Nếu nhìn vào chiến lược phát triển của các công ty công nghệ trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam không kém cạnh về mặt cơ hội. Vậy câu hỏi đặt ra: vì sao cho đến thời điểm này chưa có công ty công nghệ lớn nào của Việt Nam khai thác được những cơ hội lớn từ thị trường khu vực?
Một thập niên cũ đã khép lại và một thập niên mới đang mở ra khi chúng ta chính thức bước vào năm 2020. Đây được cho là “thập niên vàng” của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sự xuất hiện đông đảo của tầng lớp trung lưu. Đây là nền tảng để xuất hiện những công ty công nghệ lớn nhắm vào “ASEAN Land” thị trường hơn 650 triệu dân.
Cơ hội này dành cho nhiều doanh nghiệp và không nằm ngoài tầm với của các doanh nghiệp Việt Nam. Cho tới cách đây 10 năm, gần như chưa có nhiều công ty công nghệ tên tuổi lớn đến từ khu vực Đông Nam Á. Ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cũng không phải là các công ty từ khu vực, mà từ các thị trường châu Á khác như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Singapore là nơi đặt bản doanh của nhiều tập đoàn đa quốc gia, cho nên dù thường nằm trong danh sách những nước rót nhiều vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, các nhà đầu tư lớn không mang quốc tịch nước này. Tình hình bây giờ đã khác. Trong vài năm trở lại đây, có thêm nhiều doanh nghiệp trị giá tỉ đô nổi lên trong khu vực Đông Nam Á với quyết tâm mở rộng địa bàn hoạt động toàn khu vực.
Không chỉ có những tập đoàn kinh doanh truyền thống có lịch sử hàng chục năm, mà có nhiều doanh nghiệp mới nổi lên, những công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng nhờ bệ phóng công nghệ. Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, quỹ đầu tư Asian Partners dự đoán thời đại vàng của các công ty Đông Nam Á đang đến trong thập niên tới. Cơ hội đang chín muồi để tạo dựng nên những công ty giá trị hàng tỉ đô la, trong đó có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Thời đại vàng” của Đông Nam Á được hình thành trên nền tảng một khu vực thị trường có sự gia tăng của các tầng lớp dân cư thu nhập cao. Đông Nam Á ngày nay là tập hợp thị trường của tám quốc gia lớn nhất có tăng trưởng kinh tế cao (Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Philippines) với tổng dân số trên 650 triệu người và tổng thu nhập quốc nội ước tính trên 3.100 tỉ USD trong năm 2019.
Tỷ lệ tăng trưởng kép về GDP là 8,6% trong vòng 20 năm, tăng trưởng về sử dụng Internet là 29% và tăng trưởng thuê bao điện thoại là 27%. Theo nghiên cứu của Asia Partners, tỷ lệ thu nhập trung bình trên đầu người ở Đông Nam Á trong thập niên tới dự đoán ở mức 4.600 USD/năm, tương đương thu nhập trung bình trên đầu người của Trung Quốc vào năm 2007.
Đó cũng là thời điểm Trung Quốc hình thành nên những công ty công nghệ lớn, hiện là những công ty lớn hàng đầu thế giới như Alibaba, Tencent… Trong vòng 10 năm tới, khi mức thu nhập của người dân Đông Nam Á tiếp tục tăng, là cơ hội để các doanh nghiệp khu vực này xây dựng nên những công ty lớn với tầm nhìn khu vực.
Đông Nam Á được coi là khu vực kinh tế có tăng trưởng ổn định với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số trẻ, đặc biệt ít bị ảnh hưởng xấu của các cuộc khủng hoảng kinh tế trong vòng 20 năm qua. Báo cáo trên chỉ ra nhiều chỉ số phát triển vĩ mô cho thấy những thuận lợi về môi trường kinh doanh chung Đông Nam Á, trong đó đáng kể nhất là nỗ lực tạo ra một khu vực kinh tế chung với những thuận lợi về di chuyển, lao động, và thị trường, đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho những doanh nghiệp có chiến lược phát triển khu vực thay vì chỉ nhắm vào một thị trường.
Về độ phủ công nghệ, tính đến 2017, Đông Nam Á có khoảng 1,5 tỉ thuê bao điện thoại, 45% dân số sử dụng Internet. Những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng này không hoạt động trong một mà nhiều thị trường ở khu vực Đông Nam Á, và thường là những công ty sử dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh, như Sea, Lazada, Grab, Gojek, Tokopedia, Traveloka, Shopee, Agoda…
Nick Nash, nhà sáng lập và quản lý quỹ Asian Partners nhận định rằng, trong thập niên tới, sẽ có ít nhất hơn 20 công ty với giá trị trên tỉ đô la Mỹ được IPO, trong đó 70% là công ty khu vực và 30% là công ty đến từ Indonesia. Với quy mô dân số đông nhất Đông Nam Á hiện nay, Indonesia là thị trường lý tưởng cho các công ty kích cỡ lớn. Các công ty khác, nếu muốn quy mô hóa, chắc chắn cần tính đến chiến lược đa thị trường trong khu vực này.
Cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ và dựa trên nền tảng công nghệ – ở đâu trong xu hướng này?
Xét về quy mô thị trường, Việt Nam là thị trường đông dân, nhưng về thu nhập vẫn tụt lại phía sau trong số tám nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á. Thế mạnh của thị trường Việt Nam được đánh giá là ở quy mô thị trường và khả năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Nếu nhìn vào chiến lược phát triển khu vực, doanh nghiệp Việt Nam không kém cạnh về mặt cơ hội.
Tuy vậy, cũng cho đến thời điểm này, chưa có công ty công nghệ lớn nào của Việt Nam khai thác được những cơ hội từ thị trường nội địa và thị trường khu vực. VNG, công ty công nghệ Internet hàng đầu Việt Nam với giá trị công ty định giá vài tỉ đô la Mỹ, vẫn tập trung vào thị trường Việt Nam. Công ty này đã và đang đi những bước mở rộng thị trường sang khu vực, trong đó đáng kể nhất là thị trường Myanmar.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Minh, CEO VNG trong một buổi nói chuyện về đề tài này tại sự kiện do Endeavor, mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả cao, tổ chức tại TP.HCM, cho biết rằng vẫn chưa thể coi VNG là một công ty khu vực hoặc công ty quốc tế, khi hoạt động và doanh số của họ chủ yếu vẫn đến từ thị trường Việt Nam.
Trong những ý kiến chia sẻ của ông Minh, một chi tiết đáng chú ý là việc ông nhìn nhận việc chú tâm vào thị trường trong nước – một thị trường đủ lớn, đủ cơ hội – cũng là một phần nguyên do khiến cho VNG bỏ lỡ cơ hội phát triển ra thị trường khu vực, bên cạnh một vài nguyên nhân khác.
Hiện nay, phần lớn những doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ đang tập trung vào thị trường trong nước. Không có gì sai với chiến lược này, nhưng sẽ đáng tiếc nếu các công ty khởi nghiệp công nghệ có năng lực và không tận dụng cơ hội vàng để vươn ra khu vực.
Thách thức đầu tiên với những doanh nhân trong lĩnh vực này là việc thay đổi tư duy, từ việc nhìn thị trường hoạt động của mình trong một biên giới đơn lẻ, thay vì tư duy lớn hơn sang thị trường ASEAN. Chỉ khi nhìn theo chiến lược này, các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam mới có kế hoạch hành động thích hợp, hướng tới mục tiêu lớn hơn ra thị trường quốc tế và quốc tế hóa sản phẩm.
Chắc chắn đề tài này sẽ còn được bàn đến rất nhiều và chiến lược phát triển khu vực cần được các doanh nghiệp công nghệ xem xét tiếp. Cơ hội vàng đang mở ra khi chúng ta bước vào thập niên mới. Với bài viết này, tôi hi vọng vấn đề sẽ tiếp tục được xem xét nghiêm túc và được phân tích cụ thể, để các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội vàng phát triển trong một thị trường rộng lớn hơn.