Kết quả hai nghiên cứu mới đây tại Trường Đại học California (Mỹ) và Bệnh viện Đại học Angers (Pháp) đều cho thấy nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến hiện tượng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, từ đó làm tăng nguy cơ bệnh mạch máu não, trong đó có đột quỵ. Hiện nay, do chế độ ăn uống thiếu cân bằng và ít có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày nên ngày càng nhiều người bị thiếu hụt vitamin D, nhất là ở người lớn tuổi.
Một nghiên cứu khác cũng đã được thực hiện trên 300 người ngoài 65 tuổi do các chuyên gia ở Trường Đại học Tufts (bang Massachusetts, Mỹ) tiến hành về mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và bệnh suy giảm trí nhớ. Ba trăm người này được theo dõi và đánh giá về tình trạng sa sút tâm thần, bệnh lý mạch máu não và bệnh nhũn não. Kết quả, 44% người được xếp vào nhóm thiếu vitamin D có nguy cơ bệnh nhồi máu não và nhũn não cao hơn những người khác. Lượng vitamin D thấp cũng có liên quan tình trạng sa sút tâm thần, bệnh Alzheimer và đột quỵ sau khi loại bỏ các yếu tố gây nhiễu như chủng tộc, sắc tộc…
Ngoài tác dụng đối với tâm thần nói trên, vitamin D còn giúp làm giảm biến chứng tắt mạch máu và nhiều tổn thương đa cơ quan khác trong cơ thể, đây là kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học Trường Đại học Y khoa Washington (Hoa Kỳ). Nghiên cứu cho thấy những người dùng vitamin D thường xuyên ít bị thuyên tắc mạch máu hơn và giúp bảo vệ thành mạch máu tốt hơn.
Với những tác dụng hữu ích đối với sức khỏe như vậy nên việc bổ sung vitamin D hằng ngày là rất cần thiết. Theo Viện Y học Mỹ thì người dưới 65 tuổi cần bổ sung từ 400 – 500IU/ngày còn đối với người trên 65 tuổi là 600IU/ngày (IU là đơn vị quốc tế theo hệ thống của WHO để đánh giá tính dụng sinh hóa của vitamin, 1IU tương đương với 1/22mg). Chúng ta có thể bổ sung vitamin D bằng các cách sau: (1) Mỗi ngày cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 30 phút đến 1 tiếng, (2) Tăng cường thực phẩm nhiều vitamin D như lòng đỏ trứng gà, cá ngừ, cá thu, cá hồi, nấm, nước cam… (3) Uống thuốc bổ sung vitamin theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.