Trung tuần tháng 6 vừa qua, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra yêu cầu các nhà sản xuất phải loại bỏ dần chất béo chuyển hóa trong thực phẩm trong vòng ba năm tới. Theo đó, từ nay đến năm 2018, các doanh nghiệp đang sản xuất thực phẩm cần chuẩn bị các nguyên liệu thay thế để loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa ra khỏi sản phẩm của mình. Đây là một cảnh báo đối với Việt Nam và thế giới về các loại thức ăn đang được tiêu thụ nhiều hiện nay, nhất là mì gói và thức ăn nhanh.
Cảnh báo về tác hại của chất béo chuyển hóa
Tiến sĩ Susan Mayne, Giám đốc Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng (thuộc Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA) cho biết từ năm 2006, FDA đã có khuyến cáo là chất béo chuyển hóa (trans fat) không an toàn đối với sức khỏe, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ thành phần trans fat trên bao bì để người tiêu dùng có căn cứ lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Trước đó, cuộc chiến chống lại trans fat đã xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới như Đan Mạch, Anh, Mỹ, Canada…, những hoạt động biểu tình đã diễn ra rầm rộ nhằm tẩy chay các nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn có sử dụng trans fat. Chính phủ của các nước này đã ban hành luật cấm dùng các loại dầu có chứa hàm lượng cao trans fat hoặc yêu cầu các công ty sản xuất thực phẩm phải ghi rõ hàm lượng chất này trên bao bì.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Canada, trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Nó làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu do đó làm tăng khả năng bị các bệnh tim mạch. Ngoài ra, chất béo này còn có liên quan đến các bệnh tim mạch, béo phì, giảm trí nhớ, đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Hằng năm, có đến hơn 500 người Mỹ chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến chất béo chuyển hóa. Trong cuộc sống hiện đại, khi xu hướng lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn của người tiêu dùng ngày càng phổ biến thì nguy cơ bệnh tật do trans fat ngày một tăng nhanh.
Ngoài một số chất béo chuyển hóa được hình thành tự nhiên, hầu hết trans fat nhân tạo được hình thành trong quá trình sản xuất nhằm giúp cho các món ăn như: gà rán, khoai tây chiên, bắp rang bơ, mì gói, bánh pizza, thực phẩm đóng hộp, bánh quy, bỏng ngô, bột kem cà phê… trông bắt mắt hơn và bảo quản lâu hơn. Hàm lượng trans fat trong các loại thực phẩm trên rất cao, lên đến 45% so với chất béo toàn phần.
Theo dự tính của tổ chức FDA, chi phí để thực hiện chương trình chấm dứt hoàn toàn lượng chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sẽ tốn khoảng 6 tỉ USD nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được 140 tỉ USD trong vòng 20 năm tới trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Lựa chọn thực phẩm vì sức khỏe chính mình
Tại Việt Nam, trong khi chưa có bất cứ quy định nào của cơ quan quản lý thực phẩm về trans fat và ý thức của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng vẫn còn hạn chế thì việc người tiêu dùng chủ động lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe chính mình và gia đình là quan trọng nhất. Chúng ta nên chú ý kiểm tra danh sách thành phần chất béo bão hòa trên bao bì thực phẩm trước khi sử dụng, nhất là với các sản phẩm ăn liền. Các trường hợp thực phẩm chứa ít hơn 0,5g trans fat trên mỗi khẩu phần thì nhãn giá trị dinh dưỡng có thể ghi là 0g trans fat.
Lưu ý là chất béo bão hòa được các nhà sản xuất mì gói ưa chuộng. Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học – Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện có đến 38% mẫu mì gói đang tiêu thụ trên thị trường có chứa trans fat. Như vậy, một người ăn hai, ba gói mì mỗi tuần đã nạp một lượng trans fat không thể chuyển hóa đáng kể vào cơ thể. Sau đó, chất béo này sẽ dần dần tích lũy lại và gây ra các chứng bệnh tim mạch, đột quỵ vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, hạn chế ăn mì gói hoặc lựa chọn những loại mì gói hàm lượng trans fat thấp là lựa chọn thông minh cho bạn và gia đình.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn các loại thịt nướng, chiên, rán, thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo quá thường xuyên. Chọn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, thịt nạc và thịt gia cầm đã bỏ da, các loại thực phẩm chứa ít chất béo như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả. Một số loại thực phẩm chứa chất béo tốt cho sức khỏe như các loại quả óc chó, hạnh nhân, quả ôliu, quả bơ, các loại hạt (hạt hướng dương và bí ngô)…
- TS-BS Vũ Thị Thanh