Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động đàm phán một hiệp định thương mại tự do toàn diện (FTA) từ tháng 6-2012, dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 9-2014.
Vào tháng 1 vừa qua, vòng đàm phán thứ 6 đã được thực hiện. Ngay sau đó, đầu tháng 3, dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (Mutrap EU – Vietnam) đã đưa ra báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)” nhằm tham vấn cộng đồng doanh nghiệp cũng như các bên liên quan hỗ trợ xây dựng chiến lược đàm phán cho Việt Nam.
Thiếu cập nhật thông tin, đánh giá thiếu chuẩn xác
Các doanh nghiệp đều than phiền báo cáo Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của EVFTA cũng vướng vào tình trạng như một số báo cáo khác là số liệu, thông tin chỉ được cập nhật đến năm 2012, không được cập nhật đến năm 2013 khi công bố báo cáo, trong khi những vấn đề kinh tế, xã hội biến động liên tục, nên cách đây một hoặc hai năm thì thấy là khả quan, nhưng nếu thêm vào số liệu, thông tin năm gần nhất có khi sẽ nhìn thấy một thực trạng khác cần đánh giá chính xác.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng nhìn nhận đây là điểm yếu của Việt Nam khi các cơ quan thống kê chưa có khả năng tập hợp những số liệu thống kê sớm nhất mỗi năm.
Bởi vậy, những người thực hiện báo cáo dựa trên những số liệu thiếu cập nhật đó, rồi dự báo tác động trung hạn và dài hạn của EVFTA đến năm 2015, 2020, 2025, muốn giúp các nhà đàm phán Việt Nam lựa chọn chiến lược đàm phán (phòng thủ: mức tham vọng trung bình, hay tấn công: tham vọng cao), nhưng khi đưa ra các kết quả tăng trưởng, họ không luận giải vì sao có kết quả đó.
Chẳng hạn, ở tiêu chí tăng trưởng phúc lợi, tiêu chí tăng trưởng xuất khẩu đều không có sự khác nhau giữa phương án tham vọng trung bình và tham vọng cao, trong khi nếu chọn phương án tham vọng cao thì nghĩa vụ sẽ nặng nề hơn mà lợi ích tăng thêm hầu như không có.
Xuất khẩu của ViệtNamsang EU ước tính sẽ tăng thêm 75% đến 2020, cho dù ViệtNamvà EU có ký EVFTA hay không. Thương mại giữa ViệtNamvà EU về cơ bản sẽ tăng ngay cả khi chưa có hiệp định. Đó là do tốc độ tăng trưởng cao của ViệtNammà theo đó dự báo cứ 12 năm quy mô nền kinh tế lại tăng gấp đôi. Chỉ việc cắt giảm thuế quan đang được đàm phán đã làm tăng xuất khẩu của ViệtNamsang EU lên khoảng 30% đến 40%, cao hơn mức tăng trong nhập khẩu.
EVFTA và TPP: cần cân phân kỹ trong đàm phán
Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng báo cáo đánh giá khá toàn diện trên các lĩnh vực nhưng không đánh giá tác động về thể chế và môi trường kinh doanh mà EVFTA mang lại. Mặt khác, báo cáo cũng không phân tích đầy đủ ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên đang tham gia đàm phán, để nhìn thấy tác động tích hợp to lớn và nhiều mặt của EVFTA với TPP.
Việt Nam có khuynh hướng bám sát cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) và không đề cập các vấn đề khác liên quan đến thương mại, như TPP chẳng hạn. Ông Tuyển lưu ý, với EVFTA, những cam kết sẽ có mức sâu rộng hơn. Ví dụ: về thương mại hàng hóa, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu cao hơn WTO.
Về thuế xuất khẩu, EU yêu cầu ViệtNamkhông duy trì thuế xuất khẩu, yêu cầu loại bỏ việc cấm nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng và cho phép nhập khẩu hàng tân trang. Về hàng rào kỹ thuật (TBT) và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, EVFTA sẽ ở mức cao hơn WTO. Đáng quan tâm hơn là về sở hữu trí tuệ, EVFTA sẽ có những yêu cầu cao hơn về diện bảo hộ và thời gian bảo hộ, nhất là bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI).
Việt Nam sẽ phải xử lý xung đột về yêu cầu bảo hộ GI giữa EVFTA với hiệp định TPP và đây là nhiệm vụ khó khăn cho các nhà đàm phán. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản rất quan tâm đến bảo hộ GI, họ hy vọng trong đàm phán EVFTA cần đề cập đến việc xin chứng nhận GI cho nông sản.
Các doanh nghiệp trong nước sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cho rằng tham gia TPP, ngành này sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Còn hiệp định EVFTA tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp EU đầu tư vào lĩnh vực đồ gỗ. Họ có tiềm lực mạnh hơn sẽ lấn át doanh nghiệp trong nước.
Trong khi Việt Nam có lợi từ một hiệp định song phương với EU, Việt Nam có thể mất đi một số những lợi ích nếu EU ký hiệp định tương tự với Trung Quốc, nước xuất khẩu với số lượng lớn hàng dệt và may mặc. EU chắc chắn sẽ ký thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, do đó làm giảm ưu đãi cận biên do FTA mang lại. Về phần mình, Việt Nam sẽ sớm là thành viên của TPP. Điều này sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ cho hàng dệt may, quần áo và giày dép, nếu Việt Nam có thể đáp ứng các quy định hạn chế hơn hoặc yêu cầu xuất xứ.
Không thể chậm trễ cải cách thể chế
Hiệp định EVFTA và các hiệp định khác mà Việt Nam đang đàm phán chắc chắn sẽ tác động đến thể chế và môi trường kinh doanh của nước ta. Việt Nam sẽ phải sửa đổi và ban hành mới nhiều luật. Ông Tuyển khẳng định phải nâng cao tính minh bạch và ổn định của pháp luật để các chủ thể kinh doanh có thể dự báo được mà quyết định hướng đầu tư. Doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng cơ hội, tạo thế và lực mà EVFTA và các hiệp định khác mang lại khi có được môi trường đầu tư minh bạch.
Ông nhấn mạnh cần rút bài học sau năm năm gia nhập WTO, do chậm trễ trong cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp thời gian qua rất khó khăn. Mục tiêu dài hạn là cần thiết, nhưng theo ông Tuyển trước hết hãy tập trung vào những giải pháp trong hai năm 2014 và 2015, nâng chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam lên mức trung bình của ASEAN – 6.