng kiến thì không tin được”. Còn đại sứ Pháp thì phát biểu rằng bức tranh họ mua là “tài sản của nước Cộng hòa Pháp”.
Người Pháp không xa lạ với tranh Lê Quân. Từ ba năm nay, anh là họa sĩ Việt Nam duy nhất được mời tham dự Festival Mùa thu thường niên tại thành phố Lunéville, Pháp cùng hơn 100 họa sĩ đương đại trên thế giới. Ngoài sự kiện này, năm 2010 Lê Quân còn tham gia bốn triển lãm tại nước ngoài từ nay đến cuối năm.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại phòng làm việc anh, cạnh Nhà thờ Ba Chuông, trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3, cũng bắt đầu từ câu chuyện về Giai điệu màu. Anh nói:
Lần triển lãm ở Hà Nội vừa rồi cho tôi một cảm nhận rằng cuộc sống còn rất nhiều người tốt. Bạn bè tặng một dàn tứ tấu trong ngày khai mạc. Có những đồng nghiệp không quen mặt, đi từ Hải Phòng lên, xem tranh. Có những người bạn ở xa, dù tôi không mời nhưng vẫn về với mình. Có cả những người tôi không biết. Mọi người đến xem tranh không phải vì tò mò mà vì quý mình. Tôi quên người ta nhưng người ta vẫn tốt với tôi. Như vậy là đáng giá lắm rồi.
____
Thông thường, các họa sĩ tổ chức triển lãm ở trong nước trước khi mang chuông đi đấm xứ người. Còn Lê Quân thì làm ngược lại…
Có thể cả nước mình đều là họa sĩ nhưng nếu muốn chia sẻ với mọi người, muốn khoe với anh em một tí thì mình cũng phải suy nghĩ. Thêm nữa, thị trường tranh Hà Nội khá khó tính, lại đang rơi vào cảnh chợ chiều gần hai năm nay do khủng hoảng kinh tế nên làm triển lãm cũng không dễ. Thế nên, phải đi ra ngoài, thử xem thế giới nghĩ thế nào về mình.
____
Để “khoe với anh em một tí” mà làm tới bốn triển lãm cá nhân ở Singapore và Pháp thì có công phu quá không?
Qua lời giới thiệu từ một người bạn của tôi, chị Xuân Phượng (chủ gallery Lotus, TP. Hồ Chí Minh – PV) đến tìm tôi. Sau khi xem tranh, chị Phượng đề nghị làm triển lãm lần đầu tiên ở Singapore vào năm 2007. Thấy tranh bán được, tôi tập trung cho hội họa nhiều hơn.
____
Bán được và bán được giá?
Giá tranh là một cách đánh giá nhưng chưa đủ. Vấn đề là ai mua tranh? Ai đánh giá? Bán được nhiều hay ít còn là vấn đề thời gian. Tôi nghĩ nên bình tĩnh khi đánh giá về người khác. Điều mình nói hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai có thể sai. Quá trình sống là quá trình sai và tự điều chỉnh. Chỉ có hai loại người không bao giờ sai là chưa sinh ra và đã chết rồi. Người nghệ sĩ thực thụ luôn biết tôn trọng và chấp nhận người khác.
Biết công nhận người bên cạnh chính là vượt qua bản ngã trong mình.
____
Chấp nhận nhau là một việc không dễ?
Chấp nhận người khác là phải đấu tranh với lòng tự tôn, ích kỷ, hiếu thắng, háo danh… – những thuộc tính của loài người. Chấp nhận nhau là một câu chuyện rất khó. Biết công nhận người bên cạnh chính là vượt qua bản ngã trong mình.
____
Không có bản ngã thì nghệ sĩ không thể sáng tạo?
Văn mình vợ người, đã là nghệ sĩ thì ai cũng nghĩ rằng mình nhất thế giới. Khó nhất là phải biết những người chung quanh cũng nhất thế giới. Việc đầu tiên của người làm nghệ thuật là sự tử tế. Tôi không tin những nghệ sĩ giẫm lên lưng đồng nghiệp sẽ tạo ra tác phẩm tử tế. Nghệ thuật không có tiêu chuẩn để so sánh. Nghệ thuật chỉ có một định chuẩn chung là cái đẹp, nhưng cái đẹp dịch chuyển theo thời gian. Nhiều họa sĩ vẽ rất đẹp nhưng tranh của họ chưa bán được. Thậm chí có những người cả đời sáng tạo trong nghèo túng, đến khi qua đời rồi thì tác phẩm của họ mới được thừa nhận. Có những tác phẩm dành cho mười năm. Nhưng cũng có những tác phẩm cho hàng trăm năm.
Làm nghệ thuật với tôi là nhu cầu tự thân. Không nghĩ ra được cái gì mới thì bứt rứt, khó chịu. Từ sáng đến trước khi anh tới, tôi viết được một đoạn nhạc dạo cho piano. Có thể sự sáng tạo của mình chẳng ai quan tâm, nhưng quan trọng là mình sướng trước đã. Không ai chơi thì để cho các con của tôi chơi.
Tôi nhận biết mình nhỏ bé thật. Những việc đang làm cũng nhỏ bé thật, vịn ngọn cỏ đứng dậy ê a trắng phớ (Thơ Lê Quân).
____
Cứ viết mãi, làm mãi rồi cũng thành một cái gì đấy?
Đúng. Viết nhạc là tổ chức một không gian của những hòa thanh. Cái lợi đầu tiên là tự học mình, điều chỉnh hành vi và thu xếp được một cái gì đó hay hơn không. Nhưng tôi tuyệt nhiên không có “âm mưu” làm nghệ sĩ lớn. Tôi chỉ làm con sóng nhỏ vỗ vào năm tháng mãi (Thơ Lê Quân). May ra, có người thưởng lãm được nghệ thuật của mình ở trong thơ, trong nhạc, trong tranh là cảm động lắm rồi, bằng không thì thôi. Tôi không giả vờ khiêm tốn. Vờ khiêm tốn là tội ác. Tôi nhận biết mình nhỏ bé thật. Những việc đang làm cũng nhỏ bé thật, vịn ngọn cỏ đứng dậy ê a trắng phớ (Thơ Lê Quân). Chuyện lớn không phải là việc của tôi và tôi cũng không làm được chuyện lớn.
____
Sóng cứ vỗ hoài thì đá cũng xói mòn. Từ khi nào anh nhận biết được mình nhỏ bé?
Không nhớ chính xác nhưng cũng khá lâu rồi. Cách nay không lâu, có một học trò cũ đến tìm tôi. Cậu ấy kể rằng nhờ một câu nói của tôi mà trở thành tiến sĩ. Khi tôi hỏi sinh viên có hiểu những điều tôi giảng hay không thì cậu ấy là người duy nhất trả lời rằng không hiểu. Tôi nói: “Nếu anh không hiểu thì làm sao mà tôi hiểu được”. Hóa ra, kiến thức là hai chiều. Hãy buông mình xuống và học cách biết chấp nhận. Kiến thức trong đầu nhiều quá thì làm sao rót thêm vào được. Như chén rượu này, phải uống vơi bớt thì mới có thể rót thêm. Không giỏi quá được đâu mặc dù nếu âm mưu trở thành người giỏi nhất thì cũng có thể làm được.
____
Bằng cách nào?
Tôi múa kiếm giỏi nhất trong số những người làm báo, và làm báo giỏi nhất giữa những người múa kiếm.
____
Anh làm hai tạp chí Sóng Nhạc và Âm nhạc Việt Nam được bốn năm nay. Để giữ hai tờ này, anh có phải “nuôi” nó không?
Mỗi số báo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho 30 triệu đồng kinh phí làm tờ Âm nhạc Việt Nam. Còn Sóng nhạc thì không có kinh phí. Chúng tôi cố gắng cân đối để huề vốn. Nhuận bút thấp, thậm chí nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán còn không lấy nhuận ảnh. Anh em không vụ lợi với tôi vì tôi không vụ lợi. Chỗ nào có sự vụ lợi, có sự lem nhem về tiền bạc thì ở đó đẻ ra sự hèn hạ.
Chơi với bạn mà khôn quá là mất vui, phải thiệt một chút mới bền. Hai nhà thơ ra sân đình ngủ, có manh chiếu rách mà ông nào cũng đòi ấm, thì còn thơ phú gì nữa. Bớt một tí có chết được đâu. Nếu thành danh thì cũng thành rồi, bằng không thì… thôi. Còn lợi nên ở mức đủ ăn, được nhiều quá dễ hỏng. Tiền khó kiểm soát lắm. Chỉ cần tham một tí thôi là mình có thể bị lợi dụng ngay. Trước khi dùng chữ với trong cụm từ “cứ với mãi tuổi thơ” trong ca khúc Lãng tử viết tặng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tôi đã gọi điện xin phép Nguyễn Thụy Kha, bởi trước đó anh ấy đã viết “cứ với mãi xuống dưới vẫn không thấy tuổi thơ…”.
Chỉ một chữ thôi mà còn không dám táy máy. Tôi không tham được. Khi thành lập Joton năm 1996, tôi đã xin phép Bộ Tài chính được hạch toán công khai trên mạng. Nhìn vào lợi nhuận của nhiều công ty trên thế giới, tôi thấy hằng năm họ lời được năm, bảy phần trăm, xuất sắc mới chạm ngưỡng 10%. Thành ra, có những công ty lợi nhuận hằng năm lên tới hàng chục phần trăm thì tôi không hiểu nổi.
Chỗ nào có sự vụ lợi, có sự lem nhem về tiền bạc thì ở đó đẻ ra sự hèn hạ.
____
Kệ họ thôi…
Đương nhiên. Tôi tôn trọng mọi sự sáng tạo, kể cả thành công hay thất bại. Bạn bè gửi tặng sách, hỏi đọc chưa. Trả lời: “Rồi”. Hỏi tiếp: “Tốt không?”. Trả lời: “Tốt chứ. Sáng tạo thì phải tốt chứ”. Đừng đòi hỏi tất cả phải trở thành siêu nhân. Sợ nhất là nghe bạn khoe “chuẩn bị viết một cuốn thế này, thế kia”.
____
Theo anh, thế nào là thành công?
Tôi không luận thành bại. Tôi luận anh hùng, cụ thể là hành vi, thái độ. Có những người rất giỏi, có nhân cách, nhưng không thành công.
____
Sao anh không bớt việc lại để dành nhiều thời gian cho niềm đam mê nghệ thuật của mình?
Ngày xưa, tôi làm kinh doanh để nuôi vợ nuôi con. Còn bây giờ, tôi làm là để chia sẻ với người khác ở khía cạnh tài chính. Có rất nhiều người đang sống bằng những công việc mà tôi tạo ra.
____
Và anh cũng giàu hơn?
Không giàu không nghèo. Nhu cầu của tôi không lớn. Vẫn là cậu học trò mặc áo lính như ngày xưa.
____
Anh đi lính năm nào nhỉ?
Năm 1971, tôi vào đến Quảng Trị. Hồi đó đọc thơ nhiều, mười lăm tuổi rưỡi, vừa tốt nghiệp phổ thông là viết đơn bằng máu tình nguyện ra trận.
____
Xẻ dọc Trường Sơn…
Người ta xẻ sẵn rồi, mình có phải bập nhát cuốc nào đâu. Công lớn nhất là đi bộ. Trước vong linh của những đồng đội đã nằm lại chiến trường, tôi không dám lớn tiếng.
____
Là một doanh nghiệp Việt Nam nhưng tại sao công ty sơn của anh lại viết bằng tiếng nước ngoài?
Joton ghép từ tên hai người con trai đầu của tôi. Sinh ra ở nước ngoài nên hai con tôi mang tên nước ngoài.
____
Joton là công ty được thành lập đầu tiên trong tổng số mười bốn doanh nghiệp đang hoạt động của anh nhưng có vẻ như nó không phải là đơn vị cốt lõi, không phải là cây cột cái?
Sơn có câu chuyện của sơn. Mỗi ngành là một câu chuyện khác nhau, được xây dựng từ những tư tưởng khác nhau. Thí dụ, khi làm cao su, tôi phải nghiên cứu từ khoa học cơ bản, thay vì rút bớt vốn từ công ty sơn. Các công ty quan hệ độc lập, tránh trường hợp đơn vị này “hút máu” của đơn vị kia, phòng trường hợp “chết chùm”.
____
Có khi nào anh bị quá tải?
Hiện tại, tôi gần chạm đến ngưỡng quá tải. Năm 2002, tôi chịu một áp lực rất căng, không biết nói với ai hết. Tự nhiên, tôi nghĩ đến Hàn Mặc Tử. Rồi tôi lại nghĩ ngày xưa bộ đội đi đến đâu được nhân dân cưu mang, cho ăn, cho uống. Giờ tôi không còn là bộ đội, cũng chẳng ai biết là ai, liệu người ta có nuôi mình không, có cho mình ăn không. Tôi bỏ điện thoại đi động ở phòng làm việc, ra ga, đón tàu đi Quy Nhơn, thăm mộ Hàn Mặc Tử với vẻn vẹn 17 ngàn đồng trong túi. Sau khi trình bày với trưởng tàu, tôi không bị đuổi xuống dù không đủ tiền mua vé.
Tàu đến Quy Nhơn là 1 giờ sáng. Tôi đón xe ôm chạy ra Ghềnh Ráng, nơi nhà thơ tài hoa bạc mệnh được an táng. Xin được nửa chai rượu của người chạy xe ôm, tôi đập cửa kêu Dzũ Kha (một họa sĩ vì yêu thơ Hàn Mặc Tử nên tự nguyện đến sống ở khu lưu niệm nhà thơ này) xin mấy nén nhang. Tôi ngồi uống bên mộ Hàn Mặc Tử, đốt mấy câu thơ viết cho ông ấy rồi cuốc bộ ra lộ vẫy xe quá giang về thành phố Quy Nhơn. Kiếm cái ghế đá ngả lưng, ngủ một giấc đẫy tới trưa, tôi lang thang đi tìm bạn. Mọi người dắt đi ăn, và cho tiền tàu quay lại Sài Gòn. Hóa ra, cuộc sống còn rất nhiều người tốt thật.
____
Chuyến đi ngẫu hứng xứng đáng đồng tiền bát gạo…
Đôi khi nhờ những phút ngẫu hứng như vậy mà tôi có thêm tác phẩm. Có lần tôi xuống cổng công ty lúc 23 giờ khuya thì thấy một cô bé ăn xin đang lang thang ngoài vỉa hè. Thay vì về nhà, tôi đi lang thang theo cô bé ấy. Kết quả là ca khúc Bé lang thang ra đời…
(Tới đây, Lê Quân bật máy tính, ca khúc vang lên qua tiếng hát của ca sĩ Việt Hoàn: Bé à, bé ơi, chiều muộn rồi/Nhà ai tiếng mẹ gọi con/nhà ai nồi cơm vừa chín, thơm thơm/Trời vào khuya, trời vào khuya/Chiếc ca con em đựng niềm hy vọng…)
____
Anh chia thời gian như thế nào để quản lý chừng ấy doanh nghiệp trong khi vẫn có thời gian dành cho sáng tạo nghệ thuật?
Thượng đế cho mọi người đủ thời gian để làm những gì mình muốn. Vấn đề là mình có chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận, chứa đựng kiến thức hay không. Thí dụ, nếu có đủ kiến thức, thông tin về hoàng đế Napoleon, người ta có thể tưởng tượng ra đang cùng ông ấy tham gia trận Warteloo hoặc đi dạo cùng hoàng hậu Josephine.
Trong triết học gọi là nén thời gian và không gian bằng tư duy. Thành ra, đó là lý do tại sao người ta có thể yêu người ba ngàn năm trước, cũng như yêu người ba ngàn năm sau. Sẵn sàng là nội lực, là tri thức. Khi nội lực gặp gỡ ngoại lực, tạo ra một miền xác định, chẳng hạn như trường hợp cô bé ăn xin, thì sự sáng tạo xảy ra. Miền xác định đó đi đến đâu thì có trời mới biết. Nhiều người thường hỏi tôi vẽ hoa gì mà lạ thế. Tôi trả lời rằng tôi có vẽ hoa đâu, tại người ta gọi đó là hoa đấy chứ.
____
Trong triển lãm Giai điệu màu có bày bức tranh vẽ con chó sói già, cất đầu tru theo trăng. Bức đó anh bán cho ai?
Bức đó không bán. Tôi gài bông hoa vào tranh để tránh trường hợp người ta hỏi mua. Đó là chân dung của tôi. Một con sói già, lông lá xơ xác, ngỏng đầu lên tru như cãi nhau với trăng.
____
Vì con sói cô đơn, không biết cãi nhau với ai nên cãi nhau với… trăng?
Sao lại không. Chó cắn chó là chuyện bình thường. Nhưng con chó này không cắn nhau với đồng loại. Nó ngỏng đầu lên tìm kiếm một thứ xa xôi. Cô đơn là thuộc tính của loài người. Nghệ sĩ càng cô đơn. Họa sĩ càng cô đơn hơn nữa. Bởi trong các loại hình nghệ thuật, hội họa là lao động duy nhất hoàn toàn độc lập…
(Chiêu một ngụm rượu, Lê Quân đọc thơ mình: Phố xá đêm nay nhòe nhoẹt thế/Đèn khuya át cả ánh trăng khuya/Hình như ta với trăng say lắm/Ta níu vầng trăng tìm lối về)
____
Có về được không?
Khát vọng của nghệ sĩ là tìm lối về. Về với bản thể của mình cũng mệt lắm. Có những người đến lúc chết đã về được đâu. Bây giờ tìm mãi vẫn chưa thấy lối về. Làm doanh nhân, về nhà mà sướng à. Tôi là người Bắc, xa quê nhiều năm. Bây giờ có mấy cái nhà, nhưng nhà nào cũng như nhà thuê, không phải của mình. Cứ phải về cái nhà ngày xưa mình sinh ra, cái bờ đê ấy, góc sông ấy, mới thấy là nhà của mình.
____
Xin cảm ơn anh về cuộc trò này.