Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học New York, qua một nghiên cứu sâu rộng có tên Dirty Money Project, thấy rằng những đồng tiền giấy là trung gian trao đổi của hàng ngàn loại vi khuẩn khác nhau khi những đồng tiền này được chuyền từ tay người này qua tay người khác.
Qua việc phân tích thực thể di truyền trên tờ giấy bạc 1 USD, các nhà nghiên cứu đã nhận diện tất cả khoảng 3.000 loại vi khuẩn – gấp hơn nhiều lần so với những nghiên cứu trước đây bằng lối khảo sát những mẫu tiền dưới kính hiển vi. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng chỉ có thể nhận diện khoảng 20% những DNA không phải của loài người mà họ tìm được bởi còn nhiều loại siêu vi khuẩn đến nay vẫn chưa được xếp loại trong kho dữ liệu di truyền.
Loại vi khuẩn được tìm thấy nhiều nhất là loại thường gây ra mụn trứng cá trên mặt. Những loại vi khuẩn khác có liên quan đến bệnh loét bao tử, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng vi khuẩn staph (staphylococcus infection). Vài vi khuẩn trong số này có khả năng chống lại trụ sinh.
Những khám phá mới này cho chúng ta chút khái niệm về một vấn đề có tính cách quốc tế là sự dơ bẩn của tiền giấy. Từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á, châu Phi, tiền giấy là vật được chuyền tay nhiều nhất trên thế giới. Các nhà vệ sinh học từ lâu đã lo lắng rằng những đồng tiền giấy có thể trở thành nguồn để cho các căn bệnh lây lan.
Các Ngân hàng Trung ương và các Bộ trưởng Ngân khố của các quốc gia thường chỉ quan tâm đến chuyện ngăn ngừa việc in tiền giả và độ bền bỉ của tờ bạc chứ chẳng bao giờ quan tâm đến thứ mà họ không nhìn thấy bằng mắt thường, đó là những con vi trùng li ti. Với gần 150 tỉ tờ giấy bạc mới được đưa vào lưu hành mỗi năm trên toàn thế giới, cũng có nghĩa là 150 tỉ cơ hội để các căn bệnh do vi khuẩn gây ra có thể lây lan.
Trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của những loại nguyên liệu in tiền khác nhau đối với sức khỏe của người dân, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ballarat ở Úc mới đây đã xét nghiệm những loại tiền giấy trao đổi ở những siêu thị, tiệm cà phê và tiệm ăn tại 10 quốc gia. Tuy mức độ vi khuẩn thay đổi ít nhiều ở mỗi quốc gia, các nhà nghiên cứu thấy rằng loại tiền giấy polymer ít chứa vi khuẩn hơn là loại tiền giấy làm từ bông sợi.
Một số nhà nghiên cứu khác cũng thử cấy vi khuẩn lên một vài loại tiền khác nhau và thấy rằng một số loại vi khuẩn sống lâu hơn trên những loại tiền giấy polymer.
Những chất nhờn và dầu từ da người bám lên những tờ giấy bạc mỗi ngày một dày hơn trong khi lưu hành là thức ăn nuôi dưỡng vi khuẩn.