Vào năm 1957, trên thi đàn miền Nam xuất hiện một tập thơ có cái tên là lạ: Dâng Rừng. Tên tác giả càng lạ hơn: Hoài Khanh. Dù để ra mắt được tập thơ đầu tay này, tác giả phải bán chiếc xe mobylette là tài sản duy nhất có giá trị của mình, nhưng với những bài thơ còn “non nớt, dể dãi và khuôn sáo”, Dâng Rừng đã không gây được mấy ấn tượng cho người đọc. Tập thơ chỉ có hai câu được một số người chú ý: “Qua sông là một nhịp cầu/ Qua tôi là một kiếp sầu vô chung”.
Hoài Khanh là bút danh. Tên thật của tác giả là Võ Văn Quế, sinh năm 1933 tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Do thời cuộc và để trốn quân dịch, năm 1954, Quế vào Sài Gòn. “Thời mới vô Sài Gòn, long đong, không có chỗ ở, cực khổ nhất là thời gian tôi đi học đóng giày, bị chủ chửi mắng nhục nhã mà vẫn phải cắn răng chịu đựng”.
Năm 81 tuổi, Hoài Khanh đã tâm sự với một người bạn như vậy và ông còn cho biết thêm: Hồi sống ngoài Phan Thiết, do hoàn cảnh chiến tranh, thường phải tản cư nên học chưa hết chương trình tiểu học, vào Sài Gòn ông vừa kiếm sống vừa tự học. Được một vị linh mục dạy Anh văn cơ bản khoảng ba tháng; sau đó ông mua sách, băng dĩa tự rèn luyện.
Theo Nguyễn Mạnh Trinh, con đường lập thân của Hoài Khanh chủ yếu là “tự học, tự trau dồi sinh ngữ, hầu hết kiến thức đều do trường đời chứ không phải trường học”.
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Cuối năm 1956, Võ Văn Quế đến Biên Hòa xin vào làm việc ở Ty Thông tin và sống nhờ nhà vợ chồng người chị cùng cha khác mẹ trong hẻm Cây Me trên đường Hàm Nghi (nay là đường Cách mạng tháng Tám thuộc khu phố 4, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tại con hẻm nằm cạnh nhà thờ Biên Hòa với cái xóm lao động mà phần lớn là dân tứ xứ ngụ cư này, tập thơ đầu tay của Hoài Khanh được ra mắt.
Và thêm một cột mốc làm thay đổi cuộc đời của chàng trai Phan Thiết lang bạt kỳ hồ. Quế quen với Nguyễn Ngọc Mỹ – một nữ công chức cùng làm việc trong tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa. Ngọc Mỹ nhỏ hơn Quế 4 tuổi là một thiếu nữ Biên Hòa xinh xắn, thường được bạn bè gọi là… “Mỹ tây lai” cũng tỏ ra “thương người xa xứ lạc loài tới đây”, dù không hề biết đồng nghiệp mình là người làm thơ. Nhưng Mỹ “tây lai” là con gái của đại gia Vạn Hòa – chủ một trại cưa nổi tiếng ở Chợ Đồn (nay là phường Bửu Hòa), còn Võ Văn Quế đã nghèo rớt mồng tơi lại tứ cố vô thân nên suốt hai năm muốn bước tới đều bị gia đình Ngọc Mỹ từ chối.
Mãi đến cuối năm 1958, nhà thơ Hoài Khanh mới cưới được vợ. Một đám cưới không có rước dâu, vì chú rể “vô gia cư”. Đại diện cho bên đàng trai chỉ có người chị và ông anh rể; nhưng chủ hôn lại là người có uy tín đầy mình. Đó là ông Lương Văn Lựu (1916-1992, tác giả bộ sách Biên Hòa sử lược toàn biên) đang làm Trưởng ty Kinh tế tỉnh Biên Hòa của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
Cưới được vợ giàu, nhà thơ Hoài Khanh không chịu ở bên nhà vợ mà mướn một căn nhà nhỏ nằm sâu trong khu vườn chuối vắng vẻ tiếp giáp hẻm 18 (đường Trịnh Hoài Đức, nay là đường 30 tháng 4) với hẻm Cây Me làm nơi trú ngụ.
Một thời gian sau, do bất đồng quan điểm, dẫn đến cãi cọ với vị Trưởng ty là sếp của mình, nhà thơ Hoài Khanh bị chuyển về quận Nhơn Trạch – vùng chiến sự ác liệt nhất của tỉnh Biên Hòa. Ông bỏ việc và bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp văn chương.
“Vần thơ tuyệt diễm mắt nào không cay”
Hoài Khanh tự Hành Khoai đã lần lượt cho ra đời các tập thơ: Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc – Trẻ nhỏ – Đóa hồng và Dế (1970), Hương sắc mong manh (2006). Thơ của Hoài Khanh hầu hết mang giọng điệu buồn mênh mang, sâu thẳm:
… “Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian…
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi”,
(Dòng sông của tôi)
“Mộng đời nát ngọc chìm châu
Bến mê vẫn rợn mấy màu trầm luân
(…) Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa”
(Nhớ Nguyễn Du)
“Rồi mai gió núi mây trời
Tôi đi cho lạnh hồn tôi một mình
Đời lê thê bước lênh thênh
Lối âm u mãi buồn tênh mắt nào
Lòng tay muôn thuở còn đau
Trái tim nguyên thủy vẩn nhàu nhớ nhung”
(Sau lưng ngày tháng)
Hoặc Ngồi lại bên cầu là bài thơ được nhiều người biết; trong đó có những câu mang đầy tâm trạng thua buồn, bất lực:
…Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
(…) Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Đọc thơ Hoài Khanh, nhà thơ Bùi Giáng cảm thán theo cách của ông: “Anh chưa quá hai mươi tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được”.
Nhà sư Tuệ Sỹ thì cảm nhận: “Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng, hay bên lề cuộc lử tồn sinh. Ấy là âm vang đồng vọng trên những bước chân”.
Còn triết nhân thi sỉ Phạm Công Thiện lại “khắc họa chân dung” nhà thơ Hoài Khanh một cách khá đặc biệt. Trong Lời nói đầu cho tập thơ Thân phận của Hoài Khanh (NXB Ca Dao, 1962) và lần tái bản thứ 6 (NXB Hồng Đức- năm 2014): … “Hoài Khanh ở với tôi được vài ngày, rồi không hiểu sao, tôi lại đuổi Khanh về Biên Hòa… Tôi chịu anh không được.
Ngày anh đến, tôi hôn anh. Ngày anh đi, tôi muốn anh đi cho phức mắt. Mấy ngày anh ăn tết với tôi ở Đà Lạt, anh chỉ im lặng và ít nói. Chúng tôi thương nhau lắm. Thế mà chỉ nhìn nét mặt của anh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng đi. Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng: tôi muốn được thanh bình trong tâm hồn những ngày này. Bởi vì đây là những hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian.
Nhìn nét mặt Khanh tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rức, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người. Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma, tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của dòng sông vạn ngàn năm chảy trôi về biển. Dòng sông kia cứ vẩn chảy xa mù…”.
- Xem thêm: Khâm Thiên Giám đường xưa lối cũ
Năm 2006, tức 44 năm sau khi tập thơ Thân phận ra đời, nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, đã trực tiếp gặp nhà thơ Hoài Khanh đặt câu hỏi: “Chữ nghĩa của Phạm Công Thiện khốc liệt quá, có thật hồi còn trẻ anh ít nhiều giống như được miêu tả không?”. Lúc đó Hoài Khanh đã 73 tuổi, bình thản trả lời: “Đời tôi ăm ắp nỗi buồn từ khi còn nhỏ tuổi. Người buồn thì làm sao làm thơ… “vui” nổi!”.
Trong tập tạp văn “22 tản mạn”, nhà thơ Võ Chân Cửu gọi Hoài Khanh là… “thi sĩ ẩn tu” có “tính tình trầm lặng, ít nói về mình” và đánh giá: “Trong những năm thập niên đầu của văn học miền Nam, có thể nói: cùng với Bùi Giáng (với Mưa nguồn, Lá hoa cồn), thì Hoài Khanh chính là người giữ cho tâm hồn lục bát sống mãi với nhịp thời gian.
Bùi Giáng sau biến cố cháy nhà (1965) đâm ra hoảng loạn ngôn ngữ, thơ lục bát phần nhiều chơi chữ, thì Hoài Khanh vẫn mang nặng một mối sầu thiên cổ, ít ai tỏ tường… Gần như những người có xu hướng nội tâm đều thuộc lòng ít nhiều những đoạn thơ của Hoài Khanh… Thơ lục bát của ông mới thực sự thấm đượm, nằm sâu trong lòng người với những câu hỏi về thân phận và sự mong manh của kiếp người”.
Hơn 40 năm về trước, khi tập thơ Thân phận của Hoài Khanh ra mắt, được rất nhiều lời tán thưởng; nhưng cũng không tránh khỏi… “búa rìu” công luận. Trên báo Tự Do số 1579 ra ngày Chủ nhật 24-6-1962, tác giả Phong Nhã (Trần Phong Giao – Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn rất có uy tín thời bấy giờ ở miền Nam) cho rằng: “Trong thơ của những người trẻ tuổi hôm nay, có nhiều hình ảnh đã trở thành khuôn sáo.
Điển hình nhất là cái không khí ngột ngạt, của đô thành với những ghế đá công viên, cột đèn đại lộ, những vòng khói thuốc, những ly cà phê đen, những cung thanh êm ái của điệu kèn trompette… những hình ảnh ấy phản ảnh một cách sâu đậm cái tâm trạng rã rời của những anh hùng thấm mệt” nên “Sau những khóc than, những nôn mửa, và ngay cả “những lần toan hủy hoại” không thành, Hoài Khanh đành an phận tự lưu đày (se séquestrer) trong một dưỡng trí viện dành cho những “Thiên tài cất kỹ để dành mai sau”.
Và tác giả đưa ra nhận xét: “Chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết thuyết Hiện sinh, Hoài Khanh đã nhìn đời một cách vô cùng lệch lạc. Một sa mạc mênh mông, một tinh cầu giá lạnh, một dòng sông bơ vơ, một nghĩa trang sầu thảm… Tiếng nói của anh đượm nhiều vẻ chân thành và cũng dễ nghe. Điều đáng tiếc là anh đã lảm nhảm quá nhiều về một điều dể làm người nghe bắt ngán: sự suy tư về thân phận làm người”.
Nhận định về thơ của Hoài Khanh, nhà nghiên cứu Thích Phước An cho rằng: “Gần như toàn thể thi phẩm của ông đều tràn ngập sự đau khổ, nhưng không phải đau khổ vì hận thù mà đau khổ vì tình thương đối với con người, như trong một câu thơ ông đã tự khẳng định: Vai mang xiềng xích vẫn thương bạo tàn”.
Tinh tế theo dõi sự “ tự diễn biến” trong dòng chảy thi ca của Hoài Khanh, tác giả Lê Ngọc Trác trong bài Thơ Hoài Khanh. Từ lục bát “nâu” đến lục bát “thiền” (tập san Quán Văn 026 tháng 10 năm 2014) đưa ra nhận định: “Hoài Khanh là một nhà thơ tài hoa. Nhưng, thơ của ông mang một nổi ưu hoài… Thơ lục bát của Hoài Khanh nhuần nhuyễn, mang đậm hồn dân tộc. Nhưng là những bài lục bát “nâu” – một màu nâu buồn mênh mông sâu thẳm.
Chúng ta bắt gặp trong thơ Hoài Khanh nổi đau thương của một kiếp người”. Và rồi: “Bước sang đầu thế kỷ 21, chúng ta tiếp tục thưởng thức thơ của Hoài Khanh. Thơ của ông vẩn còn nguyên hấp dẫn như thuở ban đầu. Nhưng, ta bắt gặp Hoài Khanh với những ý thơ mới hơn, trong sáng hơn. Hoài Khanh ở giai đoạn này không còn là những bài lục bát “nâu” mang một nổi buồn mênh mông sâu thẳm. Ý thơ của ông khác xa với thời kỳ trước. Trong thơ, Hoài Khanh hướng tới những điều tốt đẹp, ảnh hưởng “thiền” của Phật giáo một cách đậm nét”.
- Xem thêm: Quê hương Lỗ Tấn
Bên cạnh một gia tài thơ ca khá đặc biệt, Hoài Khanh còn là một dịch giả tài năng với nhiều công trình dịch thuật triết học có giá trị: Buông xả thanh thản (Martin Heidegger), Thế giới tình dục (Henry Miller), Đâu mái nhà xưa (Hermann Hesse), Quê hương tan rã (Chinua Achebe), Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Krishnamurti), Nghệ thuật truyền thống và chân lý (Walter Kaufmann)… Đặc biệt hơn, Hoài Khanh còn là người điều hành Nhà xuất bản Ca Dao – chuyên cho ra mắt người đọc ở miền Nam những ấn phẩm có nội dung bổ ích, lành mạnh.