Rất thẳng thắn và bản lĩnh, thầy Nguyễn Bác Dụng – Hiệu trưởng trường Trần Đại Nghĩa, trò chuyện với tôi và đi vào cốt lõi của mọi vấn đề – không thể ngờ là con người dáng vẻ nho nhã, mắt sáng và hiền hậu ấy lại có một quyết tâm sắt đá và tận tụy đến thế với trường lớp, với ngành giáo dục.
Ông đã được đặt vào những điểm “nóng” nhất của thành phố và đã làm nổi đình đám ở bất cứ nơi nào ông đặt chân đến. Thầy Nguyễn Bác Dụng đã xây dựng một phong trào học tập sôi nổi ở Trường Bùi Thị Xuân sau ngày giải phóng, đã vực dậy ngôi trường Marie Curie thiếu sinh khí một thời với những học sinh chai lỳ, những giáo viên đầy mặc cảm… Ông vun đắp nên mô hình Trường Trần Đại Nghĩa nổi tiếng mới mẻ với những thành quả làm kinh ngạc mọi người. Ông có biệt tài làm người khác tin cậy và yêu mến mình bởi những lời ông nói ra là những điều ông đã trải nghiệm. Phụ huynh học sinh tin cậy giao con cho ông, ông còn được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Cứu trợ Trẻ em Tàn tật do GS. Nguyễn Tài Thu phụ trách…
____
Ông đã bắt tay vào xây dựng Trường Trần Đại Nghĩa (TĐN) như thế nào để chỉ sau 4 năm, ngôi trường đã trở thành lá cờ đầu ngành, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tiếng tăm và sự nể trọng như ngày hôm nay?
Tháng 6.2000, khi nhận được sự phân công của Ban giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM về xây dựng Trường Trần Đại Nghĩa, tôi cũng có nỗi lo: sẽ xây dựng đội ngũ ra sao? Khác với trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội, khi hình thành đã tập trung được các giáo viên giỏi, Trường TĐN ban đầu phải tuyển từng giáo viên. Khi đi xin các giáo viên giỏi, có trường cho, có trường không cho; hơn nữa, về một ngôi trường mới, quyền lợi của các giáo viên đã dạy lâu năm bị mất mát nhiều, nhưng cũng có những thầy cô tình nguyện thực hiện mô hình mới. Tôi đến các trường đại học để chọn những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, hiện trường TĐN có đến 60% là giáo viên trẻ, những người chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đầy sức trẻ, năng động đóng góp, hồn nhiên chưa tính đến lợi lộc cho mình.
Đây là một mô hình mới: trường công lập đầu tiên của thành phố có học sinh học hai buổi/ngày và tổ chức ăn trưa, bán trú cho học sinh. TĐN cũng là một thí điểm tăng cường tiếng Anh, một điều khá nguy hiểm vì là thí điểm thì không thể biết được mọi việc sẽ đúng hay sai.
Phương pháp giảng dạy phải mới, phải thay đổi. Phải dạy học sinh cả về đạo đức, tác phong và sức khỏe. Có một điều chúng tôi rất hài lòng là sức khỏe học sinh TĐN rất tốt. Hội khỏe Phù Đổng vừa qua các em đoạt 124 giải cấp quận và thành phố với tổng cộng 38 huy chương vàng… Còn nhớ khi còn trẻ tuổi, tôi học rất chăm mà chẳng để ý gì tới giữ gìn sức khỏe, có lần thầy của tôi nói: “Cứ như thế này, khi ra trường thì phổi đã lủng rồi, còn cống hiến gì được nữa”.
Hiện nay cổng trường TĐN được mở tất cả mọi ngày trong tuần để học sinh có thể đến chơi thể thao, tập dợt trên các sân bóng rổ… Tôi muốn nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai cho các em, được các em yêu mến, gắn bó; và như thế sẽ giúp các em xa lánh được những môi trường xấu ngoài xã hội. Rất may là chúng tôi luôn được sự quan tâm và ủng hộ của xã hội.
Chúng tôi phải chứng minh cho các bậc phụ huynh thấy được tâm huyết của các thầy cô giáo đối với học sinh, tất cả những hoạt động này là vì học sinh.
____
Xin ông nói rõ hơn về sự quan tâm và ủng hộ của xã hội?
Ở một đất nước mà ai cũng có thể góp ý, có những thắc mắc về giáo dục, và đều cho đó là công việc rất quan trọng, tôi rất yên tâm. Có được sự quan tâm của xã hội như vậy, chúng ta có thể vận dụng được những nguồn lực để chung lo. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ lớn của Sở Giáo dục. Do trường TĐN nằm sát ngay bên hông Sở Giáo dục, chúng tôi được Ban giám đốc Sở, các ban ngành Sở Giáo dục tạo điều kiện trong việc tuyển dụng giáo viên, luôn theo dõi chỉ đạo chuyên môn. Được kiểm tra gắt gao như vậy nên chúng tôi lúc nào cũng cố gắng làm tốt. Chúng tôi còn được sự đồng tình của xã hội, việc có nhiều phụ huynh tìm đến trường gửi con cho chúng tôi là một hạnh phúc. Khi có lời chê, chúng tôi lắng nghe để điều chỉnh. Ban thường trực phụ huynh học sinh (PHHS) sẵn sàng hiến kế, bỏ nhiều công sức để ủng hộ nhà trường. Các vị trong ban thường trực này đã đóng góp gần 100 triệu đồng cho quỹ Khuyến học, nhằm giúp đỡ các học sinh nghèo, cấp học bổng cho nhiều em, trong đó có cả con giáo viên nữa.
____
Ông có phương pháp gì để có được một Hội PHHS hoạt động hiệu quả như vậy?
Chúng tôi phải làm sao chứng minh cho các bậc phụ huynh thấy được tâm huyết của các thầy cô giáo đối với học sinh, tất cả những hoạt động này là vì học sinh. Điều này mất khá nhiều thời gian nhưng kết quả là các vị PHHS đã sát cánh bên chúng tôi để cùng lo cho các hoạt động trong trường. Rất lạ là họ hết sức am hiểu việc nhà trường và giống y như một phòng ban trong trường vậy. Chính họ giải thích các thắc mắc của PHHS, theo dõi và cùng với giáo viên giáo dục học sinh.
____
Thế nhưng việc học sinh trường TĐN đạt được những thành tích như 100% tốt nghiệp THCS; 100% tốt nghiệp THPT với tỷ lệ học sinh giỏi rất cao, 94,2% đậu đại học (thêm cao đẳng là 99,5%); chưa kể những thủ khoa, á khoa… vẫn là điều rất đặc biệt. Làm thế nào để có những thành quả ấy? Liệu chương trình học của TĐN có quá nặng đối với học sinh?
Trước hết, thầy cô giáo phải chứng tỏ cho học sinh thấy rằng mình hết lòng lo cho các em, nói những điều về tương lai thì xa xôi quá, các em sẽ không nghe đâu. Các em chỉ lo học, quyết tâm học khi yêu trường, thương mến thầy cô giáo.
Tôi không cho rằng chương trình của TĐN hiện nay là quá tải bởi chúng tôi có phân biệt từng đối tượng học sinh để sắp xếp cho phù hợp. Chỉ quá tải với những học sinh không nghe lời tôi, cứ đi học thêm những lớp bên ngoài và như thế không thể tiếp nhận được những bài giảng mới. Sau những đợt tập trung kiểm tra, chúng tôi đều có những lớp phụ đạo cho học sinh yếu. Đặc điểm của PHHS chúng ta hiện nay là khi còn nhỏ đã trải qua một thời gian quá cực khổ nên muốn dồn tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con mình, không giáo dục cho con tính độc lập, tự chủ. Vẫn có những người cho con đi học thêm và tưởng như thế là tốt. Tôi có anh bạn là Lê Tự Hỷ (thân sinh của Lê Tự Quốc Thắng), tôi hỏi anh: Làm thế nào để năm đứa con của anh đều học giỏi như vậy? Anh nói, đó là nhờ sự quyết tâm làm việc; con cái gần gũi anh đã học được điều ấy. Chị ruột của tôi, nay là Phó giám đốc cơ quan Xã hội của Thụy Sĩ nói với tôi rằng: “Chúng mình xưa kia nhờ quá khổ mà thành danh, phải cho con cái nhìn thấy cái khổ ấy mà chịu đựng và nỗ lực”. Tôi đã áp dụng phương pháp ấy để dạy con cũng như dạy học sinh. Với nhà trường, tôi họp hội PHHS và mời chuyên gia đến để nói về tâm sinh lý của trẻ. Cần phải thỏa mãn được những khả năng của học sinh, phải luôn học hỏi và cái gì cũng phải học. Tôi dạy học sinh phương pháp tự học, cách nghe và ghi chép bài, tập trung tư tưởng và ôn tập, tổ chức hội thảo cho học sinh đứng lên trình bày những kinh nghiệm học tập. Ước mơ lớn nhất của tôi là làm sao có được những phương pháp giảng dạy khai mở được tiềm thức của học sinh. Phải nói là lối dạy cũ làm mòn trí óc học sinh do cứ bắt học sinh phải nhớ, phải học vẹt mà không khai thác được những suy nghĩ mới mẻ.
Chúng mình xưa kia nhờ quá khổ mà thành danh, phải cho con cái nhìn thấy cái khổ ấy mà chịu đựng và nỗ lực.
____
Theo ông, để cải cách giáo dục, có những điều gì cấp bách cần phải làm?
Cần phải giảm tải chương trình học của mình; thay đổi phương pháp giảng dạy; nội dung phải phù hợp với những tiến bộ của thế giới. Có thể chọn Nga, Pháp, Mỹ… sao cho phù hợp với đất nước mình. Cứ kêu gào đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng có nhiều giáo viên vẫn mù mờ không hiểu ra phải đổi mới như thế nào. Lớp trung niên cứ cho là mình đã dạy tốt rồi trong khi đám trẻ còn non nớt, luôn tránh né những cây đa cây đề trong trường. Trường TĐN đã hết sức tạo điều kiện cho lớp trẻ, lớp giáo viên lớn tuổi chấp nhận làm tấm thảm cho lớp trẻ bước đi. Có những giáo viên dạy người cùng tổ như dạy con của họ. Tôi cho giáo viên trẻ đi học thêm, bớt giờ dạy cho họ, hỗ trợ 2 triệu đồng/năm cho giáo viên học cao học; luôn tìm kiếm, cập nhật những thông tin, tư liệu mới để photocopy phát cho giáo viên; nhờ thầy giỏi đứng lớp để các thầy trẻ dự giờ…
Là cụm trưởng Cụm trường chuyên, tôi tập hợp hiệu trưởng tất cả những trường chuyên thành phố để cùng góp sức, buổi họp đầu tiên vừa qua đã được tổ chức tại Trường Lê Hồng Phong. Tôi cũng mời các chuyên gia giỏi từ Hà Nội vào dạy để giáo viên các trường cùng tham gia, tránh đi sự ganh đua không cần thiết.
____
Ông từng là một giáo viên dạy rất giỏi, nhiều học sinh theo học ông đã mừng rỡ khi nắm được “Công thức trung bình”, một chìa khóa giúp học sinh hiểu và giải bài tập Hóa rất nhanh. Hẳn ông có rất nhiều niềm vui trong gần 30 năm dạy học thành công như vậy?
Trước kia tôi dạy Toán, nhưng sau ngày giải phóng, do thiếu giáo viên, tôi dạy môn Hóa, là ngành học chính của mình ở Đại học Khoa học trước đây. Lúc ấy có nhiều học sinh rất giỏi, tôi vừa đọc bài tập xong là học sinh đã đưa ra đáp số. Vì tự ái, tôi đã cố gắng suy nghĩ để làm sao dạy hay hơn, và đã đưa bộ môn Toán vào Hóa, đề xuất giải Toán Hóa bằng Công thức Trung bình. Năm 1977, Sở Giáo dục yêu cầu giáo viên có những “Sáng kiến kinh nghiệm”, tôi gửi báo cáo về Công thức Trung bình cho Sở nhưng không nhận được phản hồi. Trong khi đó, phương pháp này đã được thầy tôi là TS. Chu Phạm Ngọc Sơn và TS. Nguyễn Thanh Khuyến ủng hộ; được phổ biến khắp thành phố và giúp đội tuyển Hóa TP.HCM đứng đầu cả nước; lâu dần, Công thức Trung bình trở nên phổ cập như một kiểu“văn chương khuyết danh”. Điều đáng buồn là 10 năm sau (1988), Công thức Trung bình này được in thành sách dưới tên của một tiến sĩ Hóa học.
____
Đối với những “sóng gió cuộc đời” tương tự như vậy, ông có cách nào để vượt qua?
Tôi sinh ra tại Hà Nội năm 1952. Cha tôi lấy mẹ tôi là để chăm sóc con cái cho người vợ cả, và sau này, còn có thêm người vợ thứ ba là một cô giáo. Từ nhỏ anh em tôi đã bị phân biệt đối xử, mẹ tôi thường khuyên chúng tôi cố gắng nhẫn nhịn để được đi học cho thành người. Chữ “nhẫn” ấy tôi luôn giữ. Khi lập gia đình, vợ chồng tôi cũng đã trải qua những thời điểm hết sức gian nan. Có lần con đau, không tiền trả viện phí, tôi phải bán chiếc xe đạp duy nhất trong nhà và sau đó, cả hai vợ chồng đều phải đi bộ. Nhưng là “thầy giáo”, tôi giữ gìn hai tiếng ấy rất thận trọng. Tôi luôn nghĩ: “Là thầy giáo thì không thể đi cãi nhau được”.
Cần phải giảm tải chương trình học; thay đổi phương pháp giảng dạy; nội dung phải phù hợp với những tiến bộ của thế giới.
____
Hiện nay đang có phong trào PHHS ồ ạt gửi con đến những trường Quốc tế. Ông nhận xét gì về những ngôi trường này và so sánh với trường chuyên Trần Đại Nghĩa thì sao?
Phải nói rằng về phương pháp cũng như điều kiện, các trường Quốc tế hơn trường Việt nhiều, và cũng hơn cả về học phí nữa. Mức thu cao giúp họ có đủ điều kiện để làm nhiều việc. Sáng nay, Trường Quốc Tế điện cho tôi để xin điều giáo viên đến dạy môn Văn. Tôi sẵn sàng tham gia theo tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, nhưng khi tính đến thù lao, tôi cho biết giá tiền là 50.000 đồng/tiết (tính theo giá phụ đạo; tiết dạy nghĩa vụ là 25.000 đồng) và được biết đó là giá thấp nhất của họ.
Về chương trình học, trường Việt hiện nay theo tôi vẫn chưa phù hợp với quốc tế. Học sinh học phổ thông rất nặng nề trong khi chương trình Quốc tế rất nhẹ nhàng, bằng của họ lại có giá trị quốc tế còn bằng Việt Nam có nơi không công nhận. Việc PHHS nhào vào các trường Quốc tế là có lý do của họ, do những cái yếu của mình cũng như cái tầm của Việt Nam đối với quốc tế. Nhân đây tôi cũng nói đến việc làm luận án tiến sĩ, tôi làm với các thầy ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Có người hỏi tôi sao không làm với Úc? Giá chỉ có 8.000USD thôi, mà lại nhanh chóng, bằng cấp có giá trị hơn. Tôi làm luận án Thạc sĩ đã 3 năm nay (nếu làm với Úc chỉ 1 năm rưỡi là xong). Thực ra nói chung thì ai cũng mong muốn công việc được nhanh chóng, đừng cứng nhắc quá. Bởi ở nước ngoài, người ta cũng phân chia đối tượng. Tiến sĩ ở Harvard tất nhiên khác với những trường đại học khác. Tại sao chúng ta cứ phải bao gồm tất cả thành một chuẩn duy nhất. Bằng tú tài cũng nên xã hội hóa và quốc tế hóa cho nhẹ nhàng đi, học sinh có thể lấy hai loại bằng tú tài. Nhà nước vẫn có trường công; vẫn có trường cho đối tượng có tiền. Giả dụ trường TĐN trở thành trường bán công, phụ huynh cũng sẵn sàng đóng tiền để con họ có điều kiện tốt hơn.
Bàn về những chuyện rất nhức đầu nhưng giọng ông vẫn ấm và lôi cuốn. Chẳng trách mà học sinh luôn kéo đến nghe ông giảng một môn tưởng rất khô là môn Hóa, hàng ngàn PHHS mỗi kỳ họp im phắc lắng nghe ông trình bày những báo cáo đầu năm, rất nhiều những con số mà nghe vẫn rất hay. Ông đang đứng thật xứng đáng ở một vị trí cao quý. Nhưng có ai biết được những đau đớn và mất mát đã in sâu trong lòng ông trên con đường đã đi qua. Ánh mắt đăm chiêu, giọng chùng xuống, ông kể:
Ngày còn là giáo viên đi dạy thêm, có lần đang đứng trong lớp học, tôi nhìn ra ngoài thấy một chiếc xích lô ngừng lại, trên xe, mẹ tôi bế hai đứa con tôi đang sốt đi bệnh viện. Mình thì đang dạy học, con đi cấp cứu, mẹ đã già rồi! Tôi cố gắng tự trấn tĩnh: bà đang đưa cháu đi Bệnh viện Nhi Đồng, ở đó có bác sĩ chuyên môn lo, mình đến cũng chẳng làm được gì. Nhưng suốt giờ dạy ấy tôi nói như cái máy phát âm không hồn, hết giờ tôi leo lên xe chạy đi mà không biết đi đâu, đầu óc tôi quay cuồng. Hồi lâu sau, định thần lại, tôi mới biết mình đã lạc đường và tìm lối đến bệnh viện. Một năm sau mẹ tôi mất. Lòng tôi luôn ray rứt, tại sao lại bắt mẹ phải làm những việc như vậy!
Lần thứ hai, mẹ tôi phải nằm bệnh viện vì bệnh cao huyết áp. Thời gian ấy tôi phải lên lớp thường xuyên. Tôi để vợ tôi trông nom mẹ, vẫn cứ đi dạy bình thường. Một hôm đi dạy về, biết rằng mẹ mất đã được nửa giờ, mắt còn mở. Các anh chị tôi đều đã đi nước ngoài, chỉ có mình tôi là con út, ở lại với mẹ. Nỗi ân hận ấy tôi không thể nào quên được.