Thịt nhân tạo có thể sớm xuất hiện trên các kệ hàng trong siêu thị. Nhưng nó đặt ra nhiều vấn đề hơn là một giải pháp, đặc biệt là trong lãnh vực sức khỏe. Tại sao?
Thịt “nuôi trồng” trong phòng thí nghiệm, hay thịt trong ống nghiệm, còn được những người ủng hộ nó gọi là thịt sạch, là thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm bằng kỹ thuật sinh học.
Năm 2013, Mark Post, giáo sư tại Đại học Maastricht, đã trình bày chiếc bánh mì kẹp thịt đầu tiên được “nuôi trồng” trong phòng thí nghiệm. Kể từ đó, điều không tưởng tiêu thụ thịt mà không giết mổ động vật, xuất phát từ “công nghiệp tế bào”, đã thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của những nhà hoạt động vì quyền động vật, đặc biệt là trong ngành giết mổ công nghiệp.
Năm 2018, Chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý mở đường cho việc thương mại hóa các sản phẩm này. Nhiều công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, đã được thành lập vì mục đích này. Họ nhắm đến việc đưa ra thị trường, dự kiến từ năm 2020 hay năm 2022, thịt bò, gia cầm hay cá “nuôi trồng” trong phòng thí nghiệm với giá cả phải chăng.
Bây giờ nó đã thành hiện thực: vào ngày 2-12-2020, Cơ quan Y tế Singapore đã cho phép tiêu thụ thịt gà viên do công ty khởi nghiệp Eat Just ở California sản xuất trong phòng thí nghiệm. Vậy thịt nhân tạo là điều không tưởng hay là một cuộc cách mạng thực phẩm thật sự vào năm 2050?
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), sản xuất thịt thường chiếm một phần đáng kể trong phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, 18%, sử dụng 30% đất, tiêu hao 8% lượng nước và năng lượng. Ngoài ra, FAO ước tính rằng tiêu thụ thịt sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, trong khi sản lượng thịt tự nhiên đã gần đạt mức tối đa. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Đối với Mark Post, “nuôi bò để lấy thịt rất kém hiệu quả”. “Tỷ lệ chuyển đổi sinh học” được ước tính là 15%. Nói cách khác, để sản xuất ra 15 gram thịt phải tiêu hao 100 gram protein thực vật. Cách duy nhất để sản xuất thịt bền vững là tăng tỷ lệ này.
Để đạt được điều này, trước đây, các phương pháp tiếp cận khác nhau đã được xem xét, chẳng hạn như sản xuất thịt làm từ protein thực vật hay côn trùng. Tuy nhiên, những lựa chọn thay thế này dường như không hấp dẫn người tiêu dùng do khó bắt chước hương vị và kết cấu của thịt thông thường hay định kiến về văn hóa. Ngược lại, thịt trong ống nghiệm có thể giúp khắc phục được những vấn đề trên.
Thịt nhân tạo được “nuôi trồng” như thế nào?
Nói một cách cụ thể, tất cả đều được bắt đầu bằng sự cô lập, từ cơ của một con vật trưởng thành, của một số lượng nhỏ “tế bào vệ tinh cơ” (cellule satellite musculaire), mà chức năng của chúng là tham gia vào quá trình tái tạo cơ. Đây chưa phải là tế bào cơ mà là tế bào gốc có khả năng nhân lên và dưới tác động của các yếu tố nội tiết tố nhất định, sẽ tách biệt ra thành tế bào cơ.
Được nuôi trồng trong lò phản ứng sinh học (bioréacteur), trong những vỏ bọc vô trùng có chứa chất lỏng dinh dưỡng, các tế bào vệ tinh này được kích thích bởi các yếu tố tăng trưởng, tạo ra sự tăng sinh mạnh mẽ. Sau đó, chúng được biến đổi thành tế bào cơ, trước khi được lắp ráp cơ học thành mô cơ có thể ăn được. Đó là quá trình hình thành một miếng beefsteak nhân tạo.
Những triển vọng của thịt nhân tạo
Theo trang web của công ty Hà Lan Mosa Meat do Mark Post thành lập, sản xuất thịt nhân tạo chỉ có mang lại lợi ích. Nó giúp làm giảm đáng kể tác động đến môi trường của thịt tự nhiên từ động vật nuôi tự nhiên, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Ngoài ra, hương vị thịt nhân tạo được cho là gần với mùi vị của thịt tự nhiên.
Nuôi trồng tế bào được nhiều tác giả ca ngợi, chẳng hạn như Paul Shapiro, tác giả của quyển sách best-seller Clean Meat: How Growing Meat Without Animals Will Revolutionize Dinner And The World (Cách sản xuất thịt không có động vật sẽ cách mạng hóa bữa ăn tối và thế giới như thế nào) và là Giám đốc điều hành The Better Meat Co. Theo Paul Shapiro, thịt “nuôi trồng” sẽ rất cần thiết để nuôi dân số thế giới tròm trèm 9,5 tỷ người vào năm 2050, đồng thời vẫn tôn trọng quyền được sống của động vật cũng như bảo tồn môi trường.
Sau khi đánh giá lại, phí môi trường tăng cao hơn
Tuy nhiên, ngoài tác động được các công ty khởi nghiệp công bố, việc sản xuất thịt nuôi trồng quy mô lớn làm dấy lên một số lo ngại về tác động môi trường thật sự của nó.
Tất nhiên, sự so sánh khoa học đầu tiên được thực hiện vào năm 2011 giữa thịt tự nhiên và thịt nhân tạo gần như hoàn toàn nghiêng về thịt nhân tạo. So với thịt tự nhiên, thịt nhân tạo làm giảm khí nhà kính từ 78 đến 96%, tiêu hao năng lượng ít hơn từ 7 đến 45%, và tiết kiệm được từ 82 đến 96% lượng nước.
Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tác động môi trường của thịt nuôi trồng có thể lớn hơn về lâu dài so với thịt từ động vật nuôi tự nhiên. Không giống như các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu lần này không chỉ xem xét bản chất của các loại khí thải ra, mà còn xem xét cả chi phí năng lượng của hạ tầng cơ sở thiết yếu cần thiết cho việc nuôi trồng tế bào.
Động vật có hệ thống miễn dịch bảo vệ chúng chống lại nhiễm trùng, đặc biệt là vi khuẩn. Tuy nhiên, thịt nuôi trồng không có ưu điểm này, và đây là điều có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thật vậy, trong một môi trường giàu chất dinh dưỡng, vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn nhiều so với tế bào của động vật nuôi tự nhiên. Nếu chúng ta muốn có thịt bò không nhiễm khuẩn, điều cần thiết là việc nuôi trồng phải được thự hiện trong điều kiện vô trùng cao, để tránh bị lây nhiễm.
Trong ngành dược phẩm, việc nuôi trồng tế bào được thực hiện trong “phòng sạch”, được kiểm soát và khử trùng cao. Sự vô trùng thường được đảm bảo bằng cách sử dụng chất liệu nhựa chỉ sử dụng một lần. Điều này làm giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm, nhưng cũng làm ô nhiễm tăng lên nhiều lần bởi mức độ ô nhiễm nhựa trong các hệ sinh thái đã cao đến mức báo động. Chắc chắn, một phần của vật liệu bằng thép không gỉ được khử trùng bằng hơi nước và chất tẩy rửa. Nhưng hoạt động này cũng phải trả một cái giá nhất định cho tổn hại môi trường.
- Xem thêm: Kiêng… toàn tập!
Có rất ít nghiên cứu về tác động môi trường của ngành dược phẩm, nhưng những dữ liệu có sẵn cho thấy lượng khí thải carbon của ngành này cao hơn 55% so với ngành công nghiệp xe hơi.
Ngoài ra, vật nuôi còn cung cấp nhiều sản phẩm phụ khác ngoài thịt. Nó cũng tham gia vào việc tái chế một lượng lớn chất thải thực vật mà con người không thể tiêu thụ, và có thể dùng cho việc sản xuất phân bón. Đồng cỏ chăn thả cũng giúp hấp thụ carbon, sẽ được thay thế bằng gì? Vì vậy, chi phí môi trường trong dài hạn của quá trình chuyển đổi từ thịt tự nhiên sang thịt nhân tạo là cực kỳ phức tạp để đánh giá.
Hormon đồng hóa và chất gây rối loạn nội tiết: những rủi ro không nhỏ
Ở động vật, khối lượng cơ tăng chậm và các tế bào vệ tinh của cơ nhân lên cũng không nhiều. Để có được cái mà phòng thí nghiệm làm ra được trong vài tuần, trong khi một con vật phải mất nhiều năm, cần phải kích thích sự tăng sinh của các tế bào vệ tinh cơ bằng các yếu tố tăng trưởng, bao gồm cả các hormone sinh dục đồng hóa.
Những hormone này có trong động vật và con người cũng như trong thịt tự nhiên thông thường. Chúng kích thích sự tổng hợp protein trong tế bào dẫn đến tăng khối lượng cơ. Vì vậy, chúng có thể được ngành công nghiệp trình bày một cách chính đáng là “các yếu tố tăng trưởng tự nhiên”. Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá mức với những hormone này có những tác động có hại được chứng minh rõ ràng. Ở châu Âu, việc sử dụng hormone tăng trưởng trong nông nghiệp đã bị cấm từ năm 1981 bởi Chỉ thị 81/602. Lệnh cấm này được khẳng định vào năm 2003 bởi Chỉ thị 2003/74 và được Cơ quan An toàn Thực Phẩm châu Âu (European Food Security Authority – EFSA) hợp thức hóa vào năm 2007. Nồng độ cuối cùng của những hormone này trong thịt nuôi trồng trong phòng thí nghiệm sẽ là bao nhiêu?
Ngoài ra, ngày càng có nhiều nghiên cứu ghi nhận tính độc hại của sản phẩm nhựa thường được sử dụng. Các chất gây rối loạn nội tiết, các hợp chất có khả năng can thiệp và phá vỡ hệ thống nội tiết tố, có thể được chuyển qua bao bì nhựa vào thực phẩm. Không có gì ngạc nhiên khi hiện tượng tương tự đã được ghi nhận trong quá trình nuôi cấy tế bào được thực hiện trong hộp nhựa để thụ tinh trong ống nghiệm.
Trừ khi việc sử dụng nhựa bị cấm trong quá trình sản xuất thịt nhân tạo, vì thịt nhân tạo có thể bị ô nhiễm bởi những chất này ngay cả trước khi đóng gói.
Phải học cách sản xuất thực phẩm lành mạnh và bền vững
Ngày nay, thịt nhân tạo được trình bày như một sản phẩm công nghệ cao về mặt sinh thái và đạo đức, được các đầu bếp chế biến với và phô trương, ca ngợi là tuyệt vời. Nhưng nó chỉ là một giải pháp thay thế thịt tự nhiên truyền thống bằng cách chinh phục thị trường thế giới, hay nói cách khác là tự chuyển mình thành một sản phẩm cạnh tranh nhờ giá thành thấp. Yêu cầu về lợi nhuận này tất nhiên sẽ dẫn đến việc lựa chọn những kỹ thuật sản xuất ít tốn kém nhất. Liệu các tác động đến sức khỏe và môi trường có còn được tính đến trong quá trình thay đổi quy mô sản xuất này không?
Cuối cùng, cần nhớ rằng tiêu thụ nhiều thịt không chỉ có hại cho môi trường mà còn có hại cho sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đề phớt lờ hay không chấp nhận kết luận này.
Vì vậy, để hướng tới một chế độ ăn không chỉ bền vững mà còn lành mạnh, cần cải thiện thông tin và giáo dục để kích thích một cuộc tranh luận minh bạch về chủ đề quan trọng của việc tiêu thụ thịt.