Buổi trưa, đúng ngọ, Phở 2000 đông nghẹt, Huỳnh Trung Tấn – Chủ tịch HĐQT Công ty HMI, dời cuộc hẹn đến Le Mekong trên đường Đông Du. Một không khí hoàn toàn khác. Nhạc rất nhẹ, không gian trang nhã, một bức tranh hoa trên tường màu sắc rất hồn nhiên. Hóa ra hai nơi đều là “tác phẩm” của anh, và cả bức tranh trên tường kia nữa. Đôi mắt đầy đam mê, giọng Nam bộ chân tình và cuốn hút, anh “chết tên” luôn với biệt danh “Alain Tấn” có lẽ không phải nhờ vẻ ngoài của mình, mà chính tính cách hào hoa phong nhã cả trong kinh doanh và đời sống thường nhật.
Người ta biết nhiều đến anh Huỳnh Trung Tấn qua thương hiệu Phở 2000, và một seri nhà hàng khách sạn tiếp nối từ nghề truyền thống của cha, nhưng ít ai biết anh chính là người góp công khá lớn cho thủy sản Việt Nam. Với HMI, anh đã làm việc với hơn 10 nhà buôn và công ty phân phối thủy sản lớn của Mỹ, để xây dựng hệ thống chất lượng cho thủy sản Việt Nam theo tiêu chuẩn HACCP của Mỹ, tìm đầu ra an toàn cho người nông dân, cùng nhiều nỗ lực giới thiệu khách hàng thế giới cho thủy sản Việt Nam. Dường như đối với anh, nhìn đâu cũng thấy cơ hội, thử thách, những điều mới lạ hấp dẫn…
Bữa trưa của một ông chủ nhà hàng khá đạm bạc, các món rau luộc xanh mướt chấm chao, canh rau cải, đậu xào… Anh nói với nhân viên của mình: “Dọn một bữa cơm đúng nghĩa Việt Nam ấy”. Đi tứ xứ, nếm trải đủ mùi đời, nhưng tình quê trong anh dường như trĩu nặng, phải chăng điều đó đã thôi thúc anh trở về làm ăn rất sớm ở Việt Nam.
____
Hỏi thật anh nhé, đang kinh doanh nhà hàng khách sạn rất thành công bên Mỹ, gia đình lại ở hết bên đó, con thì còn rất nhỏ, vậy mà sức hút nào đã khiến anh thuyết phục được vợ trở về Việt Nam, chấp nhận ở một căn hộ trên sân thượng có 12 mét vuông, mỗi lần nấu cơm là phải đội gió đội mưa?
Năm 1989 tôi cùng một số anh em Việt kiều về thăm nhà, thật sự xúc động khi thấy bà con người nào cũng nghèo, chỉ biết móc hết tiền cho thân nhân rồi trở về Mỹ. Từ lúc ấy tôi không thể sống yên được, có một điều gì đó rất thiêng liêng không thể cắt nghĩa. Quê hương khiến tôi ray rứt hoài, một sức hút mãnh liệt chỉ muốn quay ngay trở lại. Đấu tranh lắm gia đình mới cho về, tôi được ông Nguyễn Xuân Oánh giới thiệu chính sách mở cửa của Nhà nước, và cùng anh em Việt kiều ra thăm Hà Nội. Hà Nội trong mắt tôi toàn “sự lạ”, ăn tô phở Nam Ngư phải qua bên kia đường uống cà phê.
Tôi nói với anh trưởng đoàn: “Tôi vẫn cảm thấy rất xa vời với chính sách kêu gọi đầu tư và mở cửa của Nhà nước, anh có cách nào cho chúng tôi cảm thấy gần gũi và hiểu thêm không?”. Vài ngày sau, chúng tôi được gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hồi ấy Nguyễn Cơ Thạch. Ông rất giản dị, thân mật, xưng hô với chúng tôi bằng anh. Ông gút lại một câu: “Mấy anh em nên về sớm, bởi nếu để sau này, cá lớn vào hết rồi sẽ mất cơ hội. Đất nước cần anh em, có gì cứ gọi cho văn phòng, chúng tôi sẽ hỗ trợ, giới thiệu”… Quả thật quyết định này rất khó, vì nó ảnh hưởng đến gia đình, thay đổi hết cuộc sống.
Nhiều người lúc ấy còn sợ lắm, nước Mỹ bấy giờ là khoảng sáng, còn Việt Nam là khoảng tối, nhưng tôi đã tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối, khoảng sáng ấy chính là hai ông Nguyễn Xuân Oánh và Nguyễn Cơ Thạch. Không có ấn tượng mạnh thì chưa chắc tôi đã về Việt Nam. Ở Mỹ 20 năm với tôi chẳng còn gì mới, trong khi Việt Nam đầy cơ hội mà không cần vốn liếng nhiều, chỉ cần kinh nghiệm và có vợ có chồng sẽ làm được. Gửi con lại cho bà ngoại, giao công việc kinh doanh cho gia đình, nhà cửa bán đi, hai vợ chồng trở về Việt Nam. Trong thâm tâm, tôi tin 5 năm nữa gia đình cũng sẽ trở về cùng tôi, và điều đó đã thành sự thật.
____
Vậy có bao giờ anh bị… “vỡ mộng” chưa?
Thời điểm đó, cơ hội nhiều nhưng rủi ro rất cao, thấy dễ mà không dễ. Thứ nhất là do mình không hiểu hết luật lệ, cơ chế, tập tục làm ăn. Có những thứ không phải “luật”, mà là “lệ”. “Lệ” thì phải từ từ mới hiểu. Thật sự nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc. Bỏ cuộc ở đây có nhiều lý do, nhưng thương mại không phải là lý do chính, bởi thua chuyện này có thể làm chuyện khác.
Tôi cho vấn đề ở đây là hệ thống pháp luật của mình ở thời điểm đó cũng như sau này chưa đồng bộ để đón nhận đầu tư của anh em Việt kiều, đi tới đâu vướng tới đó. Những quyền lợi căn bản của anh em cũng không được bảo đảm, lại có sự phân biệt đối xử. Như luật về di trú, chuyển tiền ra nước ngoài, luật khuyến khích đầu tư, rồi cả chuyện sinh con chẳng hạn. Tôi rất dị ứng và đau khổ với câu “có yếu tố nước ngoài”, trong khi Nhà nước chủ trương mời gọi tất cả những người Việt Nam sống trên thế giới là một cộng đồng không thể tách rời. Tôi nghĩ tư duy này rất lỗi thời, “thất chính trị”, khiến cho anh em bị đè nặng bởi tâm lý lúc nào cũng bị coi là “người lạ”…
Đó là điều đến nay vẫn còn là nỗi lo sợ nhất, vì luôn phải sống trong sự không an tâm, không ổn định, chỉ cần một sự cố nhỏ về tâm lý là lại phải ra đi. Tôi đã thấy rất nhiều anh em ra đi, mà lần này là đi luôn, đi trong khắc khoải… Anh em Việt kiều về đây không muốn gì khác hơn anh em trong nước cả, muốn thở cùng một thứ không khí, ăn cùng một thứ đồ ăn, trái tim đập cùng một nhịp, nghe một bài nhạc Trịnh Công Sơn là nước mắt rưng rưng rồi… Tại sao lúc nào cũng cho là “yếu tố nước ngoài”? Chính sách Nhà nước rất hay, nhưng triển khai, thực hiện nó thì còn rất nhiều bất cập.
Tôi rất dị ứng và đau khổ với câu “có yếu tố nước ngoài”, trong khi nhà nước chủ trương người việt nam là một cộng đồng không thể tách rời.
____
Theo anh, làm thế nào cho anh em doanh nhân Việt kiều thoát khỏi cảm giác đó?
Tôi nghĩ rất đơn giản. Một doanh nghiệp thành lập xong, hãy ghi cho họ một tờ giấy, chỉ một tờ thôi, chỉ dẫn họ phải liên lạc với ai. Có hotline (đường dây nóng) để giải quyết ngay những khó khăn, và cả người thường xuyên hàng quý gặp gỡ doanh nghiệp. Điều đó rất hữu ích, bởi doanh nghiệp hiện nay xa rời chính quyền, xa rời các sở, ban, ngành quá. Chỗ nào cũng có một ban bệ, nhưng không phải để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, mà ngồi đó để doanh nghiệp lên “xin”.
Ngay cả thuế, quản lý thị trường cũng như “ông trời” vậy, có điều gì thắc mắc cũng không dám nói, vì nói ra là bị cho là “đấu”. Ấy là chưa kể chuyện hối lộ, nỗi đau của xứ sở… Tôi còn nhớ có lần mất vé máy bay ở Bangkok, tôi đã được cấp ngay vé mới và sắp xếp chuyến bay chỉ trong 5 phút, tôi rút 20USD bồi dưỡng cô tiếp viên, nhưng cô nói: “Đó là bổn phận của tôi”. Tôi sực nhớ mình đang ở Thái Lan.
____
Anh giải quyết với bản thân mình và gia đình như thế nào để vẫn chiến thắng về mặt cá nhân? Rồi lại gọi cả gia đình về như thế?
… Thật sự trong đời doanh nhân, không bao giờ tôi thất vọng, lúc nào cũng hy vọng, lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần nếu thất bại sẽ làm gì? Thấy mình làm không được thì kiếm việc khác. Những điều này tôi không nói cho gia đình, bà con nghe đâu, nước ngoài lại càng không (cười ý nhị). Tôi cũng chả phải thần thánh gì, mình cũng là con người thôi, mình muốn nhập gia tùy tục cũng chưa chắc được, có những phút cũng chua chát, cô độc lắm. Làm ăn ở Việt Nam so với ở nước ngoài cực gấp 10 lần, một cú điện thoại từ xa về cũng làm mình hết hồn. Thật ra thì đi chỗ nào trên thế giới tôi cũng sống được, nhưng trái tim mình ở Việt Nam, đó là điều thiêng liêng.
____
Một chuyện hơi tò mò, ai đã đặt cho anh biệt danh “Alain Tấn”? Có lẽ là một cô gái?
Chuyện này không biết chị có muốn nghe không (cười). Năm 18 tuổi, tôi qua Mỹ du học, ba tôi lúc ấy làm kỹ nghệ ở Việt Nam. Ông viết thư sang bảo tôi qua Pháp mua máy móc làm dự án thủy lợi, nạo vét lòng sông. Chuyến đi ấy tôi có quen hai cô gái Pháp, nhưng do tên tôi khó nhớ quá, đi ngang qua một rạp chiếu phim thấy đang trưng “áp phích” một cuốn phim do Alain Delon đóng, hai cô đặt luôn cho tôi cái tên Alain ấy, không ngờ “chết tên” luôn.
____
Chuyện “Phở 2000” của anh sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến ăn có đông khách hơn?
Trước đây Phở 2000 đã thành công, nó sống không nhờ cái tên của Bill Clinton mà bằng tên của chính thương hiệu đó, với điểm đặc biệt là ở đây không xài bột ngọt. Hai vợ chồng tôi ôm nồi phở cả năm trời, sáng nào cũng coi 10 nồi phở trước mặt, coi màu nước, nêm nếm, làm bánh phở… Tôi đã gầy dựng nên Phở 2000 bằng bàn tay, khối óc, niềm đam mê của mình. Đến bây giờ, tôi chủ trương bán thương hiệu ra Malaysia, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Indonesia, chuyển giao tay nghề, và làm phở ăn liền xuất khẩu bằng bột gạo Đồng Tháp, mang thương hiệu Phở 2000 phát triển trên thị trường quốc tế.
Trước đây phở 2000 đã thành công, nó sống không nhờ cái tên của bill clinton mà bằng tên của chính thương hiệu đó.
____
Vì sao từ nhà hàng khách sạn anh lại chuyển sang kinh doanh thủy sản?
Giai đoạn tới tôi muốn dành thời gian tư vấn về đầu ra, xác định tiêu chuẩn cho lĩnh vực thủy sản. Nói đến xuất khẩu là phải nói đến kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nghĩ đây là một ngành chiến lược, tiềm năng. Nếu Chính phủ có yêu cầu, tôi sẽ trình bày kế hoạch về thị trường, sản xuất, kỹ thuật nuôi trồng, và thực hiện đúng, thì 10 tỉ USD/năm về xuất khẩu thủy sản là con số có thể đạt được trong 5 năm tới. Nông dân không cần trợ giá, mà cần Nhà nước có Quỹ Thủy sản để bình ổn giá trong lúc thị trường biến động, có như vậy mới buôn bán được với quốc tế.
Ngược lại nếu buôn bán theo kiểu xuất nhập khẩu thì chỉ là buôn chuyến, không bền vững. Phải nội địa hóa tại nước sở tại bằng kho hàng ở các cảng chiến lược và hợp tác với các nhà phân phối của các nước, chứ không chứa hàng trong nước… Những chiến lược này rất quan trọng cho ngành thủy sản, chứ không phải là kiểu đi “triển lãm”, qua đó giành giật, bán phá giá nhau, không giải quyết được gì, mà rất tốn kém.
____
Từng chấp nhận hết thua thiệt về mình, trả lại tiền cho bạn bè khi hùn hạp với anh làm ăn thua lỗ, anh nghĩ gì về chữ tình chữ nghĩa trong kinh doanh?
Chị thấy mặt tôi nám hết trơn không? Hồi xưa tôi mập mạp trắng trẻo lắm chứ có đen đúa như thế này đâu (Cười). Tôi cắn răng chịu hết, nhiều khi còn nghe tiếng xấu nữa, nhưng chỉ cần những người trong cuộc biết là được rồi. Trong cuộc đời làm ăn, không bao giờ tôi tính hơn anh em, lời thì chia, mà lỗ thì chịu một mình. Đạo lý làm ăn của doanh nhân Việt Nam là có tình có nghĩa, uống nước nhớ người đào giếng, đó là nguyên tắc đầu tiên khi hùn hạp làm ăn.
Chơi với bạn mà cứ tính hơn bạn thì chẳng ai chơi với mình. Cái tâm mình phải thiện thì mới có tình được. Có ai kinh doanh mà muốn lỗ đâu, nhưng khi người ta đã tin mình, thì mình phải gánh hết, để có làm hay không làm với nhau nữa vẫn phải là bạn. Đức độ, chữ tín của con người mới là gia sản quý nhất. Tôi thường nói với con: “Dù ngã ngựa vẫn phải anh hùng”. Anh hùng thể hiện ở ý chí, ở cái tâm của mình. Làm doanh nhân dù tài năng đến đâu mà không đức độ thì trước sau cũng bứt.
____
Anh có thể nói một chút về người vợ của mình? Chính sự cần nhau đó đã giúp anh như thế nào trong những lúc cô độc, mệt mỏi?
Gia đình là nền móng của cái nhà. Tôi luôn chia sẻ, tâm tình với vợ về những việc mình làm, có như vậy cô ấy mới hiểu và hỗ trợ được mình. Chủ một doanh nghiệp nhỏ như tôi rất cần đến người vợ, nhất là về mặt tài chính. Cô ấy lo mảng nhà hàng, khách sạn, và là “bộ trưởng bộ tài chính”, còn chiến lược là tôi. Con trai tôi năm nay đã 23 tuổi, và đang học bên Mỹ. Tôi muốn để cháu tự lập kiếm sống, và không muốn lót đường cho con. Con trai là phải cho sương gió, chứ ru rú trong nhà là hỏng.
____
Cuộc đời đầy khắc nghiệt thế, nhưng anh vẫn viết nhạc, vẽ tranh, mà lại toàn là viết về tình yêu, anh không sợ… vợ ghen à?
Đó là những cảm xúc thật, nhưng chỉ là mơ thôi. Âm nhạc và hội họa làm cho cuộc sống dễ thương hơn, chẳng có điều gì phải trách móc, giận hờn. Có một câu trong bài Ngại ngùng bị bà xã truy xét hoài: “Mong manh em như giọt sương mai, vụng về nâng niu ngại vỡ trong vội vàng… Dù sao đi nữa ta vẫn yêu, ta vẫn mơ… Ngại ngùng yêu em, em có ngại không em?”.
Chơi với bạn mà cứ tính hơn bạn thì chẳng ai chơi với mình. Cái tâm mình phải thiện thì mới có tình được.
____
“Dù sao đi nữa ta vẫn yêu, ta vẫn mơ” có phải là quan điểm sống xuyên suốt trong cuộc đời anh?
Đúng vậy, trong hoàn cảnh nào thì cuộc sống vẫn đáng yêu, bạn bè vẫn đáng yêu. Mình làm việc nhỏ, nhưng vẫn có quyền mơ những giấc mơ lớn. Lúc nào tôi cũng tin Việt Nam sẽ khá lên, tôi sẽ chết trên đất nước tôi, chứ không chết trên đất Mỹ. Bỏ tiền túi đi kéo đầu tư vào cho xứ sở, tôi lấy cá Việt Nam xuất đi Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Ngược lại cái gì hay đều đem về Việt Nam… Có những việc phải làm bằng cả trái tim và sự quyết tâm, lăn xả. Phải đi trước mới thắng được.
Dù chúng ta đã có nhiều sửa đổi, nhưng mới chỉ là hình thức, mà chưa thực sự chuyển về nội dung. Như cổng dành riêng cho các nhà đầu tư tại sân bay chẳng hạn, vẫn phong cách đó, vẫn khuôn mặt khó đăm đăm đó, không thấy một nụ cười, thì đi cửa nào mà chẳng thế. Trước mắt đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của chính quyền. Câu nói “từ từ sẽ sửa” rất nguy hiểm, tôi nghe lâu quá rồi. Thế giới không ai chờ mình, không ai thương mình cả, chuyện ngay trong nhà mà không dọn sạch làm sao hội nhập?
____
Anh thấy mình “dễ ghét” nhất là điều gì?
Bệnh đam mê, làm gì cũng mê, cũng lăn xả, nhiều khi cản không được. Như vụ thủy sản chẳng hạn, “ôm” thủy sản vào lòng là mê luôn. Nhà nước làm chuyện lớn, doanh nghiệp làm việc nhỏ, có vậy mới tạo được sức bật cho đất nước. Rồi hệ thống lọc dầu mini với vốn 3 triệu USD, lại mê nữa. Đó là hạnh phúc của người làm kinh doanh. Làm việc, đam mê, nhưng không được tham lam. Vì sự tham lam là tính toán ích kỷ, cho mình trước đã, sẽ trở nên nhàm chán. Còn đam mê là thử thách mới, công việc mới, học hỏi mới, đối tác mới, tình bạn mới, sinh khí mới… Nếu hết đam mê thì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.
____
Vậy vợ anh có “chịu nổi” anh không?
Bà xã tôi thì kín đáo không nói, nhưng tôi nghĩ người đàn bà nào cũng vậy, vừa yêu vừa sợ! Có sợ mới yêu (cười dí dỏm)… Có lẽ điều đó làm cho cuộc sống có những hương vị mới.