Bởi những vướng mắc kể trên mà hiện cả nước chỉ có một số rất ít tỉnh, thành áp dụng cơ chế “Nhà nước thu hồi đất rồi đem đấu giá, giao đất cho nhà đầu tư”, còn lại vẫn áp dụng phương thức “cho nhà đầu tư thu hồi và tự thỏa thuận đền bù”. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng cơ chế “nhà đầu tư tự thỏa thuận” là thoáng, nhưng sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng, việc doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước đã khiến giá đất bị đội lên.
Hợp tác giải quyết hàng tồn kho
Theo một khảo sát gần đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khoảng 90% số dự án có căn hộ tồn kho và chủ yếu là những căn có diện tích từ 90m2 trở lên. Bởi thế, tin tức về việc Bộ Xây dựng sẽ cho phép chia nhỏ căn hộ đem đến một “luồng gió mát” cho các chủ đầu tư. Những người ủng hộ việc chia nhỏ căn hộ diện tích lớn cho rằng căn hộ nhỏ thì mỗi căn hộ có ít người sống trong đó hơn, thế nên việc chia nhỏ căn hộ không thể gây ra sự tăng đột biến số lượng cư dân. Không những thế, việc làm này đáp ứng được nhu cầu và sức mua thực tế của thị trường. Những người không tán thành cho rằng việc chia nhỏ căn hộ có diện tích lớn khác hoàn toàn với việc xây dựng căn hộ nhỏ, có thể gây nên những hệ lụy. Đó là sẽ thay đổi toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà, hậu quả là kết cấu không đảm bảo an toàn, kéo theo hàng loạt vấn đề như điện nước, nhà vệ sinh, lối đi độc lập, cảnh quan, mật độ dân số… về lâu dài tạo áp lực lên hạ tầng xã hội xung quanh dự án. Trong khi chờ hướng dẫn rõ ràng hơn từ Bộ Xây dựng, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện chia căn hộ. Như vậy, hiệu quả của chủ trương chia nhỏ căn hộ để giải cứu thị trường bất động sản đến nay vẫn còn phải chờ kết quả.
Trong khi chờ đợi sự giải cứu từ bên ngoài, các doanh nghiệp thời gian qua vẫn nỗ lực tự xoay xở. Khó khăn của thị trường bất động sản là khó khăn chung, đa số doanh nghiệp hiện không còn đủ sức thực hiện dự án, khiến nhiều dự án phải “đắp chiếu”, không thể tiếp tục triển khai. Dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp có tiềm lực đủ mạnh đủ sức “cứu nguy” cho doanh nghiệp khác. Tuy chưa nhiều nhưng gần đây vẫn có những cái bắt tay hợp tác, phần lớn tập trung vào các dự án đang xây dựng dở dang và căn hộ có mức giá tầm trung. Những dự án này sau đó được chào bán khá tốt, nhờ tiến độ xây dựng được đẩy nhanh. Sự liên kết của các doanh nghiệp trong việc hợp tác đầu tư vì vậy là một tín hiệu tốt không chỉ cho các doanh nghiệp, mà cho cả người mua, khi họ có thêm nhiều sản phẩm phù hợp để lựa chọn.
Một chủ doanh nghiệp cho biết, nếu một doanh nghiệp có đất nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm thì có thể hợp tác với doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án. Tuy nhiên, sự hợp tác chỉ xảy ra khi hai bên có được sự tương đồng về văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt là tin tưởng lẫn nhau. Xu hướng này được nhận định sẽ còn phát triển thời gian tới.
Dù tự xoay xở như vậy, các doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Họ đang mong được Nhà nước xem xét hoãn và giảm thuế cho doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn, bên cạnh việc lâu dài là được cung cấp quỹ đất sạch với giá cả hợp lý. Về nguồn vốn, các doanh nghiệp mong được các ngân hàng cho vay và được hưởng lãi suất ưu đãi đối với các dự án dở dang khi các doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, điều này là không dễ, trong hoàn cảnh các ngân hàng đang đau đầu giải quyết nợ xấu, mà đa phần đều liên quan đến bất động sản.
Phong Vân – Hải An