Người Việt đang ăn muối gần gấp đôi khuyến cáo của WHO là dưới 5 gam/ngày. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người mắc bệnh cao huyết áp.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, tăng huyết áp là hậu quả đáng kể nhất của việc ăn mặn. Đa số người Việt đang ăn mặn hơn nhiều so với mức khuyến cáo, góp phần làm số người mắc bệnh tăng huyết áp tăng từ trên 25% người trưởng thành lên trên 47%. Tăng huyết áp chỉ là một trong những căn bệnh liên quan đến ăn mặn, thừa muối còn liên quan nhiều bệnh khác nữa như ung thư dạ dày, thận, sỏi thận, thưa xương…
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đang thực hiện chiến dịch truyền thông các biện pháp dự phòng để giảm bệnh không lây nhiễm, trong đó các căn bệnh không lây nhiễm chính liên quan đến ăn uống là đái tháo đường, tim mạch và ung thư.
Theo hướng dẫn của viện Dinh dưỡng quốc gia, 5 gam muối tương đương một thìa cà phê hoặc 2,5 thìa ăn sữa chua là tổng số muối khuyến cáo sử dụng cho mỗi người trong một ngày. Nhưng không phải đó là tất cả số muối mà mỗi người đang dùng trong một ngày, vì đã có 10% thực phẩm có sẵn muối tự nhiên, các thức ăn nhanh như bim bim, mì ăn liền, bánh mì… đều đã có muối.
Tác hại của việc ăn nhiều muối kéo dài:
– Bệnh cao huyết áp: Người có tiền sử cao huyết áp mà vẫn duy trì thói quen ăn mặn sẽ khiến bệnh thêm nặng và dẫn đến những nguy cơ tai biến khôn lường.
– Bệnh suyễn: Những bệnh nhân bị suyễn nếu ăn nhiều muối thì cơn suyễn sẽ nặng nề và thường xuyên hơn, có thể dẫn đến đột tử.
– Bệnh tim: Ăn mặn sẽ uống nước nhiều làm tăng khối lượng máu tuần hoàn thì tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày tim thất trái to lên rồi dẫn đến bị suy tim.
– Bệnh tiêu hóa: Dùng muối nhiều hằng ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày so với người ăn khẩu vị bình thường rất nhiều.
– Bệnh thận: Ăn mặn khiến tuần hoàn máu tăng đến cầu thận buộc thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận.
– Bệnh xương khớp: Ăn muối nhiều, uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều sẽ thải ra nhiều canxi qua đường nước tiểu, dẫn đến loãng xương.
Để đạt mục tiêu này trong khi phần lớn người Việt thích ăn mặn, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo các biện pháp thực hành ăn giảm muối là cho bớt muối vào món ăn, khi chấm nên chấm nhẹ tay, thường xuyên ăn các thực phẩm hấp, luộc, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và giảm các món rim, kho trong bữa ăn.
Theo các bác sĩ, giảm tiêu thụ muối, kiểm soát cân nặng, sử dụng lượng chất béo, chất đạm vừa đủ, giảm tiêu thụ đường tinh chế, tăng sử dụng rau quả, uống đủ nước, hoạt động thể lực phù hợp cũng chính là biện pháp dự phòng bệnh không lây nhiễm.