Đang cao điểm mùa nắng nóng, có lẽ thương nhất các cô cậu học trò sắp bước vào các kỳ thi.
Với các cô cậu cuối cấp phổ thông trung học, chuẩn bị thi đại học, lại càng căng thẳng với quyết định chọn trường, chọn nghề cho tương lai. Mà đâu chỉ có học sinh, rất nhiều phụ huynh cũng “vào cuộc”.
Làm cha mẹ, mấy ai muốn con mình phải chịu thiệt thòi. Nhiều người cho rằng “mình có làm gì thì cũng chỉ vì con”, nên đã áp đặt con cái theo ý mình, không quan tâm ước mơ của con ra sao, nhận thức vấn đề thế nào, nhất là trong việc chọn ngành học, chọn nghề… Có con nghe lời cha mẹ (có thành công, có thất bại), nhưng không hiếm trường hợp con cái phản ứng lại.
Thử phân tích hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, một nam sinh bị áp lực bởi mong muốn của cha mẹ là bằng mọi cách phải đậu vào trường y, với mong ước cho con có được một trường học tốt, vào được trường đại học mơ ước (của cha mẹ) phù hợp với học lực của con. Dù học rất giỏi, nhưng cậu ta vẫn có “lăn tăn” trong lòng, là sẽ đi vào đời bằng sự sắp đặt của cha mẹ hay tự giải quyết mọi việc theo cách riêng của mình? Con đường đi còn rất dài, nhiều va vấp, thuận lợi và khó khăn, cơ hội như nhau. Vấn đề là, chính cậu ta có nhận ra điều quan trọng là mình có đủ tố chất để làm một bác sĩ sau này?
Trường hợp thứ hai, một nữ sinh rất giỏi, khả năng có thể thi đỗ vào những trường hàng đầu và cũng đang lúng túng trong việc chọn trường. Cô muốn vào một ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu sinh học, nhưng mẹ cô muốn cô vào trường y. Quan niệm của mẹ cô là mai mốt ra làm bác sĩ tha hồ kiếm tiền, học ba cái ngành nghiên cứu này nọ ra chỉ có nước gặm giấy mà ăn. Trong khi cô khăng khăng: “Con không thích làm bác sĩ”, thì người mẹ lấn át: “Nếu điểm cao cứ nộp vào y khoa. Trứng đừng khôn hơn vịt!”.
Người mẹ này đã nghĩ sai hoàn toàn về nghề bác sĩ. Trong đầu chị chỉ nghĩ làm bác sĩ thì sẽ giàu, mà không biết rằng đó là một nghề cần có cái tâm cao quý hơn những nghề khác. Sáu, bảy năm học với bao nhiêu khó khăn, đòi hỏi phải phấn đấu, nỗ lực không ngừng. Con của chị không thích, không yêu nghề thì làm sao có được cái tâm để hứng thú trong học tập? Chính áp lực của cha mẹ nên giờ đây, khi kỳ thi đã gần kề mà cô học trò này buông một câu: “Chắc gì đã đủ điểm để nộp đơn!”.
Ở trường hợp thứ nhất, vấn đề đặt ra là có bao giờ nam sinh này tự hỏi lòng mình đã thật sự yêu thích ngành y hay chưa? Cậu có lường được hết những khó khăn gặp phải khi học y khoa và liệu ra trường có trở thành một bác sĩ tốt, giúp ích cho đời?
Nếu cậu ta thật sự tin rằng mình có đầy đủ tố chất của một người thầy thuốc, như biết cách tạo sự tin cậy, cảm thông, biết làm giảm nỗi đau và an ủi con người, có khả năng quan sát, phán đoán tốt, có lòng nhân đạo, thương người, có sự kiên trì, nhẫn nại, can đảm, cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực, thẳng thắn và thành thật…, nói chung là có cái tâm của một người thầy thuốc, thì theo ý cha mẹ hay theo ý mình không thành vấn đề. Bởi, mục đích cuối cùng là cậu sẽ làm công việc phục vụ con người với tấm lòng nhân ái, tận tụy, suốt đời vì tha nhân.
Và, nếu cậu đạt được mục đích giúp ích cho đời, vị tha, không vụ lợi, nguyện đem hết tài năng, kiến thức vì mục đích cao cả thì áp lực của cha mẹ hôm nay sẽ có ý nghĩa.
Còn nếu cha mẹ của nam sinh này có ý nghĩ giống như người mẹ ở trường hợp thứ hai, muốn con làm bác sĩ để kiếm được nhiều tiền, thì cậu ta cần phải nghĩ lại. Bởi mục đích của cha mẹ như vậy đã đặt lên vai cậu gánh nặng, trách nhiệm và áp lực.
Con người vào đời không chỉ duy nhất một con đường, tuy nhiên, cha mẹ nào cũng sốt ruột trong thời hiện tại mà ít suy nghĩ xa hơn. Áp đặt con cái bằng mong ước của cha mẹ không có gì sai, thế nhưng, các cô cậu học trò và các bậc phụ huynh cần phải biết rõ tố chất của con mình. Đó là điều mà không phải cha mẹ nào cũng hiểu được.