Ngày 25-7, Trung tâm Hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Hub) trực thuộc quản lý của nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã giới thiệu báo cáo mang tên Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Outlook). Báo cáo công bố khoản chi phí ước tính để trang bị cơ sở hạ tầng nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới và bước đầu thu hẹp các khoảng cách hạ tầng là khoảng 94 ngàn tỉ USD cho tới năm 2040. Báo cáo cũng chỉ ra rằng còn cần thêm 3,5 ngàn tỉ USD nữa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc nhằm đảm bảo cho các hộ gia đình trên toàn thế giới tiếp cận được nguồn nước uống và điện năng vào năm 2030, nghĩa là tổng giá trị cần đầu tư lên đến 97 ngàn tỉ USD.
Cụ thể, mỗi năm sẽ cần đến khoảng 3,7 ngàn tỉ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của dân số toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc về tiếp cận nước sạch và điện năng, dự kiến mức đầu tư hằng năm phải tăng thêm 236 tỉ USD liên tục cho tới năm 2030 (thời hạn hoàn thành các mục tiêu này). Đây là thách thức lớn không chỉ đối với các nền kinh tế mới nổi, mà còn đối với những quốc gia đã phát triển hiện đang sở hữu những hệ thống hạ tầng xuống cấp cần được thay thế.
Hoa Kỳ là quốc gia sẽ có mức thiếu hụt chi tiêu cho hạ tầng cao nhất, ở mức 3,8 ngàn tỉ USD, trong khi đó Trung Quốc có nhu cầu phát triển hạ tầng lớn nhất, cần đầu tư khoảng 28 ngàn tỉ USD, chiếm tới 30% tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng toàn cầu.
Báo cáo còn chỉ ra rằng với xu hướng hiện tại, châu Á (không bao gồm Trung Quốc) sẽ đầu tư 19,7 ngàn tỉ USD từ năm 2016 tới năm 2040. Nếu xét theo kịch bản nhu cầu đầu tư, con số này sẽ cần tăng khoảng 13%, đạt 22,4 ngàn tỉ USD, hay xấp xỉ 900 tỉ USD/năm. Riêng nước ta được dự đoán sẽ đạt được 83% tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng. Khoảng cách lớn nhất nằm ở khối ngành đường bộ với nhu cầu vốn đầu tư tăng thêm 70% để đáp ứng các nhu cầu dự đoán. Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, VN sẽ cần tăng mạnh đầu tư vào hạ tầng nước sạch.