Báo cáo đặc biệt của Ngân hàng Thế giới tuần qua về hậu quả của thiên tai do biến đổi khí hậu cho thấy tổn thất về tài chính và con người là lớn hơn rất nhiều so những gì mà nhân loại vẫn hình dung. Báo cáo này là một đóng góp quan trọng cho các cuộc thương lượng khó khăn tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP22 diễn ra từ ngày 7-11 đến 17-11 tại Marrakesh (Morocco, châu Phi), đặc biệt về lĩnh vực tài trợ cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới, các thiệt hại do thiên tai gây ra hiện nay trên toàn thế giới là 520 tỉ USD/năm, cao hơn 60% so với ước tính trước đó của Liên Hiệp Quốc (khoảng 300 tỉ). Tính toán của các tác giả báo cáo không chỉ dựa trên các tổn thất vật chất (như nhà cửa, đường sá…) mà cả các thiệt hại đối với đời sống dân cư (như chi phí cho sức khỏe, thực phẩm, giáo dục…).
Báo cáo cho thấy nhóm dân cư 20% người nghèo nhất chịu tổn thất 11% thiệt hại vật chất toàn cầu do thiên tai, nhưng chiếm đến 47% thiệt hại về đời sống. Nhiều cơn bão đã khiến nông dân nghèo phải bán hết tài sản, kể cả đất đai để trả nợ.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh là thiên tai đẩy thêm 26 triệu người vào tình trạng nghèo đói hằng năm. Đa số dân cư thuộc nhóm dễ tổn thương nhất không được sự hỗ trợ của người thân, chính quyền hay các tổ chức bảo hiểm.
Ngân hàng Thế giới khuyến cáo cần có các biện pháp hỗ trợ mới, đặc biệt về tài chính, để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất, bên cạnh các biện pháp cổ điển như: xây dựng công trình kiên cố hơn, gia cố đê điều, quy hoạch đô thị phù hợp…
Việc tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump, người có quan điểm không thừa nhận biến đổi khí hậu do con người, đã gây bàng hoàng trong giới bảo vệ môi trường. Mới đây, người phụ trách đàm phán khí hậu Hoa Kỳ Jonathan Pershing khẳng định, bất kể chính sách của ông Donald Trump như thế nào đi nữa thì trên thực tế, phong trào toàn cầu hạn chế biến đổi khí hậu đã có được một lực đẩy rất lớn, với thượng đỉnh Paris và các bên đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này.
Cho đến nay, đã có 109 quốc gia ký kết thỏa thuận Paris. Thỏa thuận có hiệu lực một phần quan trọng do đóng góp của hai nước phát thải nhiều nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo.
Theo các nhà khoa học, nỗ lực giảm khí thải cho đến nay là chưa đủ. Cơ quan Khí tượng Thế giới OMM cảnh báo nhiệt độ trái đất đang phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Năm 2016 có thể sẽ là năm nóng nhất từ thời tiền công nghiệp đến nay. Cứ với đà hiện nay, nhiệt độ toàn cầu vào 2030 sẽ vượt mức 2°C và sẽ còn tăng rất nhanh sau đó.
Với mức độ trái đất nóng nhanh như hiện nay, dân cư nhiều vùng trên thế giới sẽ rất khó thích nghi với các hệ quả của biến đổi khí hậu.
N.N (DNSGCT)