Ngày 26-5 vừa qua, trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Cục Bản quyền Tác giả đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn. Dù việc thu tiền nhằm vào các khách sạn nhưng sự sai luật và thiếu minh bạch của VCPMC đã khiến hàng ngàn người tiêu dùng nêu ý kiến phản đối trên các diễn đàn internet.
Từ 10 năm nay, VCPMC đã thu tiền sử dụng âm nhạc ở các khách sạn 4, 5 sao tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, riêng tại Đà Nẵng cũng đã thu hơn ba năm nay. Việc tổ chức thu tiền chỉ bị buộc phải dừng khi mới đây, một loạt khách sạn 1 đến 3 sao tại Đà Nẵng tỏ ra kiên quyết với khoản thu không đúng luật. Nhiều luật sư uy tín cũng trả lời trên các kênh truyền thông rằng các khách sạn có quyền từ chối yêu cầu đóng tiền của VCPMC.
Về việc trả thù lao, nhuận bút cho tác giả (hoặc chủ sở hữu quyền tác giả), tại Khoản 3, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền tài sản (Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ) bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh; b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) Sao chép tác phẩm; d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Các mục a), b), c), d), đ), e) cho thấy nếu có hoạt động khai thác sử dụng thì đó là các hoạt động thuộc về đài truyền hình chứ không phải chủ khách sạn. Vì vậy chủ khách sạn không phải là người “phải xin phép và trả tiền nhuận bút”. Còn khoản 3, Điều 20 thì như sau: “3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”. Điều này thì chủ khách sạn cũng không thực hiện nên họ không có nghĩa vụ “xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao”.
Còn trong Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao thì tại khoản 1 của Điều 26 này có đoạn: Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, ở khoản 1 Điều 26 này đã quy định rất rõ việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả là “Tổ chức phát sóng” (cụ thể hơn là đài truyền hình) chứ không phải người thụ hưởng chương trình phát sóng, dù người thụ hưởng chương trình phát sóng đó sử dụng cho cá nhân hay việc kinh doanh. Như vậy, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đòi thu tiền các khách sạn vì sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm là hoàn toàn không đúng luật.
Đại diện một khách sạn năm sao tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, mấy năm qua khách sạn này phải đóng đều đặn hơn trăm triệu đồng mỗi năm tiền tác quyền âm nhạc cho VCPMC, dù hơn 90% tivi trong các phòng nghỉ không được sử dụng lần nào trong một năm. Việc chấp nhận đóng khoản tiền trên cho VCPMC đối với nhiều khách sạn cao cấp có ý nghĩa như một hành động “nhập gia tùy tục”. Để tránh rắc rối có thể có xảy ra với các cơ quan nhà nước, phần lớn doanh nghiệp chọn cách chấp nhận nếu khoản thu không quá lớn.
Vừa qua, khi các khách sạn yêu cầu VCPMC đưa ra văn bản chứng minh đã chuyển tiền thu được cho những tác giả nào và bằng cách nào, VCPMC không trình ra được. Sự thiếu minh bạch nghiêm trọng kéo dài cả chục năm nhưng VCPMC dường như không hề quan tâm đến vấn đề này.
Khi bị buộc phải dừng việc thu tiền, ông Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC tuyên bố: “Trong thời gian tới, VCPMC tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy định thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi.” Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong mười năm qua, đã có những khách sạn đóng hàng tỉ đồng cho VCPMC, không ai có thể biết bao nhiêu phần trăm trong số đó đến được tay các tác giả.
Trong buổi làm việc với báo chí ngày 25-5, ông Phó Đức Phương nêu quan điểm: “Khách sạn nào cũng có tivi và chắc chắn có nhiều chương trình ca nhạc, sử dụng âm nhạc trên truyền hình nên việc thu tác quyền là đương nhiên.” Cùng với phát biểu trên là mức đóng 25 ngàn đồng một phòng, con số được ông cho là “thu cho có”.
Nếu việc thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn được cho là làm theo quốc tế như VCPMC tuyên bố thì việc chi trả số tiền đó cũng phải làm theo quốc tế. Nghĩa là mọi khoản thu dù nhỏ nhất đều phải đúng luật và minh bạch, không thể thu cho có và “mang tính tượng trưng”.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, số lượng phòng khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao tại Việt Nam trong năm 2017 ước tính lên đến khoảng 400 ngàn. Nếu VCPMC có thể thu hết tiền quyền tác giả tại từng phòng thì số tiền thu được hằng năm là không hề nhỏ. Khoản thu sai luật đó sẽ khiến giá phòng khách sạn bị đội lên, và cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.