Ngay lúc này, trên khắp thế giới cũng có thể đang có dăm bảy vụ cháy rừng. Cư dân nhốn nháo bất an. Cơ quan cứu hỏa tất tả ngược xuôi muốn ná thở. Bạn có tò mò sinh vật hoang dã đang làm gì không? So với nỗi lo lắng của con người, thiên nhiên có vẻ khá thản nhiên. Loài có cánh sẽ bay. Loài có chân sẽ chạy. Loài lưỡng cư trốn xuống nước, côn trùng rúc vào lòng đất sâu. Một số loài còn tận dụng cơ hội kiếm mồi hoặc phát tán.
Cháy rừng chỉ là một phần của tự nhiên
Chỉ tính trong tháng 7-2018, mùa hè đã gieo hạt lửa, gây cháy rừng dữ dội tại Hy Lạp, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ… Hàng triệu mẫu đất ngập trong tro và khói. Không ít nhà cửa của con người gần bìa rừng cũng bị lửa đốt trụi. Tuy nhiên, “sinh vật hoang dã đã quen với cháy rừng”, nhà sinh thái học Mazeika Sullivan của Mỹ nói. “Cháy rừng chỉ đơn giản là một phần của tự nhiên mà thôi”. Hầu hết các loài động vật đều được trang bị kỹ năng để đối phó với lửa. Chim chóc sẽ bay. Động vật có vú thì chạy. Các loài lưỡng cư nhanh chóng ngụp xuống nước. Côn trùng chui vào hốc cây hoặc trốn dưới tảng đá… Kể cả những con vật kích thước đồ sộ như nai sừng tấm (có thể nặng xấp xỉ 7 tạ) cũng chỉ cần đến các sông, hồ là tránh được hỏa hoạn. Năm 2014, trong lúc dập lửa cháy rừng, lính cứu hỏa người Úc tên Gabriel d’Eustachio còn thấy cả đoàn động vật không xương sống nhỏ đang ào ạt lao ra từ đám khói, chỉ bay và chạy trước ngọn lửa có một quãng ngắn.
Cháy rừng cũng là cơ hội lâu lắm mới đến một lần với một số động vật săn mồi như gấu, gấu mèo, chim săn mồi. Khi con mồi hoảng loạn bởi đám cháy, khả năng cảnh giác của chúng cũng giảm sút. Ngay cả hướng chạy trốn của chúng cũng rõ như ban ngày. Các loài thú ăn thịt này chỉ việc đón lõng và thộp cổ.
Cái lợi của cháy rừng
Tất nhiên, cháy rừng cũng đột ngột thay đổi cảnh quan tự nhiên. Cả khu rừng dày rậm trở nên trống hoác. Song, theo các nhà khoa học, dù cháy rừng có gây tổn thất cỡ nào, nó chưa bao giờ xóa sạch một quần thể hoặc một loài. Động vật vừa và nhỏ có nguy cơ bị chết cháy cao nhất. Chúng có thể mất mạng vì chạy quá chậm hoặc không kịp kiếm được chỗ trốn an toàn. Vài loài cũng có tập tính leo lên cao thay vì chạy xa, ví dụ như gấu túi (koala) của Úc.
Sức nóng từ vụ cháy cũng có khả năng hâm nóng đất và đá, đốt cháy thân cây mục, giết chết các sinh vật ẩn nấp bên dưới, ví dụ như nấm, côn trùng. Theo Sở Lâm nghiệp Mỹ ở Corvallis, nhiệt độ của các khúc gỗ bị cháy có thể lên đến 700 độ C. Mặt đất bên dưới khúc gỗ cháy này, ngay cả ở độ sâu 5cm, cũng có thể lên đến 100 độ C.
Tuy nhiên, khi đám cháy kết thúc và mưa dội xuống, cỏ sẽ tái sinh. Theo sau cỏ là hàng loạt các sinh vật khác, cuối cùng hình thành hệ sinh thái mới đa dạng hơn. Với thiên nhiên hoang dã mà nói, cháy rừng đơn giản là một kiểu “tái khởi động”. Trong hệ sinh thái cũ của nó, rất có thể một số loài đã vượt trội, gây mất cân bằng tự nhiên và cháy rừng là cần thiết để thiết lập trật tự, cân bằng mới.
Sau cháy rừng, diện mạo thiên nhiên hoang dã thay đổi triệt để. Thực vật tái phân chia, định hình, có thể khác chút ít hoặc rất nhiều so với rừng cũ, tiếp đến là vi khuẩn, nấm và các sinh vật phân hủy đất. Khi cây cối xanh tốt, hệ động vật sẽ kéo nhau về.
Các sông, suối, ao, hồ, vũng cũng có thể có những thay đổi về lưu lượng, độ đục, thành phần, dẫn đến sự thay đổi của sinh vật thủy sinh, từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến động vật trên cạn.
Để mặc cháy rừng, nên hay không nên?
Trong khi nhân loại nỗ lực hạn chế cháy rừng, thiên nhiên hoang dã thật sự cần lửa cháy để tái sinh. Nhiều loại nấm, trong đó có nấm morel, cần lửa để phát tán bào tử. Không ít hạt cây cũng chỉ có thể nảy mầm sau khi bị lửa đốt cháy lớp vỏ cứng chắc bên ngoài.
Khi cháy rừng xảy ra ở Australia, các bộ tộc bản địa đã thấy diều hâu đen, diều hâu trắng và cắt nâu tha cành cây đang cháy dở sang khu vực khác, mở rộng đám cháy. Họ gọi chúng là “chim lửa”. Người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến các loài chim này hành động như vậy song, giả thuyết hợp lý nhất là chúng cố ý gây cháy nhằm xua các động vật nhỏ ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề kiếm ăn. Mọi vụ cháy rừng tại Úc đều là bữa tiệc ê hề với “chim lửa”.
Khác với hoang dã, con người không vô sự trước cháy rừng. Sức nóng từ đám cháy có thể hình thành mây đống, gây nên sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, tạo ra những cơn gió bất thường. Không có sự kết hợp nào đáng sợ hơn sự kết hợp giữa cháy rừng và hướng gió ngoài dự đoán.
Ở mức độ nghiêm trọng, cháy rừng còn tác động đến biến đổi khí hậu. Nó làm băng tuyết trên đỉnh núi tan, gây mất độ ẩm của rừng, khiến cháy rừng tiếp tục mở rộng, cuối cùng dẫn đến nóng lên toàn cầu. Và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo thì tất cả chúng ta đều đã biết.