Tâm thần phân liệt là một thuật ngữ y học dùng để chỉ chung cho những bệnh kinh niên về thần kinh và trí não như ảo tưởng, ảo giác, mất khả năng tư duy logic, tinh thần bị rối loạn, não bộ mất khả năng kiểm soát dẫn đến những hành vi hay cách cư xử bất thường…
Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường có những biểu hiện rất kỳ lạ, chẳng hạn nghe thấy những tiếng động lạ bên trong cơ thể (mà người khác thì không), thất vọng hoặc phấn khích một cách vô lý, thái quá, không có khả năng tự kiểm soát hành vi của chính mình, luôn bị ám ảnh là những người xung quanh đang có dã tâm làm hại mình hoặc nơm nớp lo sợ vì tin rằng người khác có thể “đọc” và kiểm soát được tư tưởng của mình…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1% dân số thế giới (tương đương sáu triệu người) mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân nữ và nam là tương đương nhau nhưng nam giới thường có nguy cơ mắc căn bệnh này ở độ tuổi trẻ nhiều hơn so với nữ giới. Người già và trẻ em trên năm tuổi cũng có thể mắc bệnh, nhưng rất hiếm đối với lứa tuổi tiền thiếu niên (khoảng từ 10 đến 13 tuổi). Có thể kể một số nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt như sau:
Do truyền nhiễm
Bao gồm năm trường hợp sau:
1. Những trẻ sinh vào mùa đông và mùa xuân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác từ 5 đến 8%, do thời tiết lạnh và ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho virus lây lan và phát triển.
2. Những người sống ở thành thị có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người sống ở nông thôn.
3. Sinh con liên tục (con thứ nhất cách con thứ hai trong vòng hai năm trở lại).
4. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm virus bệnh sởi, bệnh thủy đậu và một số bệnh viêm nhiễm khác khiến nguy cơ mắc bệnh của thai nhi tương đối lớn.
5. Ký sinh trùng Toxoplasmosis (có ở mèo và một số vật nuôi trong nhà khác) cũng có khả năng gây ra bệnh tâm thần phân liệt ở người khi tiếp xúc với những con vật này thái quá.
Do thiếu oxy trong thời gian mang thai và khi sinh nở
Nếu người mẹ đau đẻ kéo dài, mất nhiều máu trong thời gian mang thai và sinh con thiếu tháng, hoặc thiếu cân thì trẻ dễ bị mắc bệnh.
Do tâm lý
Sự tác động của những trạng thái tâm lý tiêu cực (như đau buồn, thất vọng, chán nản… thái quá) lên thùy não trước (nơi có liên quan trực tiếp đến bệnh tâm thần phân liệt) cũng là một trong những nguyên nhân chính làm xuất hiện căn bệnh quái ác này.
Do di truyền
Theo kết quả nghiên cứu gen, những người có người thân bị tâm thần phân liệt thường có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn người khác. Cụ thể, nếu một trong hai người sinh đôi (hoặc sinh ba, sinh tư) bị bệnh tâm thần phân liệt thì nguy cơ mắc phải ở người còn lại là từ 40 đến 50%. Trẻ em có cha hoặc mẹ bị bệnh này thì nguy cơ mắc phải lên đến 10%, trong khi nguy cơ này ở những trẻ khác chỉ 1%. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ cơ chế di truyền của bệnh tâm thần phân liệt và cũng không thể dự đoán trước là liệu một người nào đó có người thân mắc bệnh có tiếp tục mắc phải hay không.
- Xem thêm: Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Ngoài những nguyên nhân nói trên, bệnh tâm thần phân liệt còn do một số nguyên nhân khác gây ra, như sự thiếu hụt hoặc xuất hiện một loại hóa chất bất thường nào đó trong não bộ…
Việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt bao gồm nhiều cách tiếp cận khác nhau và phải tiến hành kết hợp đồng thời nhiều phương pháp điều trị thì mới mong chữa khỏi. Hiện tại, căn bệnh này thường được các nhà chuyên môn chữa trị theo các liệu pháp sau: dùng các loại thuốc đặc trị rối loạn thần kinh, kết hợp liệu pháp tâm lý, tham gia chương trình rèn luyện phục hồi đặc biệt (bao gồm đào tạo hướng nghiệp, kỹ năng kiểm soát tư tưởng, kỹ năng giải quyết các khó khăn, trở ngại và quản lý tài chính, dùng phương tiện giao thông công cộng, kỹ năng giao tiếp, cư xử và nhiều kỹ năng xã hội khác)… Trong trường hợp đã bình phục, bệnh nhân cần sự giúp đỡ và hướng dẫn của người thân để tránh tình trạng bệnh tái phát. Các thành viên trong gia đình người bệnh cần nắm được những kiến thức về căn bệnh này để hỗ trợ người bệnh.
- Xem thêm: Chóng mặt – đừng xem thường!
Việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt đòi hỏi chi phí khá tốn kém, mất nhiều thời gian, nguy cơ tái phát và chịu đựng một số tác dụng phụ của các loại thuốc đặc trị rối loạn thần kinh tương đối lớn. Vì vậy, tốt hơn hết là nên phòng tránh ngay từ đầu, ít nhất là trong phạm vi của các nguyên nhân: truyền nhiễm, tâm lý, thiếu oxy trong thời gian mang thai và khi sinh nở như nói trên.