Trong vòng vài ba năm trở lại đây, với sự tiến bộ của công nghệ và yêu cầu của cuộc sống hiện đại, chi phí sản xuất các thiết bị điện tử thông minh đã giảm xuống, cho phép công nghệ nhà thông minh được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Đến nay, nhà thông minh không chỉ là một kiến trúc đơn thuần mà còn được kỳ vọng là một cỗ máy được lập trình hoàn hảo, để mang đến những tiện ích vượt trội cho con người.
Nên phân biệt rõ nhà tự động và nhà thông minh
Hiện tại, có ba loại cơ chế thông minh hoạt động như sau:
Cơ chế nhận dạng: cho phép ghi nhớ những đặc điểm được cài đặt sẵn trong bộ nhớ; trong trường hợp việc nhận dạng xảy ra không trùng khớp, hệ thống sẽ từ chối phục vụ hoặc báo động. Ví dụ: cổng, cửa gara chỉ mở với những xe có biển số đã đăng ký với hệ thống.
Cơ chế lập trình sẵn: một số hệ thống thiết bị được thiết kế hoạt động theo lịch trình nhất định. Ví dụ: bắt đầu từ 7 giờ tối đèn vườn, đèn bảo vệ tự động bật lên và tắt lúc 5 giờ sáng; 10 giờ đêm các hệ thống cửa tự động an toàn sẽ đóng lại.
Cơ chế cảm ứng: là một cơ chế linh hoạt, hoạt động trên sự biến đổi trạng thái mà hệ thống cảm ứng ghi nhận để tự điều khiển phù hợp. Ví dụ: hệ thống báo động sẽ thông báo khi cửa có những chấn động cơ học hơn mức bình thường (do phá hoại, đột nhập), mái kính sẽ tự động đóng lại khi có mưa…
Dù thiết bị hoạt động theo cơ chế nào thì nhà thông minh vẫn can thiệp được bằng bộ điều khiển từ người sử dụng. Giám đốc một công ty công nghệ cho rằng, nếu như trước đây, khách hàng của nhà thông minh hầu hết là những người sở hữu bất động sản cao cấp, có giá trị thì nay nhà thông minh đã phổ biến dần sang các phân khúc tầm trung như nhà phố, chung cư… Tuy nhiên, việc phát triển như vậy cũng kéo theo một thực tế là khái niệm nhà thông minh đang bị hiểu lầm. Nhiều người hiện chưa phân biệt được sự khác nhau giữa nhà thông minh và nhà tự động.
Theo ý kiến người trong ngành, nhà tự động đơn thuần chỉ là các thiết bị hoạt động theo các kịch bản và lịch trình đã được cài đặt sẵn. Các hoạt động này không thể tùy biến theo các ngữ cảnh thực tế. Chẳng hạn khi chủ nhà cài đặt bật/tắt tự động cho một thiết bị điện theo đúng quy trình hoặc thời gian nhất định thì thiết bị này không thể tự tùy biến, điều chỉnh thêm gì cả.
Còn với một hệ thống được gọi là nhà thông minh, người dùng sẽ có nhiều kịch bản khác nhau để lựa chọn. Hệ thống sẽ đưa ra các kịch bản theo ngữ cảnh thông minh dựa trên thói quen của người dùng, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn được kịch bản theo ý muốn. Hệ thống còn có thể hiểu được chủ nhân và học theo thói quen sử dụng, tự học lại các thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh của người dùng và cập nhật các kịch bản cho phù hợp.
Thực tế trên thị trường hiện nay cho thấy, không phải nhà thông minh nào cũng tích hợp được toàn bộ thiết bị điện trong nhà như: hệ thống báo cháy, hệ thống điều hòa, hệ thống camera, âm thanh… Phần lớn các công ty triển khai các hệ thống này độc lập, dẫn tới bất tiện cho người dùng trong quá trình sử dụng. Ví dụ hệ thống camera, an ninh không tích hợp với nhà thông minh, khi có xâm nhập bất hợp pháp ở một khu vực nào đó trong nhà thì người dùng cần đến rất nhiều thao tác, sử dụng nhiều phần mềm mới có thể xem được hình ảnh khu vực đó. Còn khi tích hợp vào hệ thống nhà thông minh thì ngay lập tức hình ảnh về khu vực mất an ninh sẽ tự hiển thị lên màn hình điện thoại/máy tính mà không cần bất kỳ thao tác nào.
- Xem thêm: Xu hướng nhà ở thông minh đang lan rộng
Cơ hội cho các công ty công nghệ
Tại Việt Nam, tính đến tháng 4-2018, thị trường nhà thông minh đã đạt doanh thu khoảng 45 triệu USD (theo thống kê của Statista). Các chuyên gia dự đoán con số này có thể đạt mức 319 triệu USD từ nay đến năm 2022 với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 67%. Statista đánh giá thị trường nhà thông minh Việt Nam có tiềm năng rất lớn và quy mô lớn hơn cả Thái Lan.
Dù thị trường hấp dẫn là vậy nhưng hầu hết các thương hiệu nhà thông minh phổ biến tại Việt Nam như SmartZ, Broadlink… đều chỉ thực hiện khâu phân phối chứ không tham gia vào quá trình sản xuất. Hiện tại, thị trường trong nước chỉ có Lumi Việt Nam và Bkav là tự lực trong khâu thiết kế thành phẩm và chỉ nhập linh kiện từ châu Âu, Mỹ hoặc Nhật Bản, nhờ đó mà các doanh nghiệp này vẫn đang dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Chi phí triển khai nhà ở thông minh hiện nay khoảng bằng 5% với chi phí xây nhà. Tuy nhiên điều khiến nhiều người mua nhà ngại trang bị là hầu hết các đồ gia dụng và thiết bị của nhà ở thông minh thường hoạt động rời rạc. Các sản phẩm thuộc những thương hiệu khác nhau lại yêu cầu những cấu hình riêng biệt. Đã có những thiết bị trung tâm có thể tập hợp những giải pháp này với nhau, nhưng ngay cả những sản phẩm tốt nhất trên thị trường vẫn bị cản trở bởi các vấn đề như giao diện khó hiểu hay quy trình thiết lập phức tạp. Do đó, vẫn còn cơ hội cho các doanh nghiệp có thể cung cấp một giải pháp tổng thể, qua đó giúp khách hàng tích hợp những thiết bị này lại với nhau và thiết kế một căn nhà thông minh theo đúng nghĩa.
Sau nhà ở thông minh mang lại tiện ích cho từng hộ gia đình, các ứng dụng quản lý và vận hành tòa nhà thông minh mang lại tiện ích cho từng cộng đồng dân cư cũng sẽ bắt đầu trở nên phổ biến ở châu Á và Việt Nam. Trên thế giới, các chuyên gia đều cho rằng động lực thúc đẩy thị trường nhà cao tầng thông minh chính là sự tăng giá năng lượng và các đổi mới trong hành lang pháp lý, thông qua đó nhà nước sẽ ưu tiên cho các chủ công trình ứng dụng các công nghệ xanh, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Ở nhiều nước châu Âu, các đơn vị xây dựng có áp dụng công nghệ xanh trong việc xây dựng và khai thác vận hành sẽ được hưởng chính sách ưu đãi thuế, được nhận các gói hỗ trợ để tối thiểu hóa chi phí cung cấp thiết bị và các nguồn tài nguyên. Chẳng hạn tại Ý, giá điện đối với các tòa nhà được chứng nhận đạt hạng A về nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ được giảm một nửa.