Khởi nghiệp từ một mảnh bạt bán đồ thể thao cũ trên vỉa hè đường Lê Công Kiều, quận 1, trải qua nhiều thăng trầm, đến này ông đã gầy dựng được hai cơ ngơi bề thế ngay trung tâm Sài Gòn. Từ đây, hàng hóa của ông tỏa đi hơn 300 đại lý phân phối trên khắp mọi miền đất nước.
Ngoài tiếng tăm của một nhà kinh doanh thể thao, Võ Thu còn được nhắc đến với những đóng góp đáng kể, tham gia vực dậy phong trào thể thao của TP. Hồ Chí Minh sau năm 1975. Người đàn ông gốc Quảng Nam này chính là một trong những người vận động thành lập Liên đoàn Quần vợt TP. Hồ Chí Minh, đặt nền móng cho sự ra đời của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam.
Công ty TNHH Thương mại Thể thao Thu (Thu Sports) được xem là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên phân phối dụng cụ thể thao ở TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày đất nước thống nhất.
Ở tuổi lục tuần, nhưng ông Thu vẫn khá bận rộn. Ngoài công việc kinh doanh, ông còn nuôi… con mọn, gồm một cặp song sinh 29 tháng tuổi và một bé trai sáu tháng tuổi.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại một cửa hàng của ông trên đường Phạm Hồng Thái, Q.1, vào một buổi sáng cuối tháng 5.
____
Ở tuổi lục tuần, nhưng xem ra ông vẫn nhanh nhẹn như thanh niên…
Đấy là nhờ chơi thể thao. Mỗi ngày tôi dành tối thiểu một giờ đồng hồ để tập thể thao. Đi công tác xa cũng phải lựa khách sạn có phòng tập vì thể thao đã trở thành một nhu cầu hằng ngày.
____
Ông chơi thể thao từ bao giờ?
Ngoài 30 tuổi tôi mới bắt đầu chơi.
____
Có vẻ hơi muộn?
Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói rằng “thể thao là mùa xuân của mọi lứa tuổi”. Chơi thể thao không bao giờ là muộn. Thực ra, ban đầu tôi chẳng biết gì về thể thao, mà đến với thể thao trước hết vì miếng cơm manh áo. Bản thân tôi cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Do chiến tranh quá ác liệt. Để sống còn, năm 1972, gia đình tôi, vốn có truyền thống cách mạng, nên phải thay tên đổi tuổi, dắt díu nhau từ Quảng Nam vào Sài Gòn.
Sau 30-4-1975, tôi không muốn đi làm Nhà nước. Trình độ không có, lại thêm thẳng tính, nghĩ sao nói vậy, nên không khéo còn bị… vạ miệng. Thành ra, cuối năm 1975, tôi “dọn” ra vỉa hè đường Lê Công Kiều. Trong khi những người kinh doanh trên con đường này chủ yếu bán dao muỗng nĩa, đồ sành sứ, kim khí điện máy… thì tôi trưng mấy cây vợt cầu lông, bóng bàn, giày trượt patin… trên một tấm bạt rộng chừng hai mét vuông.
Ban đầu tôi chẳng biết gì về thể thao, mà đến với thể thao trước hết vì miếng cơm manh áo.
____
Thời kỳ đó, cả nước đang thiếu ăn trầm trọng, mà chơi thể thao thì rất mau… đói. Hàng của ông có bán được không?
Do vốn ít, sợ cạnh tranh không nổi với những người khác, nên tôi đành phải tìm một lối đi riêng. Tôi tin trong tương lai, khi đất nước phát triển, thì nhu cầu chơi thể thao sẽ quay trở lại.
Nhưng đúng là phong trào thể thao ở thành phố giai đoạn tôi khởi nghiệp hầu như bị tê liệt. Những người “ghiền” chơi thể thao ở thành phố vẫn có, nhưng chủ yếu là chơi cầu lông, bóng bàn. Còn quần vợt thì rất hiếm, một phần vì sân tennis mới không có, những sân còn lại từ chế độ cũ thì đều bị bỏ hoang, xuống cấp.
Phần khác là do quần vợt được xem là môn thể thao quý tộc, có “màu sắc” tư bản nên Nhà nước không khuyến khích. Đối tượng khách hàng chủ yếu của tôi là những người nước ngoài làm việc ở Liên doanh Dầu khí Vũng Tàu. Cuối tuần, họ thường về TP. Hồ Chí Minh nghỉ ngơi và mua sắm. Hàng bán chậm nhưng lời nhiều vì tôi đi thu mua lại với giá rẻ như… ve chai.
____
Khách hàng có được bảo hành?
Lúc ấy thì chưa. Tôi luôn nói trước với khách hàng là không có chế độ bảo hành, bởi toàn bộ mặt hàng của tôi đều là đồ cũ, mua đi bán lại. Hồi đó bán một cây vợt giá vài ba lượng vàng cũng có người mua. Chơi được vài ba tuần lễ thì vợt bị gãy. Của đau con xót, khách kéo đến chỗ tôi bán hàng trách móc. Nhưng mình đâu phải nhà sản xuất. Mua được cái gì thì bán cái nấy thôi.
Sau khi “chợ” Lê Công Kiều bị giải tỏa, chính quyền bố trí cho chúng tôi về chợ Dân Sinh (đường Yersin, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 – PV). Nhưng ở trong đó nóng nực, buôn bán không thuận lợi, nên tôi quyết định ra đây (đường Phạm Hồng Thái, quận 1 – PV) thuê mặt bằng. Hồi đó an ninh ở khu vực này rất phức tạp. Xì ke, trộm cắp như rươi. Khoảng 4 giờ chiều là nhiều người không dám lại, khiến việc kinh doanh rất ế ẩm.
____
Có phải nộp tiền bảo kê không, thưa ông?
Tôi tìm cách gần gũi với đám giang hồ ở đây. Tôi không đặt mình vào thế đối nghịch với họ. Tiếp xúc mới biết phần lớn đều vì “bần cùng” mà “sinh đạo tặc”. Trồng cây nào thì bẻ cây nấy mà ăn. Anh em chôm đồ khách đến tiệm của mình thì tôi đói.
Nhưng can thiệp thì anh em đói, sớm muộn cũng tổn thương hòa khí. Đều là giới cùng đinh nên anh em đồng cảm được với mình. Có người nghe ra thì “rửa tay gác kiếm”, chí thú làm ăn, có người vì nể mình mà chuyển địa bàn hoạt động. Chỉ tiếc là điều kiện của mình lúc đó chưa đủ để nhận anh em vào làm việc.
____
Vậy còn biệt danh Thu “xì po” thì từ đâu mà có?
Tôi suy nghĩ khá đơn giản. Muốn bán đồ thể thao thì phải có người chơi. Mà muốn có người chơi thì phải gầy dựng được phong trào. Một mình làm không xuể thì “huy động” cả gia đình cùng tham gia. Tôi tìm gặp các danh thủ một thời ở Sài Gòn, rồi gửi người nhà thọ giáo. Em gái chơi bóng bàn, bạn trai của em gái theo môn cầu lông, em út học đan vợt, còn tôi thì làm quen với quần vợt. Lúc đó mình mới biết bề ngang bề dài mặt sân là bao nhiêu, giao bóng thế nào, rờ ve ra sao…
Một số người không hiểu còn nói tôi là “trưởng giả học làm sang”. Đến giai đoạn 1984 – 1985, một số lãnh đạo của thành phố bắt đầu chơi quần vợt thì định kiến mới bớt nặng nề. Dần dần, một số cơ quan cũng bắt đầu tìm đến tôi. Đổi lại, mình tham gia tài trợ trong trường hợp họ tổ chức giải đấu nội bộ. Nói tài trợ có vẻ ghê gớm chứ thực ra thì cũng chỉ là cái ly, cái bình bông, hoặc cái cúp cũ được đánh bóng, sơn phết lại để làm phần thưởng. Cái tên Thu “xì po” có lẽ cũng bắt đầu từ đó.
Thừa thắng xông lên, tôi cùng với một số lãnh đạo thành phố và giám đốc một số doanh nghiệp trên địa bàn quận 3 đề xuất với lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao thành phố thành lập Liên đoàn Quần vợt TP. Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ văn phòng của liên đoàn khi đó là một căn phòng nhỏ mượn của Câu lạc bộ Phan Đình Phùng.
Muốn bán đồ thể thao thì phải có người chơi. Mà muốn có người chơi thì phải gầy dựng được phong trào.
____
Là một trong những “khai quốc công thần”, ông giữ chức danh gì trong Liên đoàn Quần vợt TP. Hồ Chí Minh?
Trưởng ban vận động tài trợ.
____
Xem ra, công việc này rất “chua”?
Thú thực là đâu có đơn vị nào tài trợ cho liên đoàn. Để hoàn thành được nhiệm vụ, mỗi lần tổ chức giải đấu, tôi phải tận dụng “cây nhà lá vườn”. Hiếm lắm mới có một ống banh mới nên ban tổ chức giải phải tận dụng những trái banh cũ, ngâm nước cho nhả lông ra, lấy xà bông giặt sạch bùn đất, dùng bàn chải chà cho lông xơ ra, sau đó dùng ống chích trâu bò chích cho trái banh “no” căng, rồi mới ngâm vô thùng nước đá.
Trái banh đánh nặng như cùm. Khi phong trào quần vợt lan tỏa ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi tiến thêm một bước nữa, vận động thành lập Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, đó là vào năm 1985. Việc thành cũng là lúc công việc kinh doanh bắt đầu quá tải, tôi xin rút lui, tập trung phát triển công việc kinh doanh. Đây cũng là thời điểm chúng tôi xúc tiến hợp tác với Wilson, phân phối sản phẩm của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.
____
Lúc đó, Việt Nam vẫn đang bị Mỹ cấm vận. Thêm nữa, Wilson lại là một thương hiệu Mỹ?
Thực tế là Wilson tự tìm đến chúng tôi đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Theo tôi biết thì chính một số khách hàng ruột của chúng tôi đã giới thiệu tôi với hãng này. Bởi lẽ, tôi hoàn toàn không có thông tin, đâu biết họ ở chỗ nào mà kiếm. Chúng tôi lặng lẽ bắt tay với nhau. Văn phòng ở châu Á của hãng này đặt tại Singapore.
Từ nước thứ ba này, họ đưa hàng vào Việt Nam. Mãi đến khi lệnh cấm vận được bãi bỏ, chúng tôi mới hợp tác với nhau một cách chính danh. Nhờ hợp tác với Wilson mà chúng tôi là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh có dịp xuất ngoại. Sang Singapore dự hội nghị khách hàng khu vực châu Á do hãng này tổ chức, tôi được họ đưa đi thăm làng du lịch.
Theo đó, mỗi quốc gia được chia một lô đất để xây dựng biểu tượng của đất nước mình, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Riêng mảnh đất ghi tên Việt Nam khi ấy bỏ hoang. Nhưng vào bàn hội nghị, chỗ ngồi của tôi người ta cắm một lá cờ Việt Nam. Thú thực, tôi rất xúc động, biết rằng đất nước không còn là một ốc đảo đối với thế giới.
____
Dường như công việc làm ăn của ông khá suôn sẻ?
Không hẳn. Tôi thất bại nhiều chứ. Năm 2001, gia đình tôi xảy ra chuyện lộn xộn, dẫn đến ly hôn. Niềm an ủi lớn nhất của tôi là hai cô con gái đang du học ở nước ngoài, viết thư về cho tòa, bày tỏ nguyện vọng theo cha. Tâm trạng tôi rối bời. Do thấm thía sự thua thiệt do thiếu học của mình nên bao năm cố gắng làm ăn, chỉ mong con cái được ăn học đàng hoàng. Nghĩ rằng mình đã không được học thì các con sẽ học thay cha.
Lúc đó, công ty của tôi đang nợ hơn 70 tỉ đồng nên các chủ nợ cũng đến tòa dự phiên xử ly hôn. Với khoản nợ này, tôi đã nghĩ đường học vấn của các con tôi cầm chắc phải dang dở. Đang lúc bung bét như vậy thì công an lệnh cho người đến kiểm tra cửa hàng. Lý do là nhân viên của tôi viết sai ba con số 0 ở hàng triệu trong một tờ hóa đơn thuế. Kết quả của nhiều tháng lục xét toàn bộ kho hàng của chúng tôi là một biên bản xử lý hành chính.
____
Nhưng thực tế là đến bây giờ, Thu “xì po” vẫn tiếp tục tồn tại?
Chính các chủ nợ đã cứu tôi. Họ trình bày với tòa rằng sở dĩ cho Vương Thể (công ty tiền thân của Thu Sports) vay tiền là bởi họ tin tưởng tôi. Thu “Xì po” còn tiếp tục được làm ăn thì còn cơ hội để trả nợ. Đổi lại, họ đồng ý cho tôi giãn nợ. Tòa chấp thuận.
____
Là người có những đóng góp đáng kể trong quá trình vực dậy phong trào thể thao của TP. Hồ Chí Minh, sau 35 năm, ông suy nghĩ thế nào về sự phát triển của thể thao hiện nay, đặc biệt là môn quần vợt?
So với giai đoạn thoái trào của thể thao TP. Hồ Chí Minh giai đoạn đầu sau năm 1975, số lượng sân tennis hiện nay nhiều hơn hằng trăm lần. Ngay cả những huyện được xem là vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên cũng có sân tennis. Chất lượng sân thi đấu cũng tốt hơn trước nhiều. Rõ ràng, quần vợt giờ đây không còn là môn thể thao quý tộc, mà ngày càng trở nên phổ biến.
____
Còn dưới giác độ của một nhà kinh doanh dụng cụ thể thao, ông thấy sao?
Có sự thay đổi lớn. Thời điểm trước năm 2005, mỗi người chơi thường chỉ sử dụng một cây vợt. Còn trong năm năm trở lại đây, việc mỗi người có ba, bốn cây vợt, ngày càng nhiều. Không ít người, chủ yếu là doanh nhân, sẵn sàng sắm những mẫu vợt được các ngôi sao hàng đầu thế giới sử dụng.
Ngoài vợt, nhiều người đua theo các ngôi sao từ trang phục, giày, băng-đô, nón… Có cung thì có cầu. Thông thường, chúng ta chỉ chậm hơn thế giới khoảng hai tuần. Tức là thế giới có cái gì mới thì hai tuần sau Thu Sports cũng có. Thậm chí, chính loại hàng này lại bán rất chạy, quay vòng vốn nhanh. Giờ đây, thể thao còn là thời trang nữa.
____
Có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà phân phối, theo ông, các hãng sản xuất dụng cụ thể thao đang nhìn thị trường Việt Nam như thế nào?
Việt Nam là một trong những thị trường mà các hãng sản xuất đều thèm muốn. Xét về dân số, chỉ cần 1% trong tổng số 86 triệu người Việt Nam chơi thể thao thì thị trường này đã là một miếng bánh hấp dẫn. Chưa kể theo số liệu thống kê mà tôi có được, thì doanh số tiêu dùng cho thể thao trên đầu người của Việt Nam nằm trong tốp 3 châu Á, hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ.
____
Nghe nói Thu “xì po” còn được Ban chỉ đạo 127 cấp phép bắt hàng giả, hàng nhái. Có vẻ như Thu Sports được ưu ái?
Trước khi tung ra thị trường một mẫu sản phẩm mới, các nhà sản xuất thường mời các nhà phân phối lớn đến tham vấn. Ngay từ bây giờ, tôi đã biết được xu hướng của thể thao năm 2012 sẽ đi theo hướng nào. Đây là một trong những yếu tố giúp tôi kinh doanh hiệu quả. Nhờ vậy nên hàng của tôi bán chạy. Mà hàng bán chạy thì người ta mới đua nhau làm giả, làm nhái.
Thí dụ, vì chiếm 65% đến 70% thị phần nên vợt Wilson bị làm nhái nhiều nhất. Việc Ban chỉ đạo 127 cấp phép cho tôi bắt hàng giả, hàng nhái không phải vì ưu ái, mà do thương hiệu của tôi bán hàng thật. Thêm nữa, chúng tôi có chế độ hậu mãi tốt, luôn có sẵn phụ tùng thay thế cho những sản phẩm mình đã bán ra.
Có một chuyện không vui là trong thời gian tôi đi bắt hàng giả, hàng nhái ở Lạng Sơn thì hàng xuất kho của tôi bị quy kết là hàng lậu. Hai xe tải vận chuyển hàng nội bộ của chúng tôi vừa rời kho hàng bên quận 7 thì bị ách lại. Mặc dù tài xế đã xuất trình toàn bộ hóa đơn chứng từ theo quy định do Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế nhưng cả tài xế và xe đều bị tạm giữ. Sau nhiều tháng kiểm tra, 18 thùng bóng chuyền (216 trái) trong tổng số 52 thùng dụng cụ thể thao vận chuyển trên hai xe tải ngày bị xử phạt hành chính 12 triệu đồng và tịch thu do nhập lậu.
Nguyên nhân là do nhân viên của công ty chúng tôi khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt đã dịch nhầm từ “bóng chuyền” thành “bóng rổ”. Chúng tôi đã trình toàn bộ hóa đơn chứng từ nhập khẩu của hải quan. Nhà cung cấp lô hàng này cũng xác nhận là trái bóng chuyền này có thể dùng chơi được ba môn là bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá mini trên nền gỗ trong nhà. Thuế áp cho bóng rổ, bóng chuyền là bằng nhau cho thấy chúng tôi không có động cơ trốn thuế. Không ngụy biện, nhưng tôi cho rằng, chuyện nhầm lẫn trong cuộc sống và trong kinh doanh là khó tránh khỏi.
Trông lên thì mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều người rất khổ. Giúp đỡ được người khác, dù ít dù nhiều, đều làm tôi vui.
____
Sắp tới, ông định thế nào?
Như anh thấy, cửa hàng của tôi đang hạ giá rất nhiều mặt hàng, nhằm giải tỏa hết lượng hàng trong kho ở quận 7. Mặc dù vừa đi vào hoạt động từ đầu năm, nhưng tôi đã rao bán kho hàng trên. Giấy phép kinh doanh chi nhánh này tôi cũng đã trả lại cho nhà chức trách.
____
Gác lại chuyện làm ăn. Võ Thu được nhiều người nhắc đến với tư cách là một con người giàu lòng hảo tâm, làm từ thiện từ năm… 1982. Hoạt động từ thiện đối với ông là…
Trông lên thì mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều người rất khổ. Giúp đỡ được người khác, dù ít dù nhiều, đều làm tôi vui. Đơn giản vậy thôi.
____
Ông đi trực tiếp?
Đương nhiên. Lần nào đi làm từ thiện, tôi cũng dắt con tôi theo. Tôi muốn gieo vào tâm hồn con tôi lòng nhân ái.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.