Hiểu thế giới từ ấu trùng loài muỗi đến ký hiệu học tôn giáo, hiểu từ lịch sử căn bệnh ung thư đến bản chất toàn cầu hóa thông qua sự dịch biến của những con đường tơ lụa… Tri thức thế giới học đã được giải phóng khỏi tháp ngà, cởi bỏ khuôn mặt nghiêm trang kinh viện để chọn lấy một cách thức truyền đạt, đối thoại mới với số đông, hấp dẫn chẳng kém những bộ phim bom tấn.
Những cuốn sách “new history” (lịch sử mới) dày dặn đến mức đồ sộ nhưng đang làm mưa làm gió trong làng xuất bản toàn cầu. Và tại Việt Nam, không là ngoại lệ.
Thoát khỏi kinh viện
Tại hội sách Frankfurt năm 2018, cuốn The New Silk Roads của Peter Francopan được truyền thông mạnh, là vedette trên tờ tin của hội sách. Thực ra, đây là cuốn sách mà Peter viết thêm, sau sự thành công vang dội về thương mại của cuốn The Silk Roads – A New History of the World.
Chỉ sau 3 năm phát hành (2015 – 2018), hơn 1,5 triệu bản The Silk Roads được bán ra qua hơn 30 thứ tiếng.
Năm 2019, cuốn sách đồ sộ này có bản tiếng Việt (Những con đường tơ lụa – Một lịch sử mới về thế giới, Trần Trọng Hải Minh dịch, Huỳnh Hoa hiệu đính, Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành, 2019). Sách dày 858 trang, khổ lớn, với mức giá cho bản bìa mềm đến 490.000 đồng. Điều mà chính những người làm sách cũng khó ngờ: 200 bản bìa cứng đã được độc giả đặt hết trong vài ngày từ khi sách chưa xuất kho và 1.300 bản bìa mềm còn lại của đợt in đầu tiên đã được mua hết trong trên dưới một tháng.
Độ nóng về phát hành của cuốn sách này khiến những người thực hiện đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến những cuốn sách tri thức đồ sộ này có sức hút đến như vậy? Xa hơn, liệu có phải người ta đang lười đọc (hay nói khác đi, không thiết tha gì với sách nữa) như các chuyên gia “văn hóa đọc” vẫn thường kêu ca?
Thật khó có câu trả lời chung quyết và thấu đáo. Mọi câu trả lời lạc quan vội vàng đều có thể rơi vào tình thế chủ quan và phiến diện như chính những lời ca thán bi đát. Chỉ có thể dùng đến những nhân tố quan trọng từ chính từng hiện tượng để giải thích.
Những con đường tơ lụa – cuốn sách “to vật vã” này nhìn là một công trình nghiên cứu về lịch sử toàn cầu từ thời cổ đại đến cận đại, nó được viết với ngôn ngữ du hành, hấp dẫn. Đó không phải là một cuốn sử “truyền thống” – theo hình dung rằng – được một nhà nghiên cứu lụ khụ viết ra để đọc trong cộng đồng học thuật của ông ta, rồi cho vào các tàng thư chờ xướng tên ở những giải thưởng hàn lâm.
Càng không phải là một bộ sử được viết cho một dự án đặt hàng hay bao cấp nào cả, mà có thể được viết từ một sự nắm bắt nhu cầu người đọc hiện đại, trong ý chí chinh phục cách đọc mới và trong một phương pháp, nghĩa vụ học thuật đầy cởi mở. Trong cuốn sách này, vấn đề toàn cầu được đặt trở lại từ phương Đông với những cuộc dịch chuyển và xung đột văn hóa, tôn giáo, sâu xa có thể xem như lời kiến giải căn nguyên của một thế giới “toàn cầu hóa” mang nhiều khuyết tật hôm nay.
Tri thức lịch sử được viết như một tác phẩm tiểu thuyết đầy mê hoặc. Chúng được nhào nặn từ hàng trăm cuốn sách kinh viện, thừa kế từ những công trình nghiên cứu quan trọng để ra một thứ ngôn ngữ dễ gần, sáng rõ, cuốn hút dành cho đại chúng. Câu chuyện thành công của Những con đường tơ lụa có thể là trường hợp để nhìn rộng ra một dòng sách mới xuất hiện trong khoảng chục năm trở lại đây trên thế giới và được cập nhật nhanh chóng trên thị trường Việt Nam – những sách nghiên cứu lịch sử toàn cầu dưới góc độ vi lịch sử được viết cho người đọc đại chúng.
Không khó nhằn và đáng sợ!
Một hiện tượng dẫn đầu để người đọc trong nước làm quen với dòng sách này, đó là những cuốn: Súng, vi trùng và thép, Sụp đổ, Thế giới cho đến ngày hôm qua, Loài tinh tinh thứ ba của Jared Diamond. Mỗi cuốn sách của Jared Diamond hàm chứa một lượng tri thức khổng lồ về địa lý, sinh học, môi trường… nhưng được viết thấu đáo, dễ đọc, giải thích có hệ thống và sáng rõ từng vấn đề chuyên sâu. Với những ai từng đọc qua Jared Diamond thì dễ có cảm giác rằng những cuốn sách tri thức nhân loại dày hàng trăm trang về sau đã không còn “khó nhằn và đáng sợ”.
Một thời kỳ mới mở ra, rõ ràng người ta không còn đọc tri thức lịch sử phổ thông theo cách mà Will Durant đã viết.
Các nhà làm sách cũng nắm bắt xu hướng “nóng lên” của dòng sách này để săn tìm, khai thác những bản thảo đang là hiện tượng toàn cầu. Nhã Nam, Omega+, NXB Trẻ… đều có những đầu sách “hot” thuộc dòng này trong vài năm qua. Ba cuốn sách “bom tấn” của sử gia trẻ người Israel Yuval Noah Harari: Sapiens, Homo Deus và 21 Lessons for the 21th Century đã nhanh chóng được mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt bởi Nhã Nam và Omega+; được độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt.
Cuốn sách về lịch sử bệnh ung thư từng được trao giải Pulitzer của tác giả Siddhartha Mukherjee có tựa The Emperor of All Maladies: A Biography of Cancer (tựa Việt: Hoàng đế của bách bệnh – Lịch sử ung thư) cùng cuốn The Gene: An Intimate History (Gen – Lịch sử và tương lai của nhân loại) cũng đã đến với độc giả Việt Nam khá nhanh sau khi có tên trong sách bán chạy tại Mỹ.
Đặc biệt, trong dòng sách này, phải kể đến cuốn Địa chính trị của loài muỗi – Khái lược về toàn cầu hóa của Erik Orsenna. Cuốn sách như một cuộc du hành trở ngược lại 250 triệu năm trước, soi rọi vi tế đến từng ấu trùng, từng cơ chế phát tán ký sinh trùng ở loài côn trùng nhỏ bé đã gây biết bao lần điêu đứng cho loài người. Tác phẩm dựng lại một lịch sử dịch tễ học trong tương quan địa chính trị bằng lối viết dí dỏm, cung cấp nhiều thông tin, phân tích sâu sắc, lý thú, cô đọng.
Cùng với các cuốn sách đình đám nói trên, chỉ trong thời gian ngắn, các tác phẩm tri thức vi lịch sử như Lịch sử chiến tranh (John Keegan), Lược sử tôn giáo (Richard Holloway), Toán học, một thiên tiểu thuyết (Mickaël Launay), Lịch sử thượng đế (Karen Armstrong), Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại (Jack Weatherford)… đã được dịch, tạo ra diện mạo một dòng sách phong phú trên thị trường sách Việt Nam. Một điều chắc chắn, trong kho bản quyền của các nhà xuất bản tại Việt Nam còn có nhiều “siêu phẩm” thuộc dòng sách này sẽ ra mắt với độc giả trong thời gian tới.
Thấu đáo, hấp dẫn và đồ sộ – những cuốn sách khảo cứu vi lịch sử đang được săn tìm và trở thành hiện tượng phát hành vài năm qua chính là lời đáp sống động trước những diễn ngôn bi quan về “văn hóa đọc”. Người đọc hiện đại đâu có lười chảy thây trước chữ nghĩa. Rõ ràng, họ sẵn lòng mất thời gian để lắng nghe một cách kể khác, giọng kể khác, hấp dẫn và độc đáo về một lịch sử mà mình đang dự phần; ngược lại, chẳng ai buồn đọc thứ lịch sử một chiều, nhàm chán, áp đặt, lạc hậu và lắm khi ngụy tín.