Nhờ những cống hiến cho hoạt động thiện nguyện, năm 2007, ông đã được Nhật Hoàng và Công nương tặng bằng khen và Chính phủ Việt Nam ghi nhận.
Sau 20 năm hoạt động, Hội Hỗ trợ Người tàn tật Việt Nam (VNAH) đã trao hơn một trăm ngàn bộ chân giả, xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, xây dựng hàng chục ngôi trường cho trẻ em vùng sâu vùng xa… khắp mọi miền đất nước. Sau hai mươi năm miệt mài với công tác thiện nguyện, chuỗi tiệm ăn của ông Trần Văn Ca, người sáng lập VNAH, lần lượt đội nón ra đi. Gia đình ông cũng sang ngôi biệt thự trị đắt giá hàng triệu đôla dời về một ngôi nhà nhỏ hơn. Hai mươi năm đi đi về về nhưng người thanh niên quê Quảng Nam này chưa hề ăn một cái Tết Việt Nam. Hiếm khi nào thấy ông Ca thảnh thơi. Lúc nào ông cũng vội vội vàng vàng, chạy đua với thời gian.
Tuy nhiên, đằng sau những con số và sự kiện này là câu chuyện về khả năng làm việc của một con người. Nói rõ hơn, chuyện đời ông đã trả lời cho câu hỏi “một người bình thường có thể làm được gì?”. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ dòng hồi ức về những ngày đầu tiên vợ chồng ông chân ướt chân ráo tới nước Mỹ cách nay trên 35 năm. Ông nói:
Công việc đầu tiên vợ chồng tôi tìm được khi đến Mỹ là quét dọn trong một trung tâm thương mại khá lớn ở bang Virginia. Lao động chân tay này khá cực nhọc, ít người bản xứ chịu làm nên mới đến lượt mình. Không có tiền thuê nhà nên thời gian đầu chúng tôi phải ngủ lại trong nhà kho của trung tâm.
____
Ông không thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội?
Có. Nhưng tôi cảm thấy không thoải mái khi nhận tiền trợ cấp xã hội. Sức dài vai rộng, phải tự làm lấy mà ăn. Hơn ba thập niên ở Mỹ, tôi có một chút tự hào là chưa nhận một đồng trợ cấp từ chính phủ nước này.
Qua công việc lau nhà đầu tiên sau khi đến Mỹ đó, sự cần cù, chịu khó của chúng tôi lọt vào mắt ông chủ một tiệm ăn trong khuôn viên trung tâm thương mại. Kết quả là ông ấy nhận tôi vào làm phụ bếp. Sau nửa năm làm việc cật lực, tôi được ông ấy ưu ái, cất nhắc lên vị trí quản lý. Trong vòng ba năm tiếp theo, tôi giúp ông ấy mở thêm sáu tiệm ăn. Năm 1982, vợ chồng tôi mở quán ăn đầu tiên. Công việc kinh doanh khá thuận lợi. Năm 1985, tôi gầy dựng được chuỗi năm tiệm ăn, chuyên bán đồ ăn cho người Mỹ và người Mễ.
____
Vậy đâu là lý do khiến ông chủ tiệm ăn Trần Văn Ca quyết định về Việt Nam, chuyển sang hoạt động thiện nguyện?
Tôi về Việt Nam lần đầu tiên năm 1989. Mục đích là để nhìn mặt cha mình trước khi ông qua đời. Lúc ấy ông đã trên 80 tuổi, bệnh nặng, khó qua khỏi. Hình ảnh đầu tiên của quê hương đập vào mắt tôi sau 15 năm xa xứ là những trảng cỏ cao lút đầu người chạy dọc các đường băng Tân Sơn Nhất. Đất nước hoang tàn, kinh tế kiệt quệ. Đô thị đổ nát, đồng ruộng tiêu điều, người dân thiếu ăn thiếu mặc… là những hình ảnh theo tôi dọc hành trình từ TP. Hồ Chí Minh về làng ở Quảng Nam.
Lúc ấy, quê tôi cũng chẳng khá hơn. Nghèo đói làm đám trẻ nheo nhóc, bạn bè cùng trang lứa hom hem, già trước tuổi. Cảm giác tội lỗi bủa vây khiến tôi trằn trọc hoài. Gần 15 năm tha hương, tôi chỉ tập trung vun vén cho cuộc sống bản thân mình, không muốn nghĩ về Việt Nam.Lý do là Việt Nam gợi cho tôi quá nhiều ký ức đau buồn. Thành phần gia đình tôi khá phức tạp. Cha tôi là Đảng viên từ những năm đầu thập niên 1950. Anh lớn của tôi là tiểu đoàn trưởng Việt minh, hy sinh năm 1953 trong kháng chiến chống Pháp.
Sau năm 1954, đất nước chia đôi, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến. Ba người anh kế và năm người anh rể của tôi đều làm việc cho chế độ cũ nhưng đều không được tín nhiệm. Gia đình không dám để hình thờ người anh lớn vì tấm ảnh duy nhất còn giữ được chụp anh đội mũ cối, mặc quân phục.
____
Phải chăng việc ông quyết định thành lập VNAH là để giải tỏa bớt “cảm giác tội lỗi”?
Đúng. Việc chương trình đó kéo dài đến tận bây giờ nằm ngoài dự liệu của tôi.
____
Đó là vì…
Ban đầu tôi chỉ định làm khoảng bốn đến năm năm, rồi dừng lại, chuyển giao cho người khác để tập trung lo việc nhà. Công việc thiện nguyện có sức cuốn hút ghê gớm. Bởi nhu cầu gần như là vô tận. Dự án đang làm dở dang thì đã có thêm dự án mới. Lâu lâu, VNAH lại nhận được một khoản tiền từ “trên trời rơi xuống”, do cá nhân hoặc một tổ chức ủng hộ. Thế là gia hạn thêm, thành ra mười năm. Rồi 15 năm. Giờ đây, tôi hiểu rằng công việc thiện nguyện chính là mục tiêu của đời mình.
____
Nói tiếp về sự ra đời của VNAH. Việc một công dân Mỹ hoạt động thiện nguyện giúp đỡ Việt Nam vào thời điểm hai nước chưa nối lại bang giao có thể được xem như lao vào “giữa hai làn đạn”…
Chuyện bị nghi ngờ là khó tránh khỏi vào thời điểm đó. Trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ người khác, mình cần phải sống còn. Tài chính chỉ là một phần, quan trọng nhất là sự ủng hộ về chính trị. Làm lén thì không được, rất nguy hiểm. Vả lại, muốn ngôn thuận thì danh phải chính. Suy đi tính lại, tôi thấy việc giúp đỡ các thương phế binh của chế độ cũ có cơ may dễ được hai bên chấp thuận nhất. Vì theo tôi, đây là một trong những đối tượng bị thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội Việt Nam sau tháng 4/1975.
Do không bị tập trung cải tạo từ ba năm trở lên nên người khuyết tật (thương phế binh Việt Nam Cộng hòa) không thuộc diện được xuất cảnh đoàn tụ với gia đình theo quy định của chính phủ Mỹ. Mặt khác, giai đoạn đó đất nước bộn bề khó khăn, thiếu hụt công ăn việc làm, nên họ trở thành gánh nặng cho gia đình. Thực tế đã có những trường hợp bị người thân hắt hủi, ruồng rẫy.
Đạo lý bị sự cùng quẫn mài mòn. Về phía Mỹ, tôi tiếp cận và tranh thủ sự ủng hộ của Hội Thương phế binh Hoa Kỳ (Disabled American Veterans – DAV). Trong tổng số khoảng một triệu hội viên của DAV thì có đến 400.000 người đã để lại một phần thân thể tại chiến trường Việt Nam. Thế nên khi nghe trình bày tôn chỉ hoạt động của VNAH, lãnh đạo DAV, vốn là những tướng lĩnh, cũng ngồi xe lăn, mang chân giả, có cảm tình với chương trình của mình và ủng hộ 30.000 USD. “Lá phiếu” từ DAV là thắng lợi to lớn, bởi tổ chức này vốn được xem là một trong những “con cưng” của chính phủ Mỹ.
Còn phía Việt Nam, tôi gõ cửa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ TB-XH), trình bày nguyện vọng muốn giúp đỡ chân giả cho những thương phế binh dưới chế độ cũ để họ chủ động được việc đi lại, xoay xở làm ăn nhằm có thu nhập, ít nhiều giảm bớt sự lệ thuộc vào người thân và cộng đồng. Ông Trần Đình Hoan, lúc đó còn là bộ trưởng, bày tỏ sự hoan nghênh. Ông Hoan giới thiệu tôi xuống Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng tại Cần Thơ. Năm 1991, chúng tôi thực hiện chương trình đầu tiên tại địa phương này.
____
Bao nhiêu bộ chân giả đã được phát trong “lần đầu tiên”, thưa ông?
Khoảng mấy chục bộ, tôi không nhớ chính xác. Càng sát giờ đến lễ phát chân giả, số người đổ về càng đông, khiến tôi phát hoảng. Tôi không ngờ những người có nhu cầu lại nhiều đến thế. Số chân giả mình chuẩn bị chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Nhìn mọi người háo hức mà lòng mình nặng trĩu. Tôi biết sẽ có những người thất vọng.
Thế nhưng, thực tế diễn ra còn tệ hơn dự liệu. Toàn bộ số chân giả tôi mang từ Mỹ về đều không thể dùng được. Gần một ngàn con người xếp hàng, chờ đợi đến phiên mình. Lần lượt hy vọng rồi lần lượt thất vọng. Tôi có cảm giác như mình tước đi niềm hy vọng vừa gieo vào lòng họ. Sau khi mọi người ra về, tôi quyết định phải sản xuất tại chỗ chân giả tại chỗ, vừa tiện cho việc đo khám, vừa giảm bớt chi phí.
____
Nhu cầu lớn như vậy đòi hỏi khả năng tài chính lớn và ổn định. Ông xoay xở bằng cách nào?
Tôi không được học hành, đào tạo bài bản về hoạt động thiện nguyện. Quan hệ xã hội cũng không. Trong gần 15 năm ở Mỹ, tôi chỉ rành rẽ ba nơi là từ nhà ra tiệm ăn và đến siêu thị để mua thực phẩm. Thành ra, trong hai năm đầu, toàn bộ kinh phí hoạt động của VNAH là phần lợi nhuận thu được từ các tiệm ăn của tôi. Thực tế là thời gian đầu mới thành lập VNAH, tôi cũng đã gõ cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để xin tài trợ của dự án.
Lần đầu tiên đặt chân vào đến bộ chỉ huy của USAID tại Washington, tôi hơi run. Tôi không ngờ tòa nhà này lại rộng đến thế, lối đi chằng chịt, người ra người vào nườm nượp. Loay hoay một hồi tôi mới tìm được văn phòng của người trợ lý cho một giám đốc của cơ quan này. Người đại diện cơ quan này miễn cưỡng tiếp chúng tôi. Ngồi nghe tôi trình bày mà ông ấy gác cả hai chân lên bàn, rồi nhìn ông bạn tôi và lắc đầu hoài.
Khả năng ngôn ngữ của tôi vốn dĩ đã hạn chế, do giao tiếp hằng ngày chủ yếu để mua bán, tính tiền…, thậm chí phát âm từ “chân giả” bằng tiếng Anh còn trật, nên thấy thái độ của ông ấy, tôi run dữ, càng nói càng thiếu mạch lạc. Khi rời văn phòng USAID, anh bạn tôi nói “nguy quá anh ơi, kiểu này tiêu rồi”. Còn anh bạn tôi, mãi sau này mình mới biết, bị người đại diện USAID mắng vốn.
Tôi không được học hành, đào tạo bài bản về hoạt động thiện nguyện. Quan hệ xã hội cũng không. Trong gần 15 năm ở Mỹ, tôi chỉ rành rẽ ba nơi là từ nhà ra tiệm ăn và đến siêu thị để mua thực phẩm.
____
Theo như lời “người bạn bị mắng vốn” của ông, Trần Văn Ca hiện nay là một trong những chuyên gia vận động hành lang giỏi nhất tại Quốc hội Hoa Kỳ?
Có thể vì thương tôi mà anh ấy nói như vậy. Đầu năm 1993, tôi mời đại diện DAV qua Việt Nam, cùng tham dự một số hoạt động thiện nguyện của VNAH, tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với những người khuyết tật, những em nhỏ tật nguyền do di chứng chiến tranh.
Sau đó, tôi đưa ông Jim Webb, nguyên Bộ trưởng Bộ Hải quân dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, và hiện là Thượng nghị sĩ bang Virginia, sang thăm Việt Nam. Trở về Mỹ, ông Jim có viết một bài báo đăng trên tạp chí Time, thu hút sự chú ý của nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của DAV và bài báo tạo nên sự cộng hưởng, khiến Leahy War Victim Fund quyết định tài trợ cho VNAH.
Leahy War Victim Fund (LWVF) là một “quỹ” từ thiện đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ Patrick Leahy (bang Vermont) sáng lập năm 1989, tính đến nay đã tài trợ gần 200 triệu USD cho các dự án hỗ trợ nạn nhân chiến tranh tại 20 quốc gia trên toàn thế giới. Có một điều thú vị là toàn bộ những khoản tài trợ này đều được USAID giám sát nghiêm ngặt. Nói như vậy để thấy rằng tôi chẳng tài cán gì. Toàn bộ vốn liếng của tôi là ý chí và quyết tâm.
____
Khủng hoảng kinh tế trong hai năm 2008 và 2009 khiến Quốc hội Mỹ cắt giảm chi phí mạnh mẽ, trong đó có LWVF. Liệu động thái này có ảnh hưởng đến hoạt động của VNAH, thưa ông?
Khủng hoảng kinh tế là một phần, phần khác là Mỹ muốn dành ưu tiên cho những nạn nhân bom mìn ở những chiến trường mới, chẳng hạn như Iraq, Afghanistan… Do đó, có một số thượng nghĩ sĩ tại Quốc hội Mỹ yêu cầu cắt giảm tiền tài trợ cho các dự án thiện nguyện kém hiệu quả. Tháng 7-2009, tôi đại diện cho những chương trình thụ hưởng nguồn tài trợ từ LWVF chuyên hỗ trợ các nạn nhân bị bom mìn điều trần trước Ủy ban Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ.
Cùng ra điều trần với tôi có bốn người khuyết tật do bom mìn. Một người là binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, một người là lính cộng hòa, và hai người còn lại thì đều bị thương do cuốc phải bom mìn khi đi làm ruộng. Cả khán phòng lặng phắc khi bốn người đồng hành của tôi tiến vào nơi diễn ra cuộc điều trần. Những thiệt thòi mà bản thân họ phải gánh chịu đã nói lên tất cả. Chỉ có tình người, đạo lý mới hàn gắn, xoa dịu được vết thương mà chiến tranh để lại.
Sau cuộc điều trần đó, người dân và Chính phủ Mỹ thấy rõ tính hiệu quả và thiết thực của các dự án trực tiếp giúp đỡ nạn nhân chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt nhất là ở Việt Nam. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy phát biểu: “Những nỗ lực giúp đỡ người khuyết tật do bom mìn gây ra của VNAH không chỉ hàn gắn những vết thương mà còn là một cầu nối, thúc đẩy việc bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Chỉ có tình người, đạo lý mới hàn gắn, xoa dịu được vết thương mà chiến tranh để lại.
____
Hằng năm, VNAH nhận được bao nhiêu từ nguồn tài trợ này?
Khoảng dưới một triệu đô la. Tuy nhiên, gần đây nguồn tài trợ này không dành cho sản xuất chân giả, xe lăn và xe lắc nữa do nhu cầu quá lớn, làm không xuể. Thay vào đó, khoản tài trợ được rót vào việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng một bộ luật dành cho người khuyết tật do Bộ LĐ TB-XH chủ trì. Dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.
____
Vậy “nhu cầu quá lớn” được giải quyết như thế nào?
Ngoài LWVF, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà tài trợ khác, chẳng hạn như quỹ Nippon của Nhật Bản. Người sáng lập quỹ này là một ông tướng người Nhật, nổi tiếng trong thế chiến 2, nhắc đến tên ông ấy là nhân dân Nhật đều biết. Sau này, khi đã trở thành một người giàu có hàng đầu ở Nhật, ông ấy sáng lập quỹ Nịppon, để thực hiện rất nhiều dự án nhân đạo, từ thiện.
Từ quan hệ với quỹ Nippon, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều doanh nhân Nhật Bản, vận động họ giúp đỡ Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, một tổ hợp doanh nghiệp Nhật Bản đã tài trợ hơn 50 ngàn USD xây dựng một trường tiểu học dành cho học sinh miền núi ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Trong buổi tiệc chiêu đãi, đại diện tổ hợp này hứa mỗi năm sẽ giúp chúng ta từ một đến hai điểm trường, chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát đối với nhân dân Việt Nam.
Anh ấy còn tâm tình với chúng tôi rằng trong những năm chiến tranh trước đây giữa Nhật Bản và Việt nam, thế hệ cha ông của anh ấy đã làm một số điều sai trái tại Việt Nam. Giờ đây, thế hệ trẻ Nhật Bản cũng như bản thân anh, muốn dành cho Việt Nam những cảm tình thân thiện nhất.
____
Bên cạnh VNAH, được biết ông còn thành lập tổ chức HealthEd, chuyên thực hiện các chương trình thiện nguyện tại Việt Nam. Thay vì tách thành hai, tại sao ông không gom lại thành một cho tiện?
Sau bốn năm đi về liên tục, tôi thấy giáo dục y tế là một lĩnh vực cần nhiều sự giúp đỡ. Tuy nhiên, thời điểm đó, khi tôi đề xuất mở rộng hoạt động của VNAH sang hai lĩnh vực này thì một số thành viên trong hội đồng quản trịs của VNAH không tán thành. Họ cho rằng y tế và giáo dục không thuộc phạm trù nhân đạo, mà là vấn đề xã hội, thuộc trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.
Đó là lý do khiến tôi thành lập Health Ed năm 1993. Đối tượng chúng tôi hướng tới là những người trẻ, chủ yếu là thế hệ người Việt thứ hai, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Phần lớn các em đều là bác sĩ, kỹ sư, sinh viên đại học…, có tri thức, nhiệt tình và ít bị chi phối bởi định kiến chính trị. Không góp của thì góp công. Hằng năm, quỹ tổ chức một số chuyến đi Việt Nam, thực hiện các chương trình thiện nguyện như khám bệnh, phát thuốc, trao học bổng…
Tháng 6 này sẽ có thêm một đoàn về Quảng Nam. Hy vọng những chuyến đi như vậy cũng là dịp để các em tìm hiểu và xích lại gần hơn với văn hóa cội nguồn. Thực tế là nhiều em bây giờ không nói được tiếng Việt. Trong hai triệu người Việt ở Mỹ, số lượng người trẻ hiện đã lên tới hàng trăm ngàn. Đây vừa là một gia sản rất quý giá của Việt Nam, vừa là một phần tương lai của nước Mỹ. Các em đóng góp đáng kể vào nguồn kiều hối hằng năm chuyển về Việt Nam.
Thật tiếc là một khoảng thời gian khá dài cộng đồng người Việt ở Mỹ ít có điều kiện để đóng góp cho quê hương. Nhìn sang cộng đồng Israel, Ý, Hy Lạp, Hàn Quốc, Trung Quốc… ở Mỹ, mới thấy họ vận động hành lang rất mạnh, hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho quê nhà. Bây giờ mới đánh giá tầm quan trọng của các em thì cũng khá trễ, nhưng trễ còn hơn không. Làm sao đừng để các em nhìn nhận Việt Nam như một xứ sở xa lạ.
____
Việc điều hành cùng lúc hai tổ chức có khi nào khiến ông bị quá tải?
Khoảng thời gian đầu mới thành lập quỹ cũng khá vất vả, tôi phải vận động bà xã cùng tham gia. Nhưng càng về sau tôi càng rảnh tay. Các em rất năng động, chủ động kết nối với nhau và lên kế hoạch. Chúng tôi chủ yếu hỗ trợ các em các thủ tục, bố trí chỗ ăn nghỉ, liên lạc với chính quyền địa phương nơi các em thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Trên đường thiện nguyện, các em thường xuyên cập nhật hoạt động trên một số trang mạng xã hội. Tinh thần nhân đạo được cộng hưởng, lan tỏa rất nhanh, góp phần thu hút thêm các thành viên mới.
____
Hai mươi năm hoạt động thiện nguyện, ông đi biền biệt. Bà nhà không có ý kiến gì sao?
May mắn là tôi nhận được sự chia sớt của vợ mình. Việc tôi thành lập VNAH khiến một số người quá khích trong cộng đồng Việt ở Mỹ giận dữ. Cửa kính các tiệm ăn của tôi thường xuyên bị những người giấu mặt đập vỡ. Lúc ấy, mình cũng dao động, lo lắng cho sự an nguy của gia đình. Chính cô ấy đã chủ động trấn an tôi. Nhờ vậy, tôi mới yên lòng, dồn toàn tâm toàn ý cho công việc.
____
Thế còn công việc kinh doanh của ông?
Tôi lần lượt sang nhượng những tiệm ăn mà mình đã gầy dựng được. Cơ ngơi cuối cùng tôi sang nhượng là năm 2006. Trên bốn năm nay, tôi không còn là chủ tiệm ăn nữa.
____
Đổi lại, ông được gì?
San sẻ phần nào khó khăn với những số phận kém may mắn hơn mình làm tôi sung sướng, thấy thời gian của mình có ý nghĩa, cuộc sống của mình phong phú. Niềm vui của người là hạnh phúc của mình. Cảm giác hạnh phúc đó rất khác so với việc mình đi nghỉ, đi chơi hay bù khú với bạn bè…
____
Xin cảm ơn ông.