Hẳn nhiều người trong chúng ta đã có lần bị chóng mặt. Triệu chứng này thường khác nhau tùy theo mỗi người nhưng đa số ai cũng than phiền là cảm thấy người quay mòng mòng, đầu lâng lâng, đi đứng không vững và đôi khi còn kèm theo nôn ói.
Chóng mặt là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, do đó chúng ta cần phải xác định được nguyên nhân thì điều trị mới có hiệu quả.
Đầu tiên phải kể đến các bệnh lý ở tai mũi họng. Chẳng hạn như bệnh Méniere do ứ dịch tai trong thường có tam chứng (chóng mặt, nghe tiếng ve kêu trong tai, giảm thính lực), khi ấy chóng mặt thường xảy ra đột ngột và từng đợt. Chóng mặt có nguyên nhân từ nhiễm trùng tai giữa, do siêu vi hay vi trùng gây viêm thần kinh tiền đình. Hoặc do viêm xoang (thường kèm theo nhức đầu, sổ mũi), bị nhọt ống tai ngoài, hoặc có khi do cảm cúm…
Các bệnh lý này hay gây ra chứng rối loạn tiền đình với các triệu chứng điển hình: sáng khi thức dậy người bệnh không ngồi dậy được, thấy cảnh vật xung quanh quay vòng vòng, người lao đao, có cảm giác buồn ói, khi quay đầu sang một bên thấy chóng mặt hơn, nhắm mắt lại thì thấy bớt.
Sau các bệnh lý liên quan đến tai mũi họng là những nguyên nhân tim mạch như:
- Hạ huyết áp tư thế: xảy ra khi bạn đang nằm hay ngồi mà bất thình lình đứng dậy làm cho huyết áp bị giảm tạm thời dẫn đến việc giảm tuần hoàn não một cách đột ngột.
- Rối loạn nhịp tim làm cho dễ bị chóng mặt, vì lúc đó tim đập không đều nên không bơm đủ máu lên não.
- Bệnh lý cơ tim làm cho sức bóp của tim bị giảm.
- Bệnh xơ mỡ động mạch (rối loạn mỡ trong máu, tiểu đường) làm giảm tuần hoàn não.
- Cao huyết áp: khi huyết áp đột nhiên lên cao quá cũng gây chóng mặt, nhức đầu.
Các nguyên nhân thần kinh cũng không kém phần quan trọng, có thể là u não (tiểu não, cuống não), chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não ở cuống não hay tiểu não (thường kèm theo ói mửa, tri giác giảm, yếu nửa người), Migraine (chứng đau nửa đầu của phụ nữ).
- Xem thêm: Cơ thể bạn có bị thiếu sắt?
Bên cạnh đó, có một số thuốc cũng có thể gây chóng mặt như thuốc hạ áp, an thần, chống trầm cảm, giảm đau và một số kháng sinh (Streptomycine…).
Các nguyên nhân khác bao gồm say tàu xe, hạ đường huyết, thoái hóa cột sống cổ, mãn kinh, tuổi già, tình trạng mất nước, tâm lý, các bệnh lý về mắt…
Trước khi đến bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân mỗi khi bị chóng mặt, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tạm thời sau đây:
- Giữ bình tĩnh khi xảy ra chóng mặt, vì càng sợ lại càng chóng mặt!
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Tránh xoay đầu quá mức.
- Nếu được, nhờ người thân đo huyết áp xem huyết áp hạ hay tăng lên.
- Uống nhiều nước.
Cơn chóng mặt có thể thoáng qua nhưng nếu bạn có thêm các triệu chứng sau đây bạn phải đến khám bác sĩ ngay:
- Nhìn thấy hai hình một lúc
- Nói chuyện không rõ ràng
- Cơ thể giống như không có sức
- Hai mắt đảo liên tục
- Tri giác thay đổi, ngủ gà
- Ói nhiều
Để chẩn đoán bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, kiểm tra các triệu chứng, đo huyết áp, mạch và cho bạn làm xét nghiệm đường huyết, cholesterol, đo điện tim và nếu nghi ngờ nguyên nhân tại não thì sẽ cho chụp CT sọ. Sau khi đã biết rõ chẩn đoán, bác sĩ sẽ điều trị dễ dàng hơn và dứt điểm hơn.
- Xem thêm: Bị hạ huyết áp có nguy hiểm lắm không?
Bạn có thể thấy triệu chứng chóng mặt có thể thoáng qua, biến mất sau khi nghỉ ngơi nhưng chớ nên xem thường, vì nó có thể là một biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm. Nếu triệu chứng này tái phát và còn kèm thêm một số triệu chứng khác, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và truy tìm nguyên nhân.