Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Thuận Thiên… mỗi người mang trong mình một câu chuyện của số phận đáng được nhắc đến trong sử Việt. Những nhân vật ấy được đặt vào vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: Giang Mạnh Hà) để thấy một cuộc xoay vần đảo điên của cuộc đời, để bật lên một chuyện tình bi thương mà không luận ai tốt, ai xấu, ai có công, ai có tội.
Ai có thể đứng ngoài bánh xe lịch sử?
Điều thú vị của vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy là làm cho khán giả thấy không khí của những ngày cuối nhà Lý và đầu nhà Trần. Đó là một sự chuyển giao đầy giằng xé như thường thấy trong các cuộc thay đổi vương triều và ê-kíp của vở kịch đã dành một cái nhìn đầy yêu thương đối với các nhân vật, nhất là những người phụ nữ mang vác số phận của mình trong vòng quay của lịch sử.
Không đặt nặng việc phân tích các sự kiện lịch sử, vở kịch nhìn lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt mà ở đó trách nhiệm và tình yêu của những người trong hoàng cung bị đặt chồng chéo lên nhau. Không gian của vở kịch được xây dựng trên hai tông màu, xám của thành quách và đỏ của phục trang để thấy những biến động của lịch sử và cái sắc lạnh của hoàng cung. Cảm xúc của nhân vật và khán giả cũng được dẫn dắt quanh hai cung bậc ấy.
Khán giả sẽ thấy một Trần Thủ Độ vô cùng lạnh lùng trong việc thực hiện những kế hoạch của mình để nhanh chóng thu dọn một triều Lý đang trên đà suy tàn và xây dựng một triều đại mới, để rồi người đời dành cho ông cả điều tiếng và sự nể vì.
Số phận đầy nước mắt của những người phụ nữ dưới vòng quay của lịch sử được bật lên qua từng lớp diễn. Trần Thị Dung bị mang tiếng giết chồng và chịu sự ghẻ lạnh của hai cô con gái của mình. Thuận Thiên công chúa phải cưới Trần Cảnh khi đang mang thai với Trần Liễu. Chiêu Thánh nhường chồng cho chị gái, từ bỏ ngôi hậu rồi tái hôn dưới dự sắp xếp của chồng cũ.
Cuộc đời và cuộc tình đầy cay đắng của Lý Chiêu Hoàng được dành nhiều đất diễn nhất. Sau khi rời cung, Chiêu Thánh ở ẩn trong nỗi đau tình ái và cảm giác tội lỗi vì mình đã đánh mất triều Lý. Hai mươi năm sau, chiếu chỉ của Trần Thái Tông dời Chiêu Thánh về cung để tác hợp cho bà với tướng quân Lê Tần là lớp diễn kỳ công, quan trọng và đắt giá nhất.
Cổng thành mở ra, Lý Chiêu Thánh bước vào chốn cũ, mắt rưng rưng nhìn quanh, tay run run sờ vào thành quách – nơi chứa đựng tuổi trẻ và kỷ niệm của bà. Trần Cảnh cầm tay Lê Tần và Chiêu Thánh tác hợp cho hai người mà mắt không dám nhìn người tình cũ. Cặp vợ chồng mới quay đi, cổng thành khép lại, vị vua uy nghiêm khụy chân xuống đất trong tiếng nhạc dặt dìu.
Trong cuộc tác hợp ấy, Trần Cảnh và Chiêu Thánh, khó nói ai đau hơn ai. Chỉ cần lớp diễn này cũng đủ để cảm nhận được vẻ đẹp và nỗi đau của một cuộc tình bi thương trong lịch sử.
Mỗi suất diễn là một… cuộc chơi máu lửa
Nghệ sĩ Hoàng Yến và Lê Hoàng Giang đã thể hiện lớp diễn nói trên rất tinh tế. Đó cũng là đòi hỏi dành cho lớp diễn này bởi sức nặng nằm ở ánh mắt và hình thể, rất ít lời thoại, chỉ có nội tâm của nhân vật trôi đi trong tiếng nhạc.
Hoàng Yến từng tâm sự suốt đời chị chỉ thích những vai diễn rất tình và Lý Chiêu Hoàng đã được chị thể hiện rõ cái yêu, cái đau và cả cái sắc sảo của một nàng công chúa được Lý Huệ Tông truyền ngôi.
Lê Hoàng Giang (vai Trần Cảnh) là chàng diễn viên 9X đã chọn một lối đi riêng với sân khấu kịch và càng ngày càng bản lĩnh với những vai diễn khó.
- Xem thêm: Những người trẻ kiêu hùng cùng sử Việt
Tây Phong đã đạo diễn một số vở kịch của sân khấu Hồng Hạc và lần đầu tiên lên sân khấu trong vai trò diễn viên cũng chiếm được cảm tình của khán giả qua phong thái và cách thoại thể hiện oai nghiêm của nhân vật Trần Thủ Độ. Tây Phong là phát hiện của nghệ sĩ Hoàng Yến vì rất ấn tượng với chất giọng của anh trong lúc ê-kip đang đi tìm Trần Thủ Độ.
Cảnh trí của Thành Thăng Long thuở ấy cũng đơn giản với vài chiếc bục bệ và hai cầu thang được xoay chuyển theo từng lớp diễn. Ê-kip của Hoàng Yến thường nói vì thiếu kinh phí nên phải tối giản cảnh trí nhưng không hẳn thế, nhờ tối giản nên đã có cách dựng đầy tính ẩn dụ tạo nên sự thú vị và thể hiện phong cách riêng của mình từ thời dựng Mê-Đê, Yêu là thoát tội… đến nay.
Để ra mắt được một vở kịch mới ê-kip này đã vượt qua những khó khăn về kinh phí, rất may các diễn viên đều rất máu lửa. Họ tự tìm cách để được diễn, coi mỗi suất diễn là một cuộc chơi và chơi hết mình. Theo đuổi “dòng kịch khó bán vé” nên khó kêu gọi đầu tư, hầu như Hoàng Yến phải tự bỏ tiền túi để làm kịch, vì vậy khó có thể dựng kịch từ một kịch bản mới hoàn toàn hay đặt hàng biên kịch viết riêng.
Thành Thăng Long thuở ấy cũng là là kịch bản đã được dựng trước đó với tên Anh hùng và mỹ nhân (Nhà hát kịch Việt Nam) và Tình sử hai vương triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) ra mắt công chúng trong các lần hội diễn. Tuy nhiên, đây là một phiên bản khác biệt, đầy sáng tạo, không giống bất cứ bản dựng nào trước đó, với sự góp sức của ánh sáng, âm nhạc và nội lực của diễn viên được trau chuốt qua mỗi suất diễn.
Vở kịch có sự tham gia của các diễn viên: Hoàng Yến, Huy Thục, Lê Hoàng Giang, Tây Phong, Phương Anh, Chu Minh, Sĩ Hoàng… Hiện, Thành Thăng Long thuở ấy được lên lịch diễn thường xuyên tại Nhà hát Thế Giới Trẻ (125 Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM) hoặc theo hợp đồng của các trường học.
– Ảnh: Nguyễn Võ Lâm