Đái tháo đường là một trong những bệnh kinh niên ngày càng phổ biến và việc điều trị tốn kém nhất hiện nay. Có hai loại đái tháo đường (ĐTĐ) chính, thường gọi là typ 1 và typ 2.
Trong cả hai trường hợp, đường trong máu không vào được trong các tế bào nên tăng lên trong máu. Qua một thời gian, tình trạng này sẽ làm tổn thương thần kinh và mạch máu, hậu quả là gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, bệnh thận, mắt mờ, nhiễm trùng…
ĐTĐ typ 1 thường gặp ở trẻ em và người trẻ (lứa tuổi 30), mà nguyên nhân là do các tế bào của tuyến tụy bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể và không thể sản xuất được insulin, thường dễ xảy ra ở những người:
- Có người trong gia đình đã bị ĐTĐ typ 1.
- Có mẹ đã lớn tuổi mới sinh con (từ 35 tuổi trở lên) hay mẹ bị tiền sản giật lúc có thai.
- Lúc nhỏ không bú sữa mẹ (sữa mẹ có một số chất có thể điều hòa đáp ứng miễn dịch và phòng ngừa ĐTĐ).
- Bị nhiễm một số loại siêu vi (quai bị, rotavirus).
- Mắc bệnh ảnh hưởng lên hệ thống miễn nhiễm của cơ thể như lupus ban đỏ, cường giáp, suy giáp…
Việc phòng ngừa ĐTĐ typ 1 khá khó khăn vì nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ (nhiều nhà khoa học cho rằng có lẽ do yếu tốt gien). Hiện nay chỉ có cách phòng ngừa chính là cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt (ít nhất là tám tháng).
ĐTĐ typ 2 là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi mà nguyên nhân là do tình trạng đề kháng insulin (các tế bào mỡ, cơ và gan không sử dụng được insulin nên cơ thể không thể chuyển thức ăn thành năng lượng cần thiết).
Những trường hợp dưới đây có nguy cơ bị ĐTĐ typ 2:
- Dư cân (chỉ số cơ thể > 30kg/m2). Lượng mỡ cơ thể càng cao thì càng ngăn cản insulin hoạt động hữu hiệu, ngoài ra tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Ít vận động.
- Bị rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn thiếu ngủ trong một thời gian dài khiến giảm việc sản xuất insulin bị giảm đi, dung nạp đường trong máu và chức năng của tuyến tụy cũng bị ảnh hưởng. Ngược lại, trường hợp ngủ quá nhiều lại làm giảm lượng testosterone và cũng tăng nguy cơ ĐTĐ typ 2.
- Trong gia đình có người bị tiểu đường (cha, mẹ, anh chị em).
- Sinh con nặng trên bốn ký.
- Bị rối loạn mỡ máu, cụ thể là triglycerides máu cao hơn 250mg% , HDL cholesterol thấp hơn 35mg%.
- Huyết áp cao (vượt 140/90mmHg).
- Nghiện thuốc lá. Cơ thể thường phản ứng với chất nicotine bằng cách tăng đường huyết đột xuất, dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin.
- Xem thêm: Đái tháo đường chẩn đoán sớm, điều trị toàn diện
Để phòng ngừa đái tháo đường typ 2, những người thuộc nhóm trên nên thay đổi lối sống thông qua những điều chỉnh sau:
- Tăng cường vận động: Mỗi ngày nên vận động ít nhất 30 phút (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập thể dục thể thao) là đủ để các tế bào nhạy cảm hơn với insulin và điều chỉnh được lượng đường trong máu một cách có hiệu quả. Người tích cực hơn thì dùng máy đếm bước khi đi bộ và tăng dần số bước sau những khoảng thời gian nhất định. Hoạt động thể lực sẽ giúp đốt cháy bớt năng lượng và giữ đường huyết ổn định.
- Thay đổi thực đơn hằng ngày bằng cách giảm muối, mỡ, đường và tăng cường chất xơ, ví dụ ăn gạo lứt thay vì gạo trắng, ăn nhiều rau, các loại hạt, các loại đậu, có chứa nhiều chất xơ giúp kiểm soát đường tốt hơn, ăn nhiều cá để bổ sung chất omega 3, bổ sung canci và vitamin D (ít nhất 1.000mg – 1.500mg canci với 450-800UI/ngày), bổ sung các chất chống oxy hóa (chiết xuất củ hạt nho, vitamin C, vitamin E, magnesium, tỏi).
- Tìm cách giảm cân: Nếu dư cân, hãy cố gắng làm giảm đi 7% trọng lượng cơ thể.
- Không hút thuốc lá.
- Mỗi đêm phải ngủ được từ sáu đến tám giờ.
Việc phòng ngừa ĐTĐ typ 2 thật sự không quá khó, nhưng đòi hỏi sự quyết tâm và lòng kiên trì.
Mặc dù đái tháo đường là một bệnh lý có thể kiểm soát được nhưng nếu đã bị mắc phải bệnh này thì cuộc sống của bệnh nhân sẽ ngắn ngủi đi với nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó cách tự bảo vệ duy nhất của mọi người là phải chủ động phòng ngừa bệnh bằng lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động hằng ngày.