Nhật báo Les Echos của Pháp số ra ngày 23-5 đã đăng bài viết của tác giả Jean-Marc Vittor cho rằng nước Mỹ đang xa rời thế giới. Tác giả nhận định đã đến lúc thế giới phải hành động phù hợp trước khi những hạt giống bất hòa do Tổng thống Donald Trump gieo kịp nảy mầm và phát triển. Bài báo đặt ra một câu hỏi hóc búa phải chăng có một trật tự thế giới mới đang nổi lên mà không có Mỹ?
Tổng thống Mỹ Trump đang xóa bỏ trật tự quốc tế được xây dựng bởi những người tiền nhiệm của ông kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Jean-Marc Vittor mô tả Tổng thống Trump tiến hành các cuộc đàm phán trên trường quốc tế như khi ông thực hiện việc mặc cả với các nhà thầu xây dựng và cộng đồng địa phương với tư cách là một doanh nhân.
Sau khi tăng vốn tài chính của mình, ông hiện đang củng cố vốn chính trị. Không nhượng bộ đối với các quốc gia khác, những nơi mà Donald Trump không có cử tri của ông.
Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, điều này không làm hiệp định nói trên biến mất. Mười một quốc gia còn lại tiếp tục đàm phán như thể không có gì xảy ra. Tổng thống Trump đã phải tuyên bố hồi tháng 12-2017 tại Davos và sau đó hồi tháng 4-2018 rằng Mỹ cuối cùng có thể tham gia trở lại TPP.
Cùng với việc tấn công vào cơ chế thương mại TPP, Donald Trump mơ ước phá vỡ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chuyển sang các thỏa thuận song phương. Tổng thống Trump ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào tòa án giải quyết tranh chấp của WTO (Cơ quan giải quyết tranh chấp). Pascal Lamy, cựu Tổng giám đốc WTO trong gần một thập niên khẳng định: “Chúng ta sẽ phải quen với một WTO biến dạng”.
Ý tưởng đó có vẻ xa vời vì Mỹ đã đóng một vai trò hàng đầu trong lịch sử của WTO. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên WTO đang suy ngẫm về những phương cách để vượt qua sự “tắc nghẽn” từ Mỹ. Ví dụ, khi Ronald Reagan làm tổng thống Mỹ, ông đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO) của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng tổ chức này vẫn tồn tại và phát triển đến mức sau đó Mỹ lại gia nhập UNESCO hồi năm 2003. Cuối năm 2017, dưới thời Donald Trump, một lần nữa Mỹ lại rút khỏi UNESCO.
Các tổ chức quốc tế khác được hình thành tại Bretton Woods hồi năm 1944 dưới sự bảo trợ của Mỹ cũng có thể bị phá hủy. Đầu tiên có thể là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên nhiều quốc gia đã học được từ cuộc khủng hoảng châu Á những năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực sử dụng đồng euro giai đoạn 2011-2012. Các quốc gia đang cố gắng hạn chế thâm hụt tài khoản vãng lai của họ, trong đó quản lý khủng hoảng là lý do tồn tại thực sự của IMF. Châu Âu cũng đang định hình một quỹ tiền tệ riêng của châu Âu với Cơ chế ổn định châu Âu, dù vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tiến đến là Ngân hàng Thế giới (WB), tài trợ cho sự phát triển của các nước nghèo, có thể bị đe dọa. Trong trường hợp này, sáng kiến lại đến từ Trung Quốc, với sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hồi năm 2014 sẽ có vai trò thay thế. Đã có 57 quốc gia tham gia AIIB, trong đó 1/3 là các nước châu Âu. Trung Quốc không có quyền phủ quyết trong AIIB giống như Mỹ đối với WB.
Tổng thống Trump cũng đã rút Mỹ ra khỏi một lĩnh vực quốc tế khác. Cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên trên toàn cầu. Nhưng điều này đã không ngăn cản các quốc gia khác tiếp tục thực hiện Hiệp định Paris. Thách thức đã tăng lên ngay cả ở Mỹ. Các thành phố như New York, các công ty lớn như Google và Facebook, các bang như California đã bác bỏ quyết định của tổng thống Mỹ bằng cách tuyên bố mạnh mẽ và rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Phải chăng để tồn tại mà không có Mỹ, thế giới sẽ phải hành động chống lại chính sách của Tổng thống Donald Trump và liệu bão tố có thể xảy ra trong tương lai hay không? Bài báo trên Les Echos kết luận.