Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những tháng gần đây tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm, trong đó có hiện tượng đột quỵ do nắng nóng. Khi chúng ta làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong môi trường nóng nực không thoáng khí kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thân nhiệt tăng cao, gây những tổn thương nghiêm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nhất là tổn thương hệ thần kinh trung ương, dẫn đến các biểu hiện như run cơ, co giật, thậm chí có thể hôn mê. Với những người lớn tuổi, béo phì và đã có những bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp thì nguy cơ bị đột quỵ khi trời nắng nóng càng cao.
Vì sao nhiệt độ môi trường tăng cao thì gây đột quỵ?
Bình thường, cơ thể chúng ta có một hệ thống điều hòa thân nhiệt tự động để thích nghi với mọi điều kiện môi trường. Nhờ đó, khi nhiệt độ môi trường tăng cao hay xuống thấp thì nhiệt độ cơ thể luôn giữ ở 37oC. Trong những ngày hè nóng nực, khi thân nhiệt có xu hướng tăng lên, cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách tăng tiết mồ hôi, tăng tiểu tiện, tăng hoạt động của tim và phổi… để hạ thân nhiệt.
Trong trường hợp hệ điều hòa thân nhiệt có vấn đề thì nhiệt độ môi trường làm thân nhiệt tăng cao, gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp. Theo đó, tuần hoàn máu nuôi não bị rối loạn, dẫn đến thiếu máu não và có thể xảy ra đột quỵ. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể lên cao quá mức cũng làm tim và phổi hoạt động yếu đi nên lượng máu đưa lên nuôi não không đủ và đó là nguyên nhân gây đột quỵ não. Như vậy, nhiệt độ môi trường không trực tiếp gây đột quỵ, mà tạo một chuỗi ảnh hưởng gián tiếp đến tim và phổi.
Hầu như ai trong chúng ta đều có thể rơi vào tình trạng kiệt sức và đột quỵ do thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam thì những đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn: (1) Người lớn tuổi và trẻ em; (2) Những người đang bị một số bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và suy tim mãn tính, đặc biệt là bệnh cao huyết áp; (3) Người mắc bệnh tiêu chảy kéo dài do không kịp bù nước; (4) Những người đang sống ở vùng khí hậu mát mẻ di chuyển tới các vùng có khí hậu nắng nóng vì cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ môi trường mới, những người ở những vùng có độ ẩm cao thì cơ chế toát mồ hôi cũng kém hiệu quả hơn vì thế lượng nhiệt đào thải ra ngoài cơ thể thấp hơn và (5) Người nghiện rượu và thuốc là vì dễ mất nước hơn.
Biểu hiện bệnh đột quỵ do nắng nóng
Thực tế ở các khoa tim mạch tại các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong những tháng nắng nóng đầu hè, số bệnh nhân nhập viện tăng lên rất nhanh, phần lớn trong số đó là bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, hội chứng mạch vành và đặc biệt là người mắc bệnh cao huyết áp. Thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm cho nguy cơ bị rối loạn tuần hoàn và thuyên tắc động mạch vành nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, các bác sĩ của Hội Tim mạch Việt Nam cảnh báo nguy cơ đột quỵ liên quan đến thói quen sử dụng máy điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong phòng có máy điều hòa quá cao khiến những người bị tim mạch, huyết áp không kịp thích nghi, đây là nguyên nhân khá phổ biến của hiện tượng tai biến và đột quỵ.
Đột quỵ do thời tiết nóng có nhiều biểu hiện khác nhau. Ban đầu chỉ là các triệu chứng nhẹ gọi là “say nắng” như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, khó thở, vã mồ hôi, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh. Sau đó có thể bị “sốc nhiệt” với các biểu hiện nôn ói, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, sốt cao, da và niêm mạc khô… Trường hợp những tác động nghiêm trọng có thể dẫn đến tụ máu dưới màng não, động kinh, hôn mê sâu, mê sảng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đột quỵ được xem là bệnh “giờ vàng”, cần cấp cứu ngay trong sáu tiếng đầu tiên ngay khi có những triệu chứng ban đầu. Lý do là mỗi phút trôi qua, hàng trăm triệu tế bào thần kinh sẽ chết dần, nếu để quá sáu giờ liền thì tế bào não gần như không thể phục hồi nổi. Vì vậy, ngay khi bệnh nhân bị những biểu hiện “sốc nhiệt” nói trên, không nên mất thời gian cho việc cạo gió, châm cứu không đúng cách…, mà cần ngay lập tức giúp bệnh nhân tránh nắng và làm hạ nhiệt độ cơ thể bằng cách đưa nạn nhân đến chỗ mát (có thể đưa vào phòng có máy điều hòa nhiệt độ), cởi hết quần áo, lau toàn thân bằng nước mát rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, lọc máu… Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tim mạch vì có thể gây sốc.
Phòng đột quỵ do nắng nóng
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, không từ một ai và có thể dẫn đến tử vong nên chúng ta cần có những biện pháp phòng tránh, nhất là đối với những người lớn tuổi, có tiền sử bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Theo dõi và điều trị bệnh tim mạch và tăng huyết áp thường xuyên là biện pháp phòng ngừa đột quỵ rất hiệu quả. Người lớn tuổi mà sức khỏe kém thì tránh sử dụng nhiệt độ máy lạnh ở mức độ thấp. Khi ngủ dậy nên tự làm ấm cơ thể bằng một số động tác massage hoặc làm quen với nhiệt độ cao hơn trước khi bước ra ngoài môi trường nắng nóng.
Nguy cơ bị đột quỵ cũng tăng cao ở những người nghiện thuốc lá, nghiện rượu ít vận động, béo phì, căng thẳng thần kinh… Do đó, họ nên thay đổi lối sống (bỏ thuốc, uống ít rượu bia, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn) để giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Một số thói quen giúp giảm nguy cơ đột quỵ trong ngày nắng nóng nên thực hiện là:
– Uống nhiều nước hơn ngày thường: Nước giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, giải độc và hỗ trợ hoạt động tuần hoàn máu. Cần uống đủ nước, nhất là khi cơ thể có những biểu hiện thiếu nước như mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng… Có thể uống nước muối pha loãng hoặc nước chanh muối để bù muối khoáng cho cơ thể, nhất là lúc trưa nắng.
– Hạn chế ra ngoài trời nắng khi nhiệt độ môi trường tăng cao vì ánh nắng chứa nhiều tia tử ngoại kết hợp với những vận động quá sức sẽ khiến cơ thể nhanh mệt và dễ bị cơn đột quỵ tấn công. Khi ra ngoài cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể (mặc quần áo rộng rãi, sáng màu, đội mũ rộng vành, đeo kính mát…).
– Vận động hợp lý: Không tập thể dục quá nhiều trong mùa nóng, đặc biệt không nên tập thể dục trong phòng kín không có máy điều hòa hay cửa sổ.
– Khi có những biểu hiện “say nắng” như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, khó thở, vã mồ hôi thì cần vào chỗ mát nghỉ ngơi để tránh những biểu hiện nghiêm trọng hơn.