Nhiều quốc gia xem thương mại điện tử (TMĐT) là công cụ tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả để đẩy mạnh giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các nước. Tại Việt Nam, sau nhiều năm bàn rồi lại… bàn, các giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới vẫn chưa tạo ra đột phá và các doanh nghiệp chủ nhà đang tỏ ra yếu thế ngay tại sân nhà. Một nội lực đủ mạnh để cạnh tranh là điều mà doanh nghiệp Việt cần làm, trước khi nghĩ đến thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán, giao nhận, bất đồng ngôn ngữ… là những rào cản lớn đối với Việt Nam để phát triển TMĐT xuyên biên giới.
Tại hội thảo quốc tế Xu hướng và cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra tại TP.HCM ngày 12-11, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT Việt Nam (Vecita), cho biết ngành TMĐT trong nước đang có nhiều tiềm năng phát triển. Trong số 40 triệu người sử dụng internet (trên 92 triệu dân) thì có đến 58% người đã từng mua sắm trực tuyến. Thế nhưng, trái với những nhận định về tiềm năng, doanh thu thị trường TMĐT năm 2015 ước tính chỉ đạt 4 tỉ đôla Mỹ, khá mờ nhạt so với doanh thu của toàn ngành bán lẻ đạt hơn 80 tỉ USD tính đến tháng 9-2015.
Hiện nay, người Việt Nam có nhu cầu mua hàng từ nước ngoài khá mạnh và họ chọn mua từ những trang phổ biến của nước ngoài hoặc qua đường xách tay. Một số trang TMĐT Việt Nam cũng cung cấp dịch vụ này, tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp có dịch vụ bài bản, từ giao nhận, thanh toán và những công cụ bảo vệ người dùng trước những rủi ro về hàng hóa. Chiều ngược lại, xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài, hầu như không được nhắc đến.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam thách thức với hầu hết các trang TMĐT hiện nay là người tiêu dùng vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt. Thói quen này khiến doanh nghiệp gặp rủi ro lớn vì người mua có thể hủy đơn hàng bất kỳ thời điểm nào, doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí vận chuyển cho những đơn hàng bị từ chối. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc vận chuyển đúng hạn, đảm bảo cam kết chất lượng từ các nhà cung cấp.
TMĐT thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong những năm tới, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết đi vào hiện thực sẽ giúp hàng hóa, dịch vụ dễ dàng lưu thông giữa các nước. Tuy nhiên, dù nằm trong danh sách các nước có cơ sở hạ tầng TMĐT phát triển tốt ở Đông Nam Á, Việt Nam đang gặp khó với những vướng mắc nêu trên. Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết các tranh chấp trong TMĐT xuyên biên giới, bất đồng về ngôn ngữ cũng là vấn đề cần giải quyết.
Bà Bùi Thị Thanh Hằng, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục TMĐT & CNTT, nhận định người dùng đang thiếu niềm tin vào TMĐT xuyên biên giới và không có thói quen khiếu nại khi gặp các vấn đề. Cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới chưa thống nhất giữa doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia, cũng như luật pháp chưa có những quy định chặt chẽ bảo vệ người mua hàng trực tuyến là những yếu tố cần được cải thiện.
Với tính chất vượt qua khuôn khổ một quốc gia, TMĐT xuyên biên giới đòi hỏi doanh nghiệp TMĐT có tiềm lực tài chính, am hiểu thị trường mục tiêu cũng như sự liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp nước ngoài; nhà cung cấp giải pháp giao nhận và giải pháp thanh toán trực tuyến để đảm bảo mang lại dịch vụ trọn gói cho người dùng.
Sắp tới, bên cạnh các chính sách chặt chẽ hơn từ phía nhà nước, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng nội lực đủ mạnh để đáp ứng tốt thị trường nội địa, từ đó tạo ra mô hình chuẩn phát triển TMĐT xuyên biên giới. Ngoài Tiki, Sendo được xem là những ứng cử viên sáng giá, sự ra đời của Adayroi với hậu thuẫn tài chính vững chắc từ Tập đoàn Vingroup đang tạo ra hy vọng về một thị trường TMĐT có những đầu tàu đủ mạnh trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.