Meera Nagananda – Giám đốc phụ trách vùng của Trường đại học Tinh thần thế giới Brahma – Kumaris, khu vực Đông Nam Á đã đến hơn 50 quốc gia để xúc tiến dự án “Năm Hòa bình quốc tế”, “Triệu phút hòa bình” và được chào đón nồng nhiệt qua các đề tài đa dạng.
Bà tốt nghiệp Trường đại học Tinh thần thế giới Brahma Kumaris ở Ấn Độ năm 1968, sau đó giữ nhiều vị trí của các chi nhánh của Brahma Kumaris toàn cầu. Nhân dịp đến Việt Nam, bà đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cuộc phỏng vấn một đề tài được nhiều người quan tâm, nhất là các doanh nhân, về tâm trí và khoa học tinh thần.
____
Người ta thường dùng các “bí quyết” để chỉ những đúc rút của con người từ kinh nghiệm thực tế. Vậy các bí quyết về tâm trí con người của bà là gì và liệu có thể áp dụng như một “toa thuốc” hay không?
Hơi dài đấy! Thứ nhất, dù đời thay đổi, ta vẫn giữ được an toàn. Chúng ta biết trong bão tố, nơi an toàn nhất chính là mắt bão. Con người bao gồm cấu tạo vật chất (bên ngoài) và năng lượng tinh thần, tâm linh (bên trong). Vậy hãy tìm hiểu bên trong. Hãy trò chuyện với chính mình, phải biết xem mình là quan trọng nhất.
Thế giới ngày nay có ba loại người. Loại thứ nhất cứng đầu, dù gì cũng không chịu thay đổi. Loại thứ hai có thích mới thay đổi. Còn loại thứ ba cùng “lướt sóng” với sự thay đổi.
____
Làm thế có sợ bị cho là ích kỷ không?
Không. Từ hôm nay, buổi sáng thức dậy, bạn hãy trò chuyện với bản thân để lấy sức mạnh cho cả ngày vì có quy luật là năng lượng vào đâu thì ở đó tăng trưởng. Trước bão táp cuộc đời, dù chức to, lắm tiền cũng có khi không vượt qua được. Chỉ có sức mạnh bản thân mới giúp bạn được cảm giác an toàn. Phải làm mạnh bản thân mình.
Bí quyết thứ hai là hãy tách mình ra khỏi vở kịch cuộc đời! Cuộc đời là một sân khấu kịch có hai khuôn mặt, cả bi lẫn hài và hạnh phúc cùng đau khổ luôn thay đổi, luân chuyển. Hạnh phúc đến sẽ nhắc bạn từng đau khổ. Khi đau khổ vẫn nhắc tương lai khác đang chờ. Đừng quá nhân dạng, đồng hóa mình vào vai trò cuộc đời. Phải giữ được vị trí của người quan sát, ngắm xem mọi cảnh và không đồng hóa mình.
____
Như vậy, sức mạnh thích ứng ở đây đóng vai trò rất quan trọng?
Đúng vậy. Thế giới ngày nay có ba loại người. Loại thứ nhất cứng đầu, dù gì cũng không chịu thay đổi. Loại thứ hai có thích mới thay đổi. Còn loại thứ ba cùng “lướt sóng” với sự thay đổi. Linh hoạt, biết trải nghiệm cùng các thay đổi, linh hoạt, thích ứng. Đó là bí quyết thứ ba: cần sự thích ứng, linh hoạt. Cần có sức mạnh dẻo dai trong biến động, linh hoạt, như nước có thể vào bình hình gì cũng được.
____
Tất nhiên ai cũng muốn mình dễ thích ứng và linh hoạt, nhưng làm sao tránh được các phản ứng cần có, nếu mình cứ “đi theo” tình huống như vậy?
Đó là bí quyết thứ tư mà tôi sắp nói tới. Hãy nhìn theo cách mà mọi thứ xảy ra đều có lợi. Đó là khi sự thông thái vượt lên trên. Con mắt thông thái có nghĩa là con mắt kiến thức. Khi phát triển, con mắt thông thái sẽ nhìn được nhiều thứ, tầm nhìn rộng mở, làm cho tâm trí tồn tại.
Học không cao nhưng tầm nhìn rộng mở, có nhận thức thông thái sẽ hiểu mọi điều có lợi. Làm sao đối đáp với tình huống chứ không phải là phản ứng, giận dữ la hét mà mất năng lượng. Phải có cái đầu và con tim đính ước với nhau. Khi phản ứng tiêu cực là lúc con người không suy nghĩ được. Nhưng nếu biết nghĩ thì sẽ không phản ứng nữa.
Phải nghĩ cả trước khi nghĩ. Đó cũng chính là bí quyết thứ năm. Hãy học cách ứng phó tình huống và nghĩ trước khi làm. Loài người luôn suy nghĩ, nhưng hãy nghĩ tích cực. Đó là nhìn cuộc sống như một thử thách chứ không phải là rắc rối. Nó không gây khó khăn, mà là tạo cơ hội cho ta. Bạn phải tốt bụng với tâm trí, quan tâm chăm sóc nó. Quân bình là nghệ thuật tốt nhất trong cuộc sống.
Vì sao có nỗi sợ? Do quá khứ, do không biết, do không có hướng đi đúng. Phải hiểu rõ xem các nỗi sợ ấy là gì và dám đối mặt với bóng tối bằng cách hướng về ánh sáng. Phải vượt qua nỗi sợ mới dẻo dai.
____
Vậy một người có thể làm gì ngay sáng mai, lúc ngủ dậy để có thể áp dụng năm bí quyết trên của bà?
Bạn có thể làm ba việc này ngay: Sáng dậy với một suy nghĩ tích cực, dành mười phút nghĩ về suy nghĩ tích cực vừa có. Việc thứ hai là mỗi ngày, bất cứ lúc nào có thể, hãy dành ra một phút tự hỏi: tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi đang làm gì. Chậm lại mà suy nghĩ. Thứ ba, trước khi đi ngủ, hãy cuốn gói vứt đi mọi điều, đừng đem nó sang ngày hôm sau.
____
Nhưng thời hiện đại bất ổn khiến người ta thường xuyên phải lo âu. Vậy làm thế nào vượt qua nỗi lo âu, thậm chí sợ hãi đó?
Vì sao có nỗi sợ? Do quá khứ, do không biết, do không có hướng đi đúng. Phải hiểu rõ xem các nỗi sợ ấy là gì và dám đối mặt với bóng tối bằng cách hướng về ánh sáng. Phải vượt qua nỗi sợ mới dẻo dai.
____
Đúng là phải vượt qua nỗi sợ, nhưng nói vẫn dễ hơn là thực hiện. Chúng ta hãy đi vào một trường hợp cụ thể. Một người bệnh chữa mãi không khỏi thì họ phải vượt qua nỗi sợ như thế nào, thưa bà?
Phải hiểu rằng bệnh tật cũng là kết quả của lối sống, hành động. Người bệnh đã lạm dụng một cách vô tình hay bị động, nay phải trả giá. Phải biết nhìn ra lối sống cũ không ổn để sửa chữa, đối phó với nó thay vì sợ hãi. Mọi thứ đều phải qua một quy trình mới thay cũ, sinh ra và mất đi. Nếu cơ thể trục trặc thì ta phải có ý thức trách nhiệm giúp chính mình.
Còn nếu phải đối mặt với tình huống xấu bất khả kháng thì một khi hiểu rõ quy trình của sự sống – chết, ta cũng không sợ. Sợ là do thiếu nhận thức, do tưởng tượng, do không hiểu quy luật cuộc đời, không hiểu rằng mọi chuyện đều có lý do của nó. Phải trân trọng thời gian ta được sống, không làm cho thời gian quý báu đó bị nỗi sợ hãi nhuộm bẩn.
____
Có thể hiểu đó là nỗi sợ có lý do chủ quan, còn khi nó là một thực tế khách quan, chẳng hạn người phụ nữ bị chồng bạo hành, thì đâu là lời khuyên dành cho họ?
Có khi bạn yên lặng mà không hề tiêu cực. Nhiều khi, cách nói tuyệt vời là không nói gì, nhưng bên cạnh đó có một điều mà chúng ta hay quên: sự quả quyết. Hiểu sự việc, xử trí sâu sắc, không để cảm xúc chen vào khiến bạn phản ứng không lý trí, không phân biệt được đúng sai. Nếu dùng cảm xúc tiêu cực để phản ứng thì sẽ gọi tiêu cực khác đến.
____
Đã qua hơn 50 quốc gia, bà có thấy stress ở mọi người đều giống nhau hay có mang đặc điểm riêng từng dân tộc?
Con người là con người, nhưng cách hiểu, cách đối mặt với stress ở mỗi nơi một khác. Nguyên nhân của mọi rắc rối trên thế giới là do thiếu hiểu biết của con người mà ra. Con người đang bỏ quên những giá trị cốt lõi, để cho mình bị ảnh hưởng bởi các thành tố tạm thời mà làm ngơ với các giá trị bên trong. Mọi rắc rối bên ngoài là do từ bên trong. Phải hiểu bản thân bạn mới có cơ hội thay đổi. Tôi thay đổi thì đời thay đổi, chúng ta phải quay về với con người thật của mình.
____
Đã gọi là “trường” thì thường là nơi đào tạo các học viên về một ngành nghề nào đó. Còn cái tên “Trường Đại học Tinh thần thế giới” nghe khá trừu tượng. Bà có thể cho biết những kỹ năng chuyên môn nào được trường cung cấp cho học viên không?
Những người đến trường này không phải để học một nghề kiếm sống, mà học cách sống và cách phục vụ. Họ sẽ phải học suốt đời. Học cả những môn không đâu có, ví dụ học cách… lặng thinh! Học tư duy tích cực, quản lý bản thân, sống không stress. Nói chung là học tổng thế về con người.
Trường chúng tôi nhìn nhận rõ mỗi người có quan điểm riêng, có logic, khoa học để tìm hiểu bản thân chứ không mù quáng. Nó là trường đại học, vì là giáo dục, không phải tôn giáo. Giáo dục nghĩa là dạy và học, không tin vào những điều mù quáng. Học để trở thành người thông thái chứ không chỉ trở thành trí thức.
____
Vậy là trí thức chưa hẳn đã thông thái?
Người thông thái có giá trị, trí thức có thông tin. Đời cần giá trị hơn vì không phải thông tin nào cũng giúp ích cho bạn.
____
Được biết bà đã nghiên cứu sâu sắc các đề tài Mối quan hệ giữa tâm trí và vật chất, Quản lý suy nghĩ và củng cố sức mạnh tâm linh, Thiền định và y khoa đối với sức khỏe tinh thần… vậy bà đi tìm gì ở bản thân?
Một điều lớn nhất: từ kinh nghiệm cá nhân mình, tôi tìm ra kết luận là cái gì cũng tốt đẹp và có lợi, giúp chúng ta bắt gặp cơ hội.
Ở Đại học Tinh thần, bà là một giảng viên dạy thiền Raja yoga (thiền tâm trí, mở mắt), cũng là người thực hành thiền đã hơn 40 năm. Mọi người có thể tò mò một chút về bản thân bà, về gia đình bà, liệu có ai làm công việc như bà không. Rồi những điều bình thường như có bao giờ bà bị stress không và nếu có thì bà đã làm gì để vượt qua…
Tôi là một người rất bình thản và cương quyết. Ai cũng nhận xét tôi rất nhiệt tình, hăng hái, luôn tạo ra sự mới mẻ trong đời. Tôi là một học trò. Tôi học từ mọi thứ và lúc nào cũng vui vẻ, hài lòng có sở thích là chia sẻ.Cha mẹ tôi đã mất cả rồi. Tôi có bốn chị em gái và trai, tất cả đều đã có gia đình. Duy nhất tôi theo con đường tâm linh. Từ nhỏ tôi đã có xu hướng thích làm những việc phục vụ cộng đồng, thích giúp người khác. Khi học thiền, thấy đúng đây là cơ hội của mình nên tôi quyết định theo con đường này.
Còn về stress ư? Nói thế nào nhỉ, ngay cả lo lắng cũng không có trong tôi. Nó xảy ra giống như là sự mong đợi thôi. Không phải lo lắng, có thể có lúc hơi nản thoáng qua thôi. Những lúc ấy, tôi nhận ra nhanh lắm. Rồi tôi giữ được cảm xúc quân bình một cách có kiến thức.
____
Đã tham gia một số chương trình phát thanh truyền hình, xin bà cho biết đã nói gì với khán giả?
Nói về rất nhiều chủ đề, nhưng chung nhất là giúp con người làm thế nào để tạo sự lành mạnh trong tâm trí.
____
Thông thường, một ngày của bà là…
Tôi dậy từ 3 giờ sáng và thiền tới 4 giờ rưỡi, sau đó vệ sinh cá nhân và thiền thêm nửa giờ nữa. Tôi trao đổi ý kiến với một lớp học và sau đó gặp gỡ thêm những người cần chia sẻ. Tôi tiếp khách cả qua điện thoại và giải quyết các công việc hằng ngày.
Tôi tự nấu ăn cho bản thân. Tới trưa, tôi nghỉ một tiếng, buổi chiều thì dọn dẹp, giặt giũ, làm việc chân tay. Buổi tối, tôi ăn cơm lúc 7 giờ và sau đó có nhiều lớp học. Sau đó lại thiền và 9 giờ tối có lớp học tiếp. Xong việc, tôi có nửa giờ để nhìn nhận mọi việc trong ngày, cảm ơn những việc đã xảy ra trong cuộc đời và có những giờ thiền ngắn kiểm tra mình.
____
Những người tìm đến bà muốn chia sẻ điều gì, có câu chuyện nào về việc rắc rối gia đình, vợ chồng không? Những lúc như vậy, bà khuyên, giúp họ cách nào?
Người ta gặp tôi để hỏi mọi thứ trong đời, kể cả hướng đi mới cho cuộc đời, rồi chuyện thi cử và các rắc rối mà họ phải đối mặt. Chuyện gia đình thì nhiều lắm, tình huống người vợ hỏi khi ông chồng giận dỗi vô cớ thì nên làm gì chẳng hạn.
Tôi nói rằng gặp tình huống như thế, mình không nên đáp trả giống vậy, sẽ rất nặng nề. Nên để suy nghĩ vào bản thân mình. Khi làm nhẹ bản thân mình thì cũng dễ tha thứ, giúp họ thoải mái đừng căng thẳng mới gỡ rối dần.
____
Quan hệ cha mẹ – con cái cũng nhiều việc phải bàn, vậy đâu là vấn đề lớn nhất trong mối quan hệ này?
Cha mẹ buồn bực và bất lực vì con cái không nghe lời.
____
Vậy họ phải làm gì?
Theo tôi, trẻ em có đòi hỏi rất lớn là cha mẹ phải là người bạn thân thiện, yêu thương và phải dành thời gian cho nó. Không dùng bạo lực, vì khi cha mẹ hành xử kiểu đánh đập ấy, trẻ nhỏ không học được gì. Đừng tưởng vậy là dạy dỗ.
Cha mẹ phải biết quân bình giữa yêu thương và kỷ luật. Ngay cả khi phải kỷ luật con thì cũng phải chứa tình yêu trong đó.
____
Bà luôn đề cao các yếu tố thuộc về tinh thần, vậy một cách đơn giản, sức khỏe tinh thần được hiểu như thế nào?
Sức mạnh tinh thần liên quan đến cách bạn nhân dạng bản thân mình. Trong công việc, có thể xảy ra sự khủng hoảng nhận thức do sai lầm bản thân. Tinh thần có mạnh khỏe hay không phụ thuộc vào bạn biết thực sự bạn là ai. Nếu bạn quá hóa thân vào vai trò làm ông nọ, bà kia thì khi rời nó, bạn sẽ dễ bị sụp đổ. Tinh thần mạnh là biết tôn trọng bản thân, nhưng khiêm tốn, tin yêu mọi người.
____
Đã ba lần đến Việt Nam, bà thấy sức khỏe tinh thần của người ở đây có gì đáng nói?
Tôi chưa đi sâu nhiều, nhưng đã thấy một biểu hiện là nhiều người chú ý đến vật chất quá, coi đó là hạnh phúc. Họ không chú ý đến sự quân bình giữa vật chất và đời sống tâm trí. Nếu giữ được quân bình, họ sẽ đi đúng đường ray. Ở Việt Nam, thanh niên nhiều.
Người trẻ thường có xu hướng coi trọng vật chất. Tuổi trẻ là tương lai đất nước nên phải giúp họ biết dựa vào nền móng là giá trị. Ngoài việc học hành để có kiến thức, cần giúp họ thêm về nhận thức bản thân và tư duy tích cực.
____
Trong hành trang kiến thức của người trẻ đó, hẳn không thể thiếu những kiến thức về tinh thần. Những trải nghiệm của bà nếu được đúc kết thành sách hẳn sẽ là nguồn tài liệu quý, vậy bà có ý định viết sách không?
Tôi đã làm rất nhiều băng, đĩa, còn sách thì chưa nghĩ đến. Đặc biệt, tôi ưu tiên thời gian cho việc sáng tạo những điều mới.
____
Điều gì mới nhất bà đã tìm ra gần đây?
Tôi mới làm một đĩa hướng dẫn cách thư giãn, thiền. Những lời của tôi giúp tạo ra sức mạnh tinh thần. Tôi chỉ cách làm để có thể lan tỏa ra xung quanh sức mạnh đó. Tên của nó là Ý tưởng và cảm hứng trong thiền định Raja yoga. Trước đó có một tác phẩm khác là 7 bước tĩnh lặng.
____
Nếu bây giờ đúc kết lại thành vài lời ngắn gọn, bà sẽ nói về điều gì?
Cảm xúc trong sáng nghĩa là luôn luôn có những suy nghĩ tốt đẹp về bản thân và dành lời tốt đẹp cho người khác. Bạn làm nhà báo thì có sứ mệnh dùng bàn tay bạn để nhiều người được tạo cảm hứng khai sáng. Bạn sẽ thầm lặng cảm ơn sự nhận lại từ rất nhiều bạn đọc. Hãy luôn luôn nghĩ rằng cho đi cái gì sẽ nhận lại được cái đó.
____
Lịch làm việc và đi tham quan ở Việt Nam của bà có gì đặc biệt không và thường các bạn bè mới ở Việt Nam hỏi gì ở bà?
Tôi đi xem một số danh thắng của đất nước các bạn và chuyện trò với những người ở đó. Trước đây năm năm, tôi đến Việt Nam và thấy lúc đó bình ổn hơn, còn bây giờ căng thẳng quá.
Có lẽ vì vậy mà câu hỏi các bạn thường đưa ra là: Con người bây giờ sống căng thẳng, lo lắng, vậy có thông điệp gì gửi cho họ? Con người luôn mong đợi ở bên ngoài mà chưa thấy khả năng bên trong của mình nên bị thất vọng.
Thế giới thay đổi, mất ổn định khiến họ mất đi hy vọng. Phải nhìn nhận là khi mọi thứ đã đi quá đà thì đó là lúc kết thúc cái cũ, cái mới ra đời, giống như hết ngày thì sang đêm, sau mưa trời lại sáng. Thế giới đang trong giai đoạn cực đoan của nó. Con người cần nhận thức giá trị để xây dựng nó tốt đẹp hơn. Hãy chú ý thay đổi bản thân.
Trước đây năm năm, tôi đến Việt Nam và thấy lúc đó bình ổn hơn, còn bây giờ căng thẳng quá. Con người luôn mong đợi ở bên ngoài mà chưa thấy khả năng bên trong của mình nên bị thất vọng.
____
Theo bà, làm thế nào để con người đừng ích kỷ, quá yêu bản thân đến nỗi quên mất nhiều giá trị chung?
Phải chia sẻ! Một người ích kỷ là lúc nhận thức bản thân tạm bợ, chỉ biết sở hữu, khư khư không muốn chia sẻ. Khi họ nhìn nhận được bản thân thì sẽ thấy giống như mọi tài nguyên không phải cho một mình, mà cho tất cả mọi người.
____
Xin cảm ơn bà.