Muối hay muối ăn là khoáng chất rất cần cho sự sống của cơ thể. Đề cập về khoáng chất này, tạp chí trực tuyến Listverse của Anh vừa giới thiệu thêm 5 khám phá thú vị dựa trên những nghiên cứu khoa học mới nhất.
1. Vì sức khỏe con người cần đưa muối vào danh mục kiểm soát
Tại Hội nghị World Nutrition thường niên tổ chức năm 2012 tại Rio de Janeiro (Brazil), các nhà khoa học đã đưa ra đề xuất, muối cần được giám sát bởi các công ty hoặc chính phủ. Lý do: nạn lạm dụng muối đang gia tăng trầm trọng, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở con người.
Không chỉ vài nghìn mà có tới hàng triệu người chết do bệnh huyết áp cao bởi ăn quá nhiều muối. Theo y học, con người cần 350mg muỗi mỗi ngày, nhưng tại Mỹ, lượng muối tiêu thụ bình quân đã tăng vọt lên 3.500mg mỗi ngày.
Để so sánh, một lát bánh mì mua tại cửa hàng có chứa tới 250 miligam natri (muối). Một hộp rau có chứa khoảng 1.000mg.
Trong khi khoa học khuyến cáo mọi người, kể cả các hãng sản xuất thực phẩm, cần giảm muối thì tình trạng lạm dụng muối không giảm, nó được dùng cho mọi thứ, từ sản xuất, bảo quản cho đến chế biến, tiêu dùng.
Vì lý do này, giới khoa học khuyến cáo cần đưa muối vào danh sánh cần được kiểm soát chặt chẽ theo quy định để bảo vệ sức khỏe con người.
2. Sự ra đời của oxy
Trái đất là một khu vực “ngưng thở” cho đến khi oxy xuất hiện lần đầu, ra đời cái gọi là “Sự kiện oxy hóa khổng lồ” (Great Oxygenation Event hay GOE), diễn ra khi vi khuẩn biết cách quang hợp và bắt đầu giải phóng oxy.
Chính xác thời điểm xảy ra GOE là một bí ẩn cho đến tận năm 2018, khi một loại muối lâu đời nhất được tìm thấy. Đó là chất kết tinh được rút ra từ một lõi sâu tới 2 km ở Nga.
Các tinh thể này về mặt hóa học giống như muối ăn, hình thành cách đây 2,3 tỷ năm sau khi đại dương cổ bốc hơi. Mẫu muối nói trên chứa sulfat, một dạng vật chất kiểu như nước biển khi oxy phản ứng với lưu huỳnh.
Phân tích cho thấy nó không chỉ là bằng chứng về GOE, mà còn chứng tỏ một lượng lớn sulfate lan truyền nhanh chóng. Tốc độ cực lớn mà oxy được bơm vào khí quyển đáng ngạc nhiên; nó giải quyết một câu hỏi khác.
Có phải vi khuẩn phải mất hàng triệu năm để tăng được mức oxy 20% trong khí quyển hay không? Mẫu muối nói trên cho thấy quá trình này không diễn ra tư từ mà nó “phụt nhanh” giống như áp lực từ chiếc vòi cứu hỏa và quan trọng hơn, muối chính là hóa chất, tiền thân tạo ra oxy, mang lại sự sống cho muôn loài trên trái đất.
3. Muối giúp khoa học hiểu được nạn hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử
Năm 2017, các nhà khoa học đã khoan và thu được các mẫu ở Biển Chết dùng cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu và phát hiện thấy hai trận hạn hán kinh hoàng mang tính lặp đi lặp lại trong lịch sử.
Đặc biệt, các mẫu vật liên quan đến muối giúp con người hiểu được lượng mưa trong quá khứ. Khi mũi khoan tiến tới độ sâu tương ứng 10.000 và 120.000 năm trước, các nhà khoa học phát hiện thấy lượng muối xuất hiện ngày càng nhiều.
Ở độ sâu 305m dưới đáy biển, người ta đã tìm thấy các hình thái hạn hán không giống với những gì đã từng phát hiện trước đây.
Cả hai lần hạn hán này, Trung Đông là nơi bị thiệt hại nặng nhất, thời tiết khô hanh kéo dài hàng ngàn năm. Ở mức tồi tệ nhất, chỉcó 20% lượng mưa bình thường được duy trì, khiến cho người Neanderthal bắt đầu tuyệt chủng, và đến lần thứ hai, người Neanderthal đã biến mất hoàn toàn trên trái đất. Các nhà khoa học lo ngại nếu sự cố nói trên lặp lại sẽ gây thảm họa hinh hoàng hơn, khiến hàng triệu người thiếu nước.
Theo các dự báo về khí hậu, Trung Đông vẫn là nơi bị ảnh hưởng mạnh nhất. Các lớp muối đã chứng minh, hạn hán chết người từng xảy ra mà không có sự can thiệp của con người. Ngày nay, với sự thay đổi khí hậu do con người tạo ra, nước ngọt sẽ là nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, và rất có thể lại biến mất thêm một lần nữa.
4. Những ngôi sao có chứa muối thường lụi tàn sớm
Simon Campbell, một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Úc, cùng các cộng sự thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu từ những năm 80 của thế kỷ trước, phát hiện những ngôi sao trong vũ trụ có chứa muối thường lụi tàn sớm hơn.
Từ lâu, người ta thường cho rằng tất cả các ngôi sao trong một cụm nhất định đều phát triển theo một cách tương tự, riêng nghiên cứu công bố năm 1980 đã phát hiện một chòm sao có tên NGC 6752 phát triển theo một hình thái khác, thủ phạm chính là do natri gây ra. Kết luận này đưa ra trong bối cảnh kỹ thuật quan sát vũ trụ còn lạc hậu so với ngày nay.
Để kiểm chứng, nhóm nghiên cứu của Campbell đã sử dụng Kính viễn vọng khổng lồ (VLT) của Chile có khả năng phát hiện được chòm sao ở cách xa trái đất 13.000 năm ánh sáng, phát hiện thấy nghiên cứu nói trên là đúng.
Ngoài ra, nhóm nghiên đề tài của Campbell còn phát hiện thấy rằng natri đã giết chết các ngôi sao nhanh hơn so với những ngôi sao có chứa hàm lượng muối ít hơn.
Các ngôi sao có hàm lượng natri thấp thường tồn tại theo một quỹ đạo tiến hóa bình thường, trước khi chúng đốt cháy hydro và helium để tạo thành khí và bụi. Điều này tương tự như những ngôi sao lùn trắng, nơi có hàm lượng muối cao thường diệt vong nhanh hơn so với những ngôi sao có hàm lượng muối thấp.
Mặc dù muối chắc chắn là một yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ các ngôi sao, nhưng lý do chính xác làm tàn lụi một ngôi sao còn nhiều điều bí ẩn khác, đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết.
Qua nghiên cứu, giới thiên văn còn phát hiện thấy muối là thủ phạm làm cho hành tinh lùn Ceres dễ nhìn thấy hơn. Đây là một hành tinh nằm trong vành đai tiểu hành tinh của hệ mặt trời của trái đất, giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Trong một thời gian dài, sự xuất hiện của Cere được coi là một bí ẩn khoa học. Khoảng 130 điểm sáng không thể giải thích được nằm rải rác trên bề mặt của hành tinh lùn này đã được phát hiện ra.
Mới đây, vào năm 2015, tàu vũ trụ Dawn của NASA đã chụp được những hình ảnh này và qua phân tích cho thấy, các điểm sáng bóng được nhìn thấy có chứa magnesium sulphate ngậm nước, vật chất mà người ta quen gọi là muối Epsom. Chưa hết, các điểm phản xạ mạnh cho thấy Ceres có thể có các hồ băng khổng lồ chứa muối nằm ngay dưới lớp vỏ của nó.
5. Muối là thủ phạm gây viêm não
Ngay trong năm 2018 này, nhiều nghiên cứu về chế độ ăn nhiều muối và hậu quả của nó được thực hiện trên chuột. Kết quả cho thấy lạm dụng muối chính là thủ phạm gây viêm não.
Chuột là loài động vật có vú rất thông minh, nhưng natri đã làm cản trở tính thông minh của chúng. Khi thực hiện các bài test mê cung, nhóm chuột ăn nhiều muối có kết quả tồi tệ, các phản ứng giữa râu của chúng với đồ vật rất khác thường, khiến chuột bị lẫn lộn không ra khỏi mê cung.
Trước đây, các vấn đề về nhận thức liên quan đến muối được cho là do huyết áp cao gây ra, nhưng nay, nghiên cứu đã chứng minh muối có thể làm tổn thương các bộ phận quan trọng trong não ngay khi huyết áp bình thường.
Muối làm giảm lưu lượng máu đến vỏ não và vùng hippocampus, nơi đảm nhận chức năng học và trí nhớ bị trì trệ. Đây là hậu quả do hệ miễn dịch gây ra với sự tác động trực tiếp từ muối.
Một khi trong ruột có quá nhiều muối, các tín hiệu viêm đã được truyền đến não và làm tổn thương mạch máu, khiến các chức năng của não bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi não bị tổn thương, viêm còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến và bệnh viêm ruột.
Một lưu ý tích cực, khi những con chuột này chuyển sang chế độ ăn ít natri hoặc dùng thuốc, tính thông minh của chuột lại được phục hồi.