Năm 2015 là quãng thời gian đặc biệt của ngành hàng không dân dụng thế giới khi thị trường chứng kiến nhiều thay đổi tích cực do tác động của giá nhiên liệu giảm mạnh, sự tăng giá của đồng USD và sức vươn lên mạnh mẽ chưa từng có của hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phấn khởi trước những con số thống kê ấn tượng đã đạt được trong năm cũ, niềm lạc quan đã cho phép các chuyên gia trong ngành đưa ra những dự đoán khá tích cực dành cho năm 2016 và thị trường hàng không Việt Nam cũng có những tiền đề tốt đẹp, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2016.
Hàng không thế giới: Một năm bội thu lợi nhuận
Lợi nhuận thực của ngành hàng không thế giới trong năm 2015 là 33 tỉ USD với sự dẫn đầu của khu vực Bắc Mỹ với khoảng 19,4 tỉ USD. Đây cũng là khu vực đạt lợi nhuận tính trên mỗi hành khách cao nhất với mức trung bình là 22,48 USD/khách. Kết quả đó có được từ sự vững lên của nền kinh tế Mỹ, sự tăng giá của đồng USD, sự sụt giảm giá nhiên liệu mạnh mẽ và chính ở sự tái cấu trúc của ngành công nghiệp này.
Tương tự, ngành hàng không của châu Âu cũng có một năm khá trọn vẹn khi ước đạt mức lợi nhuận 6,9 tỉ USD. Ngoài yếu tố giá nhiên liệu giảm thì sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của nền kinh tế khu vực cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đường bay xuyên Bắc Đại Tây Dương đã góp phần đặt kỳ vọng nâng lợi nhuận của năm 2016 lên 8,5%.
Đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự giảm giá nhiên liệu cũng được xem như một sự cởi bỏ bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và lợi nhuận ước đạt 6 tỉ USD trong năm 2015 cho phép người ta kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng nó lên đến 8,4 tỉ USD trong năm 2016.
Cùng với lợi nhuận đạt được là sự phát triển vượt bậc về đầu tư và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không toàn cầu. Trong năm qua, tổng lượng máy bay được khai thác trên toàn thế giới đã chạm mốc 26.842 chiếc, tăng 3,8% so với năm 2014.
Đã có 3,7 triệu ghế được khai thác đạt cùng 34,4 triệu lượt máy bay cất cánh trong năm 2015, vận chuyển 3.545 triệu lượt khách, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng không châu Âu dẫn đầu với tỷ lệ đạt 67% ASK (đơn vị cung ứng ghế-km), đi sau là hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức độ thua kém hoàn toàn không đáng kể. Tính trung bình, mỗi phút trong năm 2015 có 65 máy bay cất cánh từ khắp các sân bay trên toàn cầu.
Trong năm 2016, sự sụt giảm thêm về giá nhiên liệu sẽ dẫn đến khuynh hướng loại bỏ những dòng máy bay cũ trong đội bay của các hãng hàng không. Dự đoán sẽ có thêm hơn 900 máy bay mới gia nhập vào đội ngũ bay toàn cầu, nâng tổng số chim sắt thường xuyên hoạt động lên 28.000 chiếc.
Các dòng máy bay tầm trung sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại và với khuynh hướng khai thác ghế hiệu quả hơn nhằm tăng thêm lợi nhuận, đồng thời giảm tác động đến môi trường thì số lượng ghế sẽước có khoảng 4 triệu ghế được khai thác. Sự tăng trưởng của thị trường cũng kéo theo lượng lao động trong ngành tăng lên đáng kể: có 2,48 triệu lao động làm việc trong ngành hàng không trong năm 2015 và trong năm 2016 con số này hoàn toàn có khả năng tăng đến 2,55 triệu.
Đối với ngành sản xuất máy bay, 2015 là năm đánh dấu cột mốc vị thế vượt trội của hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus so với đối thủ xứng tầm Boeing của Mỹ khi nhận được đặt hàng tổng cộng 1.036 máy bay (Boeing chỉ được 768 chiếc). Dòng máy bay một lối đi tầm trung vẫn bán chạy nhất của cả hai “ông lớn” này: Airbus bán được 897 chiếc, Boeing cũng tiêu thụ được 762 chiếc.
Cho dù sự ra mắt của chiếc Boeing 787 Dreamliner nhận được nhiều sự quan tâm của các hãng hàng không nhưng 2015 vẫn bị xem là năm thất bại đối với Boeing trên phân khúc máy bay thân rộng dành cho đường dài, còn Airbus vẫn tỏ ra khá ổn định với 139 chiếc được đặt hàng, trong đó có hai chiếc khổng lồ A380 cùng với 27 chiếc đã được bàn giao trong năm. Trong suốt năm 2015, Airbus đã giao cho khách hàng 6.787 chiếc máy bay với tổng giá trị lến đến hơn 996 tỉ USD.
Hàng không Việt Nam: Phấn khởi hòa nhập bầu trời khu vực ASEAN
Lộ trình mở cửa bầu trời theo Hiệp định AFTA đã chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015. Để chuẩn bị thích ứng với hoàn cảnh hội nhập mới, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 đã giúp ngành hàng không Việt Nam chủ động và linh hoạt hơn theo hướng cho phép các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải hàng không, đồng thời khuyến khích và bảo đảm quyền cho các hãng hàng không nước ngoài khai thác các đường bay đi và đến Việt Nam.
Năm 2015, với chín cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa, qua 440 ngàn lần máy bay cất cánh và hạ cánh, toàn ngành đã chuyên chở 62,2 triệu lượt khách, tải trọng hàng hóa đạt 940 ngàn tấn. Sự kiện Vietnam Airlines (VNA) chính thức lên sàn chứng khoán trong năm 2015 đã làm cho sự cạnh tranh trên thị trường giữa các hãng hàng không trong nước trở nên quyết liệt hơn khi không còn ưu thế doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước.
Tính đến hết năm 2015, trên 48 đường bay nội địa đang được khai thác, VNA vẫn dẫn đầu với thị phần 47,1%, theo sát phía sau (và có khuynh hướng lấn át trong tương lai) là VietJet Air (hãng hàng không tư nhân) với 36,3% thị phần. Hai hãng có quy mô nhỏ hơn là Jetstar Pacific chiếm 14,9%, VASCO chiếm 1,7%. Trên đường bay quốc tế, trong số 95 đường bay đang được khai thác, cùng với sự hiện diện của 52 hãng hàng không nước ngoài, các hãng hàng không Việt Nam tham gia cạnh tranh trên 70 đường bay với thị phần vận chuyển khách đạt 47,9% và thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 11,6%.
Năm 2015 cũng đánh dấu nhiều thành công của ngành hàng không Việt Nam khi được đánh giá là thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á, đồng thời có sự tăng trưởng tuyệt vời ở phân khúc hàng không giá rẻ (LCC). Bên cạnh đó, tuyến đường bay TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội trở thành một trong mười đường bay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Góp phần vào thành công đó phải ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vietjet Air với nhiều động thái chuẩn bị bùng nổ táo bạo và chiến lược đầu tư nâng đẳng cấp của VNA với sự thay đổi toàn diện về hình ảnh và sự hiện diện của dòng máy bay cao cấp nhất hiện nay như A350-900 và B 787-9 Dreamliner.
Với hơn 17 triệu lượt khách bay trong năm 2015, thêm sự thành công của các hoạt động IPO, gần đây lại có ANA (hãng hàng không hàng đầu thế giới) đăng ký là cổ đông chiến lược, VNA đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ấn tượng hơn trong năm 2016. Jetstar Pacific (hiện đang là công ty con của VNA) cũng tạo được dấu ấn trong năm 2015 khi lần đầu tiên sau sáu năm chuyển đổi đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 35% (2,9 triệu lượt khách) và có kế hoạch nâng đội bay lên con số 30 chiếc vào năm 2020.
Sự ra đời của các chuyến bay codeshare với VNA vào tháng 5-2015 cho thấy cả hai hãng hàng không này đang cố gắng kết hợp để tăng sức cạnh tranh với sức vươn mạnh mẽ của Vietjet Air tại thị trường nội địa. Với Vietjet Air, sau khi trở thành hãng hàng không LCC lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và đạt kỷ lục phục vụ 10 triệu lượt khách, việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ hơn để cán mốc 15 triệu lượt khách trong năm 2016 không phải là chuyện khó.
Từ kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015, dự đoán thị trường hàng không thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt 6,9% trong năm 2016 khi hội tụ được khá nhiều yếu tố tích cực. Đối với ngành hàng không Việt Nam, 2016 sẽ là năm đầy triển vọng khi chính thức hòa vào bầu trời hội nhập hàng không khu vực ASEAN với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những rủi ro.