Hành trình kiếm tìm sự giàu có cũng như hành trình cuộc đời, không thể có một công thức thành công chung có thể áp dụng cho tất cả. Mỗi người thành công sẽ có câu chuyện riêng và đưa ra những lời khuyên khác nhau. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của hành trình, để mọi việc dễ dàng và thuận lợi hơn, bạn có thể chọn cách học tập và làm theo lời khuyên của một nhân vật thành công nào đó, người sẽ truyền động lực cũng như cảm hứng cho bạn. Dưới đây là năm lời khuyên về tài chính mà bạn có thể học hỏi từ những người thành công – chuyên gia đầu tư, doanh nhân, nhà nghiên cứu… được tổng hợp từ trang Business Insider.
1. Tập trung vào kỹ năng và thu nhập của bạn trong tương lai
Theo Tim Ferriss, chuyên gia đầu tư người Mỹ, tác giả quyển The 4 Hour Work Week (tạm dịch: Làm việc 4 giờ một tuần), một quyển sách best seller của tờThe New York Times, bạn nên ưu tiên tối đa hóa năng lực của mình trước khi tập trung tối đa hóa nguồn thu nhập. Hãy chú trọng mài sắc chiếc rìu, vì rìu càng sắc, bạn sẽ chặt được càng nhiều cây. “Hãy ưu tiên đầu tư cho việc học, phát triển kỹ năng cho mình trước. Bạn muốn mức lương 20.000 USD/năm ở độ tuổi 22 khi vừa ra trường, hay mức lương 200.000 USD/năm ở độ tuổi 30? Bạn sẽ không thể nào có thời gian rèn luyện kỹ năng nếu vừa ra trường đã nhảy vào một “việc nặng lương cao”. Hãy phân bổ thời gian làm việc và học tập một cách hợp lý, cũng như luôn nhớ đầu tư cho chính mình trước tiên. Vì nếu không làm việc đó, khi đến 30 tuổi, nhiều khả năng là tiền trong tài khoản của bạn sẽ vơi dần. Bởi cứ mỗi năm trôi qua, bạn lại có thêm những khoản chi phí mới, trong khi thu nhập lại chẳng tăng được là bao”.
2. Đầu tư càng sớm càng có lợi
Kevin Cleary, Giám đốc điều hành Công ty Clif Bar & Company, cho rằng bạn đầu tư càng sớm thì càng có lợi. “Khi tôi 20 tuổi, tôi chẳng hiểu gì về sức mạnh của việc đầu tư. Tôi cứ nghĩ mình cần nhiều tiền hơn, cần nhiều vốn hơn cho công việc đó. Nhưng sự thật là tôi đã nhầm, bởi tuổi trẻ có thứ quý giá nhất, quan trọng nhất, vô giá đối với đầu tư, đó là… thời gian. Thời gian giúp bạn học hỏi, quan trọng hơn, cho bạn cơ hội để làm lại mọi thứ, dù trước đó bạn thất bại, trắng tay, ngập trong nợ nần. Đến bây giờ, khi nghĩ lại, tôi vẫn ao ước rằng ai đó có thể nói với tôi rằng tôi nên đầu tư ngay khi bắt đầu học cách kiếm tiền”.
3. Biến việc giúp đỡ người khác thành một thói quen
Tony Robbins, diễn giả nổi tiếng, tác giả của nhiều quyển sách best seller nhưMoney Master The Game, Awaken The Giant Within, Notes From A Friend… lại có quan niệm tài chính khá khác lạ. Theo ông, chúng ta có thể làm giàu bằng nhiều cách, nhưng nếu muốn giữ được sự thịnh vượng này lâu dài, chúng ta phải học cách giúp đỡ mọi người. “Bạn chỉ thành công khi xung quanh bạn quy tụ những con người thành công. Vì vậy, đừng ngại chia sẻ bí quyết thành công của mình với mọi người. Bạn sẽ đạt đến những mức độ cao hơn khi chia sẻ. Không những giúp bạn nhận về những điều tốt đẹp, sự chia sẻ còn góp phần thôi thúc bạn, khiến bạn không ngừng hoàn thiện mình để phát triển hơn nữa trong tương lai”.
4. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn
Thomas C. Corley, người từng có nhiều năm nghiên cứu thói quen, hành vi và sở thích của người giàu, thì cho rằng: “Thành công luôn đòi hỏi sự rủi ro. Bạn phải mạo hiểm, chấp nhận bỏ ra thời gian và tiền bạc để bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với những thử thách lớn hơn. Tôi không nói về cờ bạc, mà nói về một loại rủi ro bạn có thể kiểm soát và tính toán. Đó là loại rủi ro xuất hiện khi bạn chuyển hóa những kinh nghiệm và kiến thức sách vở của mình thành hành động cụ thể. Nó trái ngược với kiểu rủi ro lao vào thử thách một cách mù quáng trong khi bản thân thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn”.
5. Có mục tiêu cuộc đời rõ ràng trước khi đặt mục tiêu tài chính cho mình
Đó là kết luận của Jason Vitug, người đã thực hiện 8.000 cuộc nói chuyện về vấn đề tiền bạc với những người có hoàn cảnh tài chính khác nhau. “Mục tiêu cuộc đời là cách bạn sống, trong khi mục tiêu tài chính chỉ là những con số và ký hiệu tiền tệ trên giấy. Mục tiêu trong cuộc sống của bạn là lý do cao nhất, quyết định mọi mục tiêu khác trong đời bạn. Khi có mục tiêu cuộc sống, bạn sẽ dễ dàng xác định được mục tiêu tài chính hay những quyết định tài chính như nên sở hữu một ngôi nhà, mua một chiếc xe hơi sang trọng, đi du lịch vòng quanh thế giới… hay không. Không có một mục tiêu cuộc sống rõ ràng, bạn sẽ thấy việc thiết lập các mục tiêu tài chính, liệt kê danh mục đầu tư, theo dõi các khoản chi tiêu…, cả việc cố gắng hiện thực chúng nữa, sẽ chẳng có gì thú vị, giống như bạn đang sống giùm cuộc đời của ai khác. Chỉ khi học cách chú tâm đến cuộc sống mà bạn muốn sống, bạn mới học được cách tạo ra các mục tiêu tài chính mà mình muốn hoàn thành”.
Tuấn Thành (DNSGCT)