Jakarta, 10/4/2025 – Một nghiên cứu hợp tác giữa Canada và ASEAN cho thấy Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội vàng để dẫn đầu thế giới trong sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), nhờ nguồn nguyên liệu thô phong phú và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Dự án “Thúc đẩy sản xuất SAF từ phụ phẩm nông nghiệp tại ASEAN” do Ban Thư ký ASEAN, Boeing, GHD và CTIF (Canada) phối hợp thực hiện, đã đánh giá khả năng phát triển SAF tại bảy quốc gia: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo cho thấy Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan có thể trở thành các nước xuất khẩu SAF chủ lực trước năm 2040, nhờ vào hệ thống cung ứng hiệu quả và nguồn nguyên liệu sẵn có từ trấu, sắn, rơm rạ và phụ phẩm lâm nghiệp.
Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo sẽ là các thị trường nhập khẩu chính trong khu vực, mở ra cánh cửa giao thương tiềm năng cho Đông Nam Á.
Thay vì mở rộng đất nông nghiệp, dự án khuyến nghị tập trung vào các giải pháp như cơ giới hóa, cải tiến tưới tiêu, tối ưu vụ mùa và ứng dụng năng lượng sinh khối để mở rộng nguồn cung một cách bền vững.
Rơm rạ được đánh giá là nguyên liệu có chỉ số carbon thấp, lý tưởng để sản xuất SAF mà không gây áp lực lên môi trường.
Bên cạnh việc cắt giảm đến 80% lượng khí thải CO₂, SAF còn mở ra hàng loạt cơ hội việc làm, nâng cao kỹ năng lao động, thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ các cộng đồng yếu thế trong khu vực.
Các chuyên gia từ Boeing, GHD và Ban Thư ký ASEAN cùng nhấn mạnh: Đông Nam Á cần nhanh chóng đầu tư vào hạ tầng, thống nhất chính sách và xây dựng hệ sinh thái SAF để khai thác hết tiềm năng hiện có.
“SAF là cơ hội lớn nhất để ngành hàng không giảm phát thải trong 30 năm tới. ASEAN có thể trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu nếu hành động đủ nhanh và quyết liệt,” – bà Sharmine Tan, Giám đốc bền vững Boeing khu vực Đông Nam Á chia sẻ.
Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào phát triển chính sách, huy động vốn và nâng cao năng lực kỹ thuật để hiện thực hóa tầm nhìn về một ngành hàng không xanh, hiệu quả và công bằng hơn trong tương lai.