Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng trong những năm qua, kinh doanh cá tại TP.HCM đang được tạo điều kiện để phát triển chuyên nghiệp nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 50 triệu USD vào năm 2020.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, hiện TP.HCM có 286 cơ sở sản xuất và 278 cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Sản lượng cá cảnh năm 2015 đạt 120 triệu con, tăng 100% so với năm 2010, đưa cá cảnh trở thành một lĩnh vực nông nghiệp đô thị quan trọng được khuyến khích. Hiện cá cảnh TP.HCM đã xuất khẩu sang 47 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 60 – 70% gồm các nước Đức, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech…
Dù có nhiều tiềm năng, ngành cá cảnh Việt Nam hiện phát triển chưa tương xứng khi chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu 8 tỉ USD toàn cầu. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu của TP.HCM tính đến hết tháng 10-2016 đạt gần 13 triệu con, giá trị xuất khẩu đạt 12 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng chỉ chiếm 10% sản lượng sản xuất. Trong số gần 300 cơ sở sản xuất cá cảnh tại TP.HCM, chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thường xuyên, các cơ sở còn lại hầu hết là hộ nuôi quy mô nhỏ với giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, các chính sách để phát triển ngành này cũng chưa được đầu tư đúng mức.
Chia sẻ tại hội thảo “Định hướng phát triển cá cảnh TP.HCM giai đoạn 2016-2020” diễn ra ngày 11-11 trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm lần 5 (Hi-tech Agro 2016) tại Công viên Lê Văn Tám, TP.HCM, ông Lê Hữu Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi) cho biết, việc nhập khẩu con giống cá cảnh từ nước ngoài thường bị đánh thuế cao, thậm chí một số loại không được phép nhập đang gây khó cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các giống cá cảnh mới, lạ của thế giới.
Bên cạnh đó, việc tính thuế nhập khẩu nhập nhằng giữa “giống cá cảnh”, “cá cảnh bột” hoặc “cá cảnh kinh doanh” cũng khiến doanh nghiệp gặp phiền hà về thủ tục. Cũng theo ông Đức, cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để cung cấp vật tư cho ngành này. Hiện nay, một số nước trong khu vực đã phát triển đội ngũ hướng dẫn, chăm sóc, thiết kế hồ cá… khá chuyên nghiệp trong khi Việt Nam đang thiếu khâu này và hầu hết các vật tư phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Tống Hữu Châu, chủ Trại cá cảnh Châu Tống (Q.12), đề xuất TP.HCM cần có một trung tâm thông tin chính thống về cá cảnh để các đơn vị sản xuất có thể tham khảo về kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống cũng như các công cụ phòng chống dịch bệnh. Theo ông Châu, với tiềm năng và sự phát triển sắp tới của ngành cá cảnh, TP.HCM cần gấp rút xây dựng một chợ cá cảnh tập trung là nơi trao đổi, mua bán các loại cá cảnh, cây thủy sinh, vật tư thiết bị, thức ăn cho cá và tư vấn thiết kế hồ cá để các doanh nghiệp kết nối với thị trường và mở rộng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Gần đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng sản lượng sản xuất cá cảnh lên 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con đến năm 2020. Chương trình được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp cá cảnh phát triển chuyên nghiệp hơn.
Hiện TP.HCM đang xây dựng chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh nhằm đảm bảo 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường hiện có và mở rộng sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết thành phố sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá cảnh tham gia một số hội chợ cá cảnh quốc tế để học tập rút kinh nghiệm tiến tới tổ chức tại TP.HCM cũng như đẩy mạnh việc xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu cá cảnh trong tương lai.