Rất nhiều loại thực phẩm được trẻ ưa chuộng như pizza, bánh mì, chả lụa, thịt nguội, “bơ gơ phô mai”, khoai tây chiên, thịt gà giòn, pasta với nước xốt hay các loại xúp ăn liền, v.v… là thủ phạm chính khiến cho trẻ nạp vào nhiều muối vì vậy cần giới hạn lượng muối trong thực phẩm của trẻ.
Dĩ nhiên, muối không hoàn toàn xấu mà nó đóng vai trò quan trọng đối với quá trình sinh hóa của cơ thể. Muối giúp tăng cường chức năng não, làm dịu cơ bắp và kiểm soát mức chất lỏng cần thiết trong cơ thể. Nhưng, tiêu thụ muối quá nhiều liên quan đến các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao – một nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Những bệnh trạng này có thể bắt đầu từ khi còn là trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ nhi khoa May Loo (California, Mỹ), để quyết định lượng muối cần thiết cho trẻ, cần nên phân biệt giữa muối ăn và sodium (natri) là thành phần trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. “Muối ăn chứa 40% natri và 60% clorua. Trong khi các loại thực phẩm đóng gói thường thể hiện lượng muối ở dạng sodium định lượng bằng mg. Khi đó lượng muối thực ra sẽ gấp 2,5 lần so với khối lượng đó (nếu sodium là 100mg thì lượng muối là 250mg)”.
Vì vậy, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần giới hạn lượng muối trong thực phẩm của trẻ và các chuyên gia cho rằng nên làm chuyện này càng sớm càng tốt. “Sở thích về thực phẩm của trẻ được hình thành sớm, tránh để muối trên bàn và cho nhiều muối vào thực phẩm là một thói quen mà trẻ sẽ tiếp tục trong tương lai”, bác sĩ nhi khoa Alison Mitzner (New York, Mỹ) khuyên.
Nếu bạn không chắc là con mình có phải đang tiêu thụ quá nhiều muối hay không, hãy quan sát các dấu hiệu sau do các chuyên gia chỉ ra và nên giới hạn lượng muối mà trẻ nạp vào.
Khát nước quá mức
Sodium giữ nước nên càng nhiều sodium trong cơ thể thì càng cần nhiều nước, bác sĩ May Loo giải thích. Nếu bạn để ý thấy trẻ khát nước một cách bất thường mà không có cách giải thích rõ ràng nào chẳng hạn do trời nóng hoặc tập thể thao thì cần đánh giá lại lượng sodium trong khẩu phần ăn của bé. Nhớ là nên xem xét tất cả các loại đồ ăn, thức uống, cả ở trường và ở nhà. Có những loại nước uống thể thao được quảng bá là “tốt cho sức khỏe” lại chứa lượng sodium khá cao.
Thèm ăn các loại thực phẩm có nhiều muối
Muối làm cho thức ăn ngon hơn, vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi con bạn thích khoai tây chiên ăn liền hơn là một củ cà rốt. Nếu như con không thích bất cứ thứ gì nhạt nhẽo thì bác sĩ May Loo gợi ý bạn thử giới thiệu với bé những gia vị khác. Tại sao không thử cho tiêu vào trứng chiên?
Huyết áp cao
“Giống như huyết áp cao ở người trưởng thành, huyết áp cao ở trẻ cũng đến âm thầm, nghĩa là trẻ không cảm nhận triệu chứng nào và cha mẹ cũng không phát hiện được, nhưng huyết áp tăng lên, động mạch dày hơn và là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim”, bác sĩ Loo giải thích. Tất cả trẻ nên được đo huyết áp hằng năm để phát hiện và can thiệp sớm.
- Xem thêm: Bạn cần bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?
Nước tiểu có màu vàng đậm
Dù có nhiều thứ có thể làm cho nước tiểu của trẻ mang màu vàng đậm, nhưng tiêu thụ nhiều sodium là một nguyên nhân. “Nước tiểu vàng đậm và nặng mùi là dấu hiệu phổ biến với những người tiêu thụ nhiều sodium ở tất cả lứa tuổi”, bác sĩ Craig Peters – giáo sư khoa tiết niệu ở Đại học Texas Southwestern nói.
Hay ăn các loại thực phẩm đóng gói
Hầu hết các loại thức ăn đóng gói và chế biến sẵn đều chứa nhiều sodium, vì thế tốt nhất là nên tránh xa chúng. Và nên thay thế bằng những loại thức ăn nhà làm, rau củ quả. Với rau củ, nên thay đổi cách nấu (hấp, luộc, nướng…) và hình dáng để hấp dẫn trẻ.
Lên cân mà không ăn nhiều đồ ngọt hoặc béo
Cha mẹ thường nghĩ rằng đồ ngọt và béo là nguyên nhân gây béo phì, nhưng nghiên cứu cho thấy tăng cân cũng liên quan đến việc ăn nhiều muối. Béo phì cũng là một nguy cơ dẫn đến huyết áp cao và bệnh tim mạch. Theo bác sĩ May Loo, phụ huynh cũng nên để ý đến trường hợp tăng cân do ăn nhiều muối. Ngoài việc kiểm soát đồ ngọt và đồ béo, cần lưu ý đến đồ ăn quá mặn và thực phẩm chế biến sẵn có lượng sodium cao để duy trì lượng tiêu thụ sodium trong giới hạn cho phép của độ tuổi đó.
Thường xuyên đi ăn hay mua thức ăn bên ngoài
Dù đi ăn nhà hàng, đặc biệt là những nơi bán thức ăn nhanh, có thể tiện lợi và tiết kiệm thời gian nhưng nên hạn chế, mỗi tháng không quá hai lần ăn ngoài.
Cha mẹ cũng ăn quá nhiều muối
Sử dụng muối vừa phải khi nấu ăn là điều cần thiết. Nhưng nếu bạn thích ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn mặn thì rất khó để ngăn cản con của bạn không tiêu thụ chúng. Phụ huynh nên học cách đọc thành phần trên nhãn sản phẩm để chọn những loại ít sodium hoặc thực phẩm đóng gói không thêm muối.
Đối với trẻ em từ 7-12 tháng tuổi các bác sĩ khuyến cáo là chỉ nên cho dùng ít hơn 1 gram muối mỗi ngày (< 0,4g sodium), bé từ 1-3 tuổi là 2 gram (0,8g sodium), từ 4-6 tuổi là 3 gram (1,2g sodium), từ 7-10 tuổi là 5 gram (2g sodium), 11 tuổi trở lên là 6 gram (2,4g sodium).