Không chỉ là những giải pháp trước mắt nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, mà còn là những giải pháp căn cơ hơn, mang tính quyết liệt hơn, như hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong khâu giải phóng mặt bằng, được nhận quỹ đất sạch với một mức giá hợp lý…
Cái bắt tay giữa các doanh nghiệp sẽ giúp một số dự án sớm có sản phẩm hợp sức mua tung ra thị trường
Ảnh T. Tùng
Doanh nghiệp sẽ không tự giải phóng mặt bằng?
Đất sạch là điều kiện cần để doanh nghiệp có thể triển khai một dự án bất động sản. Trước nay, để có đất sạch, doanh nghiệp tự thỏa thuận việc đền bù với người dân, giá cả thì thuận mua vừa bán. Điểm bất lợi cho doanh nghiệp là rất khó để có được quỹ đất sạch với chi phí gần với dự toán theo đúng tiến độ. Rất nhiều trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đền bù được, nên phải trả lại dự án. Tuy nhiên, khi có sự “ra tay” của chính quyền địa phương thì rất dễ gây nên khiếu kiện và có sự xuất hiện của lợi ích nhóm như báo chí đã phản ánh thời gian qua. Trong trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện được thì chi phí cho giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất… cũng đẩy giá thành bất động sản lên cao, chưa tính đến chi phí phát sinh do chậm trễ tiến độ. Chính vì thế, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong khâu giải phóng mặt bằng, giao quỹ đất sạch cho chủ dự án với một mức giá hợp lý có thể là một bước đi mang tính đột phá của Nhà nước nhằm kéo giá bất động sản xuống gần với giá trị thực, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Sắp tới, Nhà nước có thể đứng ra thu hồi đất và cho doanh nghiệp thuê lại, đấy là một nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định trên sẽ tạo điều kiện phát triển quỹ đất sạch, góp phần hạn chế những bất cập, tranh chấp, khiếu kiện trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay. Sau khi Nhà nước thu hồi, sẽ tiến hành cho thuê lại theo hình thức đấu giá hoặc không đấu giá quyền sử dụng đất. Với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Tuy Nhà nước tạo nguồn đất sạch có thể đem đến những điều tích cực như vậy, nhưng việc triển khai sẽ không đơn giản, rất cần đến sự công khai, minh bạch và có kế hoạch sử dụng đất hợp lý, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân cần được tính toán trước. Nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là với các công trình có thời gian thực hiện dài. Tiếp đó, việc đấu giá, giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện như thế nào để không rơi vào cơ chế “xin – cho” là điều rất cần được lưu tâm.