Gần 1 triệu thí sinh vừa trải qua một kỳ tuyển sinh đầy cam go vào các trường đại học và cao đẳng với hy vọng chen chân vào khung cửa hẹp để sau này tìm được một việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Từ bao lâu nay, đã có không biết bao nhiêu lời than vãn về tình trạng mất cân đối trong đào tạo và sử dụng lao động, cũng như đã có quá nhiều những chủ trương và biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, tình hình không được cải thiện bao nhiêu nếu không muốn nói là ngày càng gay gắt, nhất là với lớp trẻ vừa rời ghế nhà trường.
Thống kê mới nhất cho thấy cả nước hiện có hơn 1 triệu người độ tuổi lao động bị thất nghiệp, đặc biệt, trong đó có tới 162.400 người có trình độ đại học trở lên.
Thất nghiệp trong tuổi thanh niên tiếp tục là vấn đề nóng của xã hội. Đây là số liệu được đưa ra trong buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý II-2014 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 1-7 vừa qua, theo đó số người thất nghiệp hiện nay là 1,045 triệu người, tăng hơn 145.800 người so với quý IV-2013. Tỷ lệ thất nghiệp chung quý I-2014 là 2,21%, tăng so với quý IV-2013 (1,9%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,72%, cao gấp 2,4 lần ở nông thôn.
Đáng chú ý là số lượng người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp tiếp tục tăng 4.300 người so với quý IV-2013 và tăng 39.400 người so với cùng kỳ năm ngoái (123.000 người).
Ngoài ra, đến quý I-2014 cũng đã có 79.100 lao động có trình độ cao đẳng và 174.000 lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp.
Bức tranh màu xám trên đây không chỉ là nỗi lo của những người làm công tác quản lý vĩ mô mà chắc hẳn cũng làm cho các bậc cha mẹ cũng phải nặng lòng trong những ngày tuyển sinh đang diễn ra.
Phân tích những số liệu này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết con số hơn 20% lao động từ 20-24 tuổi có trình độ đại học trở lên thất nghiệp lại là điều đáng phải suy nghĩ vì cho thấy một số lượng lớn lao động sau khi tốt nghiệp đang gặp khó khăn khi gia nhập thị trường lao động.
Theo lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này.
Việc không dự báo được những thay đổi về thị trường lao động là một trong những nguyên nhân cản trở những người trẻ vừa rời ghế trường đại học, cao đẳng có việc làm. Thị trường này từ ngày hội nhập đến nay đã biến động liên tục, có những nghề mới xuất hiện và cũng nhiều công việc sẽ mất đi. Nếu không khảo sát, dự báo thị trường những năm tới cần những lao động nào thì chắc chắn sẽ còn rất lâu quá trình đào tạo mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ vẫn còn nhiều thanh niên gặp khó khăn khi xin việc.
Hiện nay hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong khi đó các doanh nghiệp đang cần rất nhiều công nhân nhưng không tuyển dụng được. Ngược lại phải tuyển lao động, công nhân, kỹ sư nước ngoài, đó là một nghịch lý.
Tại sao như vậy? Chẳng qua là hai bộ phận đào tạo và tuyển dụng của chúng ta đang tách rời nhau, đào tạo một nơi, sử dụng một nẻo. Ở nhiều nước, muốn xây dựng một nhà máy hay phát triển một ngành sản xuất, họ phải có kế hoạch phát triển nhân lực từ trước đó ba bốn năm để tự đào tạo hoặc đặt hàng cho các cơ sở đào tạo.
Có thể dẫn chứng qua kinh nghiệm của Canada được mô tả như là hình thức thực tập sinh tại xí nghiệp. Tại đất nước này, dù nền giáo dục thuộc loại tiến bộ nhất thế giới, sinh viên đại học vẫn phải đòi hỏi một tính thực tế ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường để khi tốt nghiệp là biết ngay mình phải làm gì.
Đáp ứng yêu cầu ấy là một chương trình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Chương trình học theo tín chỉ một năm có ba học kỳ, trong đó đến học kỳ thứ ba sinh viên phải đi làm việc theo một kế hoạch phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên được doanh nghiệp trả lương, nhận công việc cụ thể theo độ khó từng năm và đây cũng là một tín chỉ mà nếu không có đủ thì sẽ không ra trường.
Với chương trình này doanh nghiệp được lợi là (1) có điều kiện theo dõi và phát hiện sớm năng lực của sinh viên để có quyết định sử dụng sau này, (2) thừa hưởng được những kiến thức mới nhất từ chương trình nghiên cứu của trường đại học, (3) nhận được sự ưu ái của xã hội vì đã tham gia vào công tác đào tạo con người.
Còn trường đại học thì với chương trình học như vậy học phí sẽ cao hơn, thứ hai là tạo tính thực tiễn để ngày càng cải thiện chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội, thứ ba là chỉ số sắp hạng của trường trong hệ thống giáo dục sẽ cao và nhờ vậy càng thu hút nhiều người theo học.
Về phần sinh viên thì hưởng được thu nhập từ doanh nghiệp, được tiếp cận sớm với các nhà tuyển dụng lao động để có sự chọn lựa nơi làm việc. Tất cả lợi ích của cả ba phía suy cho cùng chính là lợi ích của nền kinh tế.
Ở nước ta, có một thực tế đáng buồn là dù biết được những bất cập giữa công tác đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động về mặt lý thuyết, nhưng các cơ quan quản lý nhân lực trung ương cũng như từng địa phương lẫn các doanh nghiệp chưa đưa ra được kế hoạch phát triển nhân lực theo ngành nghề nên việc đào tạo không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực. Đã có quá nhiều chiến dịch hô hào đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng nhu cầu đào tạo xã hội như thế nào thì chưa ai biết.
Điều này dễ nhận ra khi có một số ngành nghề cách đây năm bảy năm được lớp trẻ chọn lựa như kế toán, quản trị kinh doanh vì dễ tìm được việc làm nhưng nay đang thừa nhân lực, nhưng các trường vẫn tiếp tục đào tạo tràn lan, còn sinh viên thì không được định hướng nghề nghiệp.
Sẽ tệ hại hơn nữa khi không ít bậc cha mẹ lấy kinh nghiệm của mình để ép buộc con cái chọn ngành học một cách máy móc. Tư duy bảo thủ khiến họ ngại ngần cho con theo học một số ngành mới trong khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội vì cho rằng đây không phải là các ngành dễ kiếm tiền.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong sáu tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng thêm 150.000 lao động. Dự kiến nhu cầu tìm việc sáu tháng cuối năm sẽ tăng 10% so với đầu năm.
Thị trường lao động tiếp tục theo xu hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hơn nguồn nhân lực, nhưng công tác đào tạo lại không theo kịp. Điều này giải thích tại sao có đến 70% sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận với công việc.
Theo dự báo, tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%, cao hơn mức tăng của năm 2013 là 5,4%. Lực lượng lao động sẽ đạt 54,87 triệu người vào năm 2014. Nhìn chung thì khả năng tạo việc làm của nền kinh tế sẽ tốt hơn so với năm 2013, nhất là ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Tuy nhiên, cơ hội tìm kiếm việc làm của những lao động có trình độ cao chắc chắn vẫn rất khó khăn và dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong năm 2014 sẽ duy trì ở mức như lâu nay, không cải thiện được. Hơn nữa, thị trường lao động đang trong xu hướng giảm về số lượng, tăng về chất lượng, do vậy số người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp có thể vẫn rất cao.
Như vậy là vẫn còn đó bài toán nan giải mà nếu không có một nghiên cứu thật chu đáo về nhu cầu nhân lực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế thì sẽ không có một chiến lược về thị trường lao động để qua đó định hướng cho công tác đào tạo.
Không nên cho rằng ngành giáo dục và đào tạo là nơi chịu trách nhiệm chính về tình trạng thất nghiệp trong xã hội mà nhiều ngành kinh tế tổng hợp và kể cả nơi sử dụng lao động cũng phải góp phần cải thiện tình hình này.
Nhưng mặt khác, các trường đại học và cao đẳng là nơi chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nhân lực mà nếu cứ xem nặng đầu vào (thi tuyển rất khó) và xem nhẹ đầu ra (tốt nghiệp rất dễ) như hàng chục năm qua thì dù có tốt nghiệp đại học đi nữa thì sinh viên của chúng ta cũng khó lòng đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động cũng như yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Phạm Thành Sơn